Khảo sát trực tuyến để phát hiện các dấu hiệu vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá online
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt thực hiện khảo sát trực tuyến các website và trang mạng xã hội để phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bán online.
Chiều ngày 7/1, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết: Năm 2021, Tổng cục đã tiến hành kiểm tra, khảo sát 361 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, thực phẩm, xăng dầu... Trong đó, đáng chú ý, số kiểm tra tại cơ sở giảm 22% so với năm 2020, số cơ sở khảo sát trực tuyến là 217 cơ sở. Tổng số mẫu khảo sát, kiểm tra là 2.165 mẫu, kết quả có 1.180 mẫu không đủ thông tin ghi nhãn hàng hóa, dấu CR. Tổng số mẫu thử nghiệm là 192 mẫu, kết quả có 41 mẫu không đạt. Trên cơ sở đó, đã thực hiện xử lý theo thẩm quyền, tạm dừng lưu thông hàng hóa không đạt về chất lượng đối với 4.700m dây điện, hơn 17 nghìn lít dầu nhờn động cơ, hơn 13 nghìn lít xăng E5 RON92, với tổng số tiền phải nộp ngân sách nhà nước là gần 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn phòng dịch và đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, Tổng cục đã thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia đối với hầu hết các thủ tục tiếp nhận đăng ký, ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng, dầu, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu. Chỉ một vài trường hợp nhận hồ sơ giấy do Hệ thống gặp sự cố.
Năm 2021, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các bộ, ngành. Trong đó, đáng chú ý đã phối hợp Bộ Y tế tổ chức thẩm định, trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 61 Tiêu chuẩn Việt Nam về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều tiêu chuẩn Việt Nam quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế, mũ chùm đầu y tế... phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tổng cục phối hợp chặt chẽ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ và duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Riêng đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ với hơn 88.000 lượt hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp.
Trong công tác hợp tác quốc tế, Tổng cục đã hoàn thành tốt vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) và Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ).
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đề nghị trong năm 2022, Tổng cục cần đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan.
Việc sửa đổi 2 luật này nhằm mục tiêu để phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
“Điều quan trọng nhất trong việc sửa đổi luật là phải chú ý đến việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo động lực mới, vừa là lực kéo vừa là lực đẩy để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo...) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực bảo đảm phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng yêu cầu xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư; tập trung, ưu tiên nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế...
Đối với các chương trình, đề án quốc gia như Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng, Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Đề án 996 về bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Quyết định số 36/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo… cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt hơn, bảo đảm huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện.
“Các chương trình, đề án đều phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ năng suất, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Việt Nam, bảo đảm có tính cạnh tranh dựa trên nền tảng áp dụng KHCN và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Chân Hoàn (T/h)