Lai Châu và cuộc chuyển đối “không có gì để mất”
Chuyển đổi số là lợi thế của các tỉnh nghèo do không phải đầu tư quá nhiều. Quan trọng là quyết tâm, kiên định của người đứng đầu, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị.
Trong buổi làm việc với tỉnh Lai Châu chiều ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế hơn là công nghệ. Do đó, đây sẽ là lợi thế của các tỉnh nghèo, khó khăn nếu đặt quyết tâm và có suy nghĩ đột phá.
Chuyển đổi số hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là nội dung chính trong buổi làm việc của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn làm trưởng đoàn.
|
Buổi làm việc của đoàn công tác với UBND tỉnh Lai Châu |
Việc triển khai các chương trình này ở Lai Châu đã góp phần phát huy vai trò của cộng đồng, đa số người dân đã chuyển từ thụ động sang chủ động lựa chọn nội dung ưu tiên, đóng góp công sức và tích cực tham gia thực hiện. Người dân tự nguyện hiến được 914.368 m2 đất, 65.671 ngày công lao động, tiền mặt 2.881 triệu đồng; tích cực tham gia phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả... Thu nhập bình quân GRDP đầu người năm 2020 ước đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,49% (theo chuẩn nghèo đa chiều); dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 15,5 tiêu chí/xã...
|
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu: "Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều kết quả tốt tại địa phương" |
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Đoàn công tác một số nội dung như: Sớm ban hành và có hướng dẫn triển khai các Chương trình MTQG trong giai đoạn tới; có cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện, đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho việc bố trí sắp xếp dân cư, địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khan. Để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đề nghị xem xét nâng mức và ưu tiên nguồn lực bố trí cho việc đầu tư phát triển rừng của tỉnh như nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, nâng mức hỗ trợ trồng rừng...
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được và những nỗ lực của tỉnh; ghi nhận những kiến nghị, đề xuất để đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương.
Chuyển đổi số: Ít tiền cũng có thể thành công
Trên địa bàn hiện có 2 doanh nghiệp bưu chính. Trong năm, các đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, doanh thu đạt gần 18 tỷ đồng, bán kính phục vụ bình quân đạt 5,22km/điểm giao dịch. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính ngày càng được các cấp, ngành quan tâm.
|
Thành phố Lai Châu |
100% số xã, thị trấn trong toàn tỉnh có cáp quang, sóng di động, tỷ lệ xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G ngày càng cao; 99,1% xã có internet băng rộng. Toàn tỉnh có gần 40.000 thuê bao điện thoại, đạt bình quân 75 thuê bao/100 dân và có gần 30.000 thuê bao internet băng thông rộng, bình quân gần 10 thuê bao/100 dân. Doanh thu từ dịch vụ viễn thông tăng trưởng khoảng trên 10%/năm, năm 2020 ước đạt 300 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng.
Hạ tầng công nghệ được đầu tư, trang bị khá đầy đủ. An toàn, an ninh mạng luôn được chú trọng. Toàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí, 4 cơ quan thường trú của báo Trung ương và 18 trang thông tin điện tử, 8 ấn phẩm mang tính báo chí. Phần mềm quản lý văn bản điều hành được triển khai từ huyện, thành phố tới các xã, thị trấn. Cán bộ, công chức, viên chức đã sử dụng hòm thư điện tử và khai thác các ứng dụng của công nghệ.
Bên cạnh đó, ngành TT&TT cũng gặp một số khó khăn do hạ tầng thiếu đồng bộ, tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng còn thấp. Kinh phí hàng năm bố trí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước còn hạn chế; tỷ lệ người dân được sử dụng các phương tiện nghe nhìn toàn tỉnh mới đạt 85%...
Sở TT&TT và một số doanh nghiệp viễn thông kiến nghị Bộ TT&TT tiếp tục triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ dịch vụ cho người nghèo và các khu vực kinh tế khó khăn; lựa chọn Lai Châu là đơn vị thụ hưởng trong thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông quan tâm đầu tư, mở rộng phạm vi phục vụ, cung cấp dịch vụ…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn Bộ TT&TT sẽ có những giải pháp để thu hút các doanh nghiệp CNTT về với tỉnh; Về chuyển đổi số, mong Bộ hỗ trợ xây dựng phần mềm hoặc nền tảng giúp quản lý tài nguyên rừng, nguồn nước, thủy điện,… đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư, nâng cao vùng phủ sóng viễn thông.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn: "Chuyển đổi số là lợi thế của các tỉnh nghèo do không phải đầu tư quá nhiều" |
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tăng cường phối hợp, sử dụng chung hạ tầng cơ sở, đoàn kết hợp tác và nâng cao chất lượng phục vụ. Bưu điện cần sớm rà soát, bổ sung đầu tư, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống bưu điện văn hóa tuyến xã cũng như tăng cường quảng bá và đưa sản phẩm đặc sắc lên các sàn thương mại điện tử. Tỉnh nên có Nghị quyết riêng về chuyển đổi số, giao Sở TT&TT làm đầu mối xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Bộ sẽ hỗ trợ tối đa để xây dựng chiến lược này.
“Chuyển đổi số là lợi thế của các tỉnh nghèo do không phải đầu tư quá nhiều. Quan trọng là quyết tâm, kiên định của người đứng đầu, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị” , Thứ trưởng khẳng định.
Chuyển đổi số tập trung vào ba mảng chính là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Trong đó, chính phủ số sẽ là kết nối dữ liệu, tỉnh nên tập trung đẩy nhanh hoàn thành dịch vụ công cấp độ 4 vì đã hội đủ các điều kiện để thực hiện. Về xã hội số, tỉnh nên chú trọng lĩnh vực giáo dục và y tế trước. Về kinh tế số nên chú trọng phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ để tạo bước đột phá. Bên cạnh đó, chú trọng đón đầu, tận dụng các xu hướng công nghệ mới để phát triển kinh tế.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục chủ động, ngăn ngừa hiệu quả thông tin xấu, độc hại. Báo chí phát huy vai trò, nâng cao chất lượng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về Lai Châu thông qua chiến dịch truyền thông nhằm thu hút đầu tư, kích cầu du lịch.
Bộ TT&TT và UBND tỉnh đã công bố Biên bản Ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, Bộ TT&TT và UBND tỉnh chủ động trao đổi thông tin và phối hợp trong triển khai các hoạt động như: phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng hạ tầng logistic; phát triển cơ sở hạ tầng mạng bưu chính công cộng; triển khai mã địa chỉ bưu chính đến từng hộ gia đình; triển khai phát triển mạng 5G; thực hiện các chiến dịch làm sạch mã độc; diễn tập phòng, chống, xử lý tấn công mạng. |
Theo mic.gov.vn