Khởi nghiệp từ nhu cầu được chú ý và thương hiệu cá nhân
Nhu cầu được chú ý và có được thương hiệu cá nhân đang ngày càng trở nên được coi trọng trong việc làm thế nào để nhận được những cái gật đầu đồng ý cấp vốn.
- Làm thế nào để gọi vốn thành công cho ý tưởng khởi nghiệp?
- Ứng dụng khởi nghiệp TodayTix bán được 100 triệu USD vé Broadway
- Facebook hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam
- BBC: Việt Nam 'là nơi khởi nghiệp'
- Quỹ TEKES Phần Lan đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
- VNG, Google, Uber, Microsoft... bàn về khởi nghiệp ở Việt Nam
- 500 Startups rót 10 triệu USD cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam
- Leo Trieu: Bỏ việc nghìn đô để khởi nghiệp tại thung lũng Silicon
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Khi lộn nhào xuống một hố băng trên lòng biển Baltic, Didrik Dege Dimmen khiến người xem ở Oulu, Phần Lan nín thở.
Chàng trai 24 tuổi người Na Uy khi đó trình bày ý tưởng về việc quảng bá chế độ ổn định điện thoại trước một nhóm các nhà đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm bằng cách xuất hiện trong tình trạng nước biển lạnh căm ngập đến ngực, và trên ngực trần có viết tên sản phẩm.
Màn trình diễn của anh đi ngược lại một quy tắc bất thành văn ở Na Uy "luật của Jante", tức thông lệ văn hóa theo đó coi việc phô trương là điều không nên.
Nhưng Dimmen đã thắng giải nhất trong Cuộc thi Trình bày Ý tưởng Polar Bear Pitching năm 2016 - với giải thưởng 10.000 euro (tương đương 11.128 USD), kèm một vị trí làm việc tại Thung lũng Silicon, cộng với sự nổi tiếng toàn cầu và có thêm các mối quan hệ mới.
"Đó là cách cực kỳ hiệu quả để quảng bá chính chúng ta," anh nói. Kể từ khi đồng sáng lập công ty Công nghệ FlowMotion Technologies ở Oslo hai năm trước, tiếng tăm ngày càng nổi bật trước công chúng của công ty khởi nghiệp này khiến anh cùng công ty đã thu hút đến 1,3 tỷ USD đầu tư.
Nếu như việc để mình trần nhảy xuống làn nước băng giá có lẽ là một cách cực đoan để giành được những cái gật đầu đồng ý cấp vốn, thì nhu cầu được chú ý và có được thương hiệu cá nhân đang ngày càng trở nên được coi trọng.
Các cuộc thi trình bày ý tưởng như vậy đang ngày càng được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Những thứ như "cuộc chiến khởi nghiệp" hay các sự kiện cuối tuần liên tục diễn ra.
Phiên bản cực đoan hơn của các thử thách thu hút người xem này dành cho những doanh nhân như Thea Myhrvold, người đã trình bày ý tưởng về dịch vụ học trực tuyến của mình, Tech Me Now, trong lúc ngồi ở khoang sau một chiếc xe hơi đang chạy trên đường đua với vận tốc 112mph (tương đương 180km/h). Doanh nhân 27 tuổi này đã thắng vòng chung kết cuộc thi trình bày ý tưởng 2015 Infiniti Speech tại Hong Kong với 40.000 USD tiền mặt.
Truyền hình thực tế đã hết lòng ủng hộ ý tưởng về những cuộc thi trình bày ý tưởng kỳ quặc.
Các chương trình có tên như Dragon's Den, Shark Tank và Adventure Capitalists - tất cả đều giới thiệu những doanh nhân ra thuyết trình ý tưởng với các nhà đầu tư để tìm quỹ - và các chương trình này có ở gần 30 nước trên thế giới.
Thậm chí cả ông trùm công nghệ Apple cũng đã tham gia, với một chương trình mới về những nhà thiết kế ứng dụng nỗ lực trình bày sản phẩm của họ cho các ngôi sao trong khoảng thời gian cùng đi xuống trên một thang máy lớn.
Đây là việc liên quan tới khả năng thể hiện trước ống kính.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người cực kỳ nhút nhát thường bị các nhà đầu tư từ chối cấp vốn.
Một nghiên cứu kéo dài 27 năm được thực hiện trên các sinh viên đại học ở Mỹ nhận thấy vào năm 2008, mức độ ái kỷ gia tăng; các nhà nghiên cứu nhấn mạnh kết quả họ tìm ra bổ sung cho những nghiên cứu trước đó cho thấy sự gia tăng trong xu hướng cá nhân như lòng tự trọng và ngoại tình.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2011 về mức độ gia tăng sự kiêu căng trong xã hội Trung Quốc hiện đại cho thấy đây là tình trạng xảy ra với người trẻ Trung Hoa.
"Phải là người gây ồn ào nhất"
Truyền hình thực tế đã góp phần định hình thói quen thích thể hiện "nhìn tôi này", Jonathan Hirshon, một chiến lược gia quan hệ công chúng ở Thung lũng Silicon đứng sau các đợt ra mắt sản phẩm của Sony, Apple và Pioneer, nhận định.
Sau cuộc đình công của các nhà biên kịch Hoa Kỳ hồi một thập niên trước, truyền hình thực tế bước lên đỉnh cao, tạo ra sự nổi tiếng của Paris Hilton, Kim Kardashian và gia đình nhà Jenners, theo Hirshon từ San Francisco. "Những gì cuối cùng chúng ta có là ý tưởng sống một cuộc đời công cộng," ông nói.
Điều này diễn ra do tác động của hàng loạt các mạng xã hội vốn lệ thuộc vào hàng tỷ người dùng, là các đối tượng chia sẻ những chi tiết và suy nghĩ trong đời sống của họ ở nhiều cấp độ khác nhau trong thời kỹ thuật số.
Sự nổi tiếng của các ngôi sao YouTube và những người có ảnh hưởng trên Instagram càng khiến con người ta cảm nhận được tầm quan trọng của việc mình cần phải nổi bật hơn so với người xung quanh.
Hirshon nói ý tưởng về sự thể hiện bắt đầu lấn sang thế giới kinh doanh vào giữa thập niên 90, khi Thung lũng Silicon cất cánh và trở thành tên tuổi lớn.
Văn hóa cạnh tranh và đối đầu của quỹ đầu tư thể hiện rõ trong các cuộc thi trình bày ý tưởng với nhu cầu ngày càng đòi hỏi người tham gia đem thêm tính giải trí trong phần thuyết trình của họ. Ngày nay, xu hướng này tiếp tục được củng cố thêm.
"Có quá nhiều công ty mới xuất hiện trong những năm qua, đến nỗi mọi người quyết định họ phải thật ồn ào để được biết tới, thay vì cứ âm thầm lặng lẽ.
"Trong môi trường này, có vẻ như ý tưởng của bạn cùng với sự làm việc chăm chỉ và tài năng sẽ không giúp bạn tiến xa được nếu bạn không học cách tạo ồn ào để khoe khoang chúng ra. Nhưng bạn phải làm gì nếu đó không phải là phong cách của bạn?
Ưu thế văn hóa
Với Hirshon, xu hướng đây nổi về sự khoe khoang là một điều "không may".
"Rất nhiều công ty khoe khoang nhưng thật ra đó lại là các công ty có ít công nghệ khả thi nhất và đưa ra kế hoạch kinh doanh tồi nhất," ông nói.
Nó cũng đẩy những người xuất thân từ những nền văn hóa kín đáo vào thế bất lợi. "'Nổ' ở Nhật Bản là cách nhanh nhất để chẳng đạt được điều gì," ông nói. "'Nổ' với người Na Uy là cách nhanh nhất để chẳng đạt được điều gì. Nó gây rắc rối thay vì tạo ra ưu thế, vì văn hóa ở các nước này rất khác so với những nơi như Hoa Kỳ và Anh Quốc, nơi sự khoe khoang đã trở nên bình thường.
"Ngược lại, tỏ ra quá khiêm nhường trong những nền văn hóa hay khoe khoang có thể khiến bạn bị bất lợi, Charlene Solomon từ RW3 CultureWizard, một công ty huấn luyện liên văn hóa trên mạng cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn xin việc hoặc trình bày ý tưởng ở Hoa Kỳ, "bạn phải sẵn sàng nói về mình, vì nếu bạn trình bày không đủ mức để thể hiện khả năng của bản thân thì điều đó rất có thể khiến bạn để vuột mất hợp đồng."
Cái nguy hiểm của việc tưởng thưởng cho sự khoe khoang là nó ưu đãi một số kiểu tính cách, bác sỹ tâm lý Ros Taylor cảnh báo. Bà là người huấn luyện lãnh đạo cũng như giảng dạy kinh doanh ở Đại học Strathclyde ở Anh.
Nói chung, quan niệm thông thường ở rất nhiều công ty là lãnh đạo tốt nhất cần phải là người hướng ngoại, có cái nhìn tổng thể và có thể nói ra điều đó một cách nổi bật, bà cho biết.
"Điều này có nghĩa là mọi thứ đều hời hợt xô bồ, không có gì sâu sắc hoặc đáng tin cậy," Taylor nói. "Và điều này là chuyện đáng lo, vì những người trầm tĩnh, chịu khó quan sát - những người phản tỉnh - thường là người có ý tưởng tuyệt vời và suy nghĩ sáng tạo."
"Tôi dành thời gian đi vòng vòng các ban lãnh đạo và các nhóm chuyên gia và nói, 'Không, không, không - không có kiểu người nào là kiểu thích hợp để chuyên làm lãnh đạo.' Sự đa dạng thực sự là phải có nhiều kiểu người khác nhau quanh bàn làm việc, và điều đó có nghĩa gồm cả người hướng nội và hướng ngoại.
"Thậm chí khi nói đến vai trò lãnh đạo, thì người có tính cách kín đáo có thể làm việc tốt hơn những người ồn ào. Một nghiên cứu gần đây trên hơn 2.000 giám đốc điều hành cho thấy người hướng nội có xu hướng nổi bật hơn kỳ vọng của ban lãnh đạo và nhà đầu tư, so với người hướng ngoại có tính cách hấp dẫn.
Nếu bạn không thể đánh bại họ
Nếu bạn cảm thấy mình cần thể hiện thêm, nhưng sự ồn ào lại không phải tính cách tự nhiên của bạn, vậy có gì khác bạn có thể làm?
Từ kinh nghiệm làm công tác huấn luyện giới lãnh đạo, Taylor tin rằng mỗi người có thể học cách thể hiện tiếng nói của bản thân, và bà nói những người trầm lặng nếu có thể làm cho bản thân mình trở nên cứng rắn hơn một chút để thu hút thêm sự chú ý của đám đông là đã có thể đạt được những thành công ấn tượng.
Trước khi có những buổi huấn luyện với Taylor hai năm trước, Gerry Tyrrel 44 tuổi luôn im lặng trong các cuộc họp. Là người điều hành tài chính đầy kinh nghiệm tại một công ty công nghệ đa quốc gia ở Scotland, ông tự tin vào chuyên môn nhưng cảm thấy khó khăn khi phát biểu, nhất là khi đồng nghiệp tỏ ra "lạc quan hơn" và chơi "đòn tâm lý" để củng cố luận điểm của họ.
Ông từng luôn làm việc phía sau, nêu ra các rủi ro tài chính và chia sẻ hướng dẫn của mình với mọi người trước hoặc sau các cuộc họp lớn. Thế nhưng ông cảm thấy là những đóng góp đó của mình không được công nhận, và điều này không giúp cho sự nghiệp. "Tôi biết tôi cần phải chuẩn bị bản thân thêm một chút.
"Nói nhẹ nhàng và có xu hướng nhanh hơn nếu trong tâm trạng hồi hộp, Tyrrel học cách nói chậm lại, chọn ra một hoặc hai điểm quan trọng và đưa thông điệp của ông đi.
Vậy liệu ông có sẵn sàng đứng trước ánh đèn theo cách giống như những tay trình bày ý tưởng quyết liệt không? "Hai năm trước không cách gì tôi chịu làm vậy. Nhưng giờ tôi làm, tuy tôi sẽ không bước lên đỉnh cao. Tôi chuyển tải mọi thứ theo cách của tôi."
Hirshon, người làm giám khảo tại cuộc thi trình bày ý tưởng Polar Bear Pitching, đã phải chỉ dẫn một doanh nhân khiêm tốn rằng người đó cần phải 'khoe hàng' một chút.
"Tôi có một khách hàng ở Thụy Điển, họ có công nghệ nhận diện khuôn mặt tuyệt vời, tốt hơn bất cứ thứ gì khác trên thị trường, nhưng họ cứ ra ngoài và nói về công nghệ 'khiêm tốn' [của họ]," ông nhớ lại. "Cuối cùng tôi đã huấn luyện họ để họ có thể nói ra rằng 'Chúng tôi thật sự có một thứ độc đáo'."
Dù vậy, ông tin rằng không phải ai cũng nên học cách thể hiện."Khi tất cả mọi người cùng lên tiếng, thì chính người nói nhỏ nhẹ là người khiến người khác phải nghe," ông cho biết. "Nếu một công ty có sản phẩm tốt, nếu bạn truyền đạt nó theo cách đơn giản và thực tế, mọi người sẽ đón nhận, mọi người sẽ hiểu."
"Quan hệ công chúng không phải là trò chơi đua nhau khoe khoang. Nó là ván cờ."
telecomit.vn theo BBC