Khi ai đó mất đi, tài khoản mạng xã hội của họ sẽ ra sao?

08:11, 01/05/2016

Tài khoản MXH về cơ bản đại diện cho mỗi cá nhân "sống và hoạt động" trên mạng. Vậy khi người dùng "bái bai thế giới này" thì tài khoản ấy sẽ thế nào?

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội. Các tài khoản cá nhân trên FB, Twitter… giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi người dùng viết nhật kí mà còn là nơi chia sẻ cảm xúc, giao tiếp với bạn bè, quảng bá thương hiệu… Nói cách khác, account trên mạng xã hội có thể coi như là một tài sản vô hình của người dùng.


Thế nên, nhiều người rất muốn biết tài khoản trên mạng xã hội sẽ bị xử lí như thế nào khi họ qua đời.


Một báo cáo gần đây của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới nói rằng qua 10 năm hoạt động, mạng xã hội này có 30 triệu tài khoản mà người dùng của nó đã qua đời.


Theo hãng tin ABC, hơn 8.000 người sử dụng tài khoản FB chết hàng ngày. Đó là chưa kể các mạng xã hội khác như Twitter và Instagram.


Và một vấn đề được các chuyên gia cảnh báo là chưa chắc khi chúng ta chết thì những tài khoản này sẽ được thừa kế bởi người thân của chúng ta.


Theo luật riêng tư của hầu hết công ty thì không ai có quyền truy cập vào tài khoản như chính cách bạn vẫn thường làm hàng ngày.


Nếu ai có hành vi cố gắng đăng nhập vào những tài khoản này thì nhà cung cấp dịch vụ sẽ khóa nó vĩnh viễn.


Nếu vẫn chưa hết thắc mắc, thì hãy tham khảo cụ thể cách mà các mạng xã hội phổ biến hiện nay xử lí tài khoản của người dùng sau khi họ qua đời.


FB của Mark Zuckerberg


Trong trường hợp người dùng FB qua đời, mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới có hai hướng để xử lí tài khoản của những người này: bị xóa vĩnh viễn hay trở thành một di sản để lưu niệm. Điều này tùy thuộc vào quyết định từ người thân của người đã mất.


Facebook đã tung ra một tính năng gọi là "legacy contact", cho phép người thân giữ lại tài khoản của người chết sau khi họ khai báo đầy đủ các thông tin chứng minh cần thiết theo quy định của công ty.


Với tài khoản mang tính chất "tưởng niệm" này, bất kì ai cũng không thể đăng nhập, sửa profile, xóa ảnh, bài đăng, thêm bớt bạn bè. Mọi người chỉ có thể gửi tin nhắn đến tài khoản này hoặc bình luận những chủ đề đã tồn tại trước đó.
Twitter.


Tương tự như FB, Twitter cũng cho phép người được ủy quyền để quản lí tài khoản của người đã mất, hoặc xóa vĩnh viễn tài khoản này theo yêu cầu từ người thân.


Tuy nhiên, việc quản lí ở đây không đồng nghĩa với việc bạn có thể truy cập vào tài khoản của người đã chết và tương tác với các nội dung trong đó. Giống như FB, việc Twitter cho giữ lại tài khoản của họ chỉ mang tính chất tưởng niệm mà thôi.


Nếu yêu cầu xóa tài khoản, bạn phải cung cấp cho Twitter các dữ liệu như thông tin về người chết, một bản sao giấy chứng minh của bạn và bản sao giấy chứng tử.


Instagram


Instagram cũng áp dụng chính sách tài khoản "tưởng niệm" nhưng có một số khác biệt.


Instagram không cho phép bất cứ ai để đăng nhập vào một tài khoản "tưởng nhớ" và họ không thể thay đổi tài khoản này, bao gồm thay đổi like, followers, tags, bài viết (post) và bình luận (comment).


Những bài viết được chia sẻ bởi tài khoản này vẫn được những người theo dõi nhìn thấy nhưng tài khoản của họ không hiển thị trong kết quả tìm kiếm.


Email


Gmail (thuộc sở hữu của Google) có chính sách giúp bạn có được nội dung email của người quá cố. Người dùng có thể vào menu "Inactive Account Manager" để lựa chọn việc sẽ share cho người khác hay xóa tài khoản của mình sau một thời gian không hoạt động.


Yahoo cũng cho phép người thân đóng tài khoản của người quá cố nhưng trước đó họ phải cung cấp một số tài liệu cần thiết.

Thiện Hoàn