Làm chủ thiết bị toàn bộ mới có thể phát triển ngành công nghiệp trọng điểm

22:23, 06/12/2021

Ngày này, làm chủ thiết bị toàn bộ là yếu tố then chốt tạo ra chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vì chỉ khi làm chủ từ khâu thiết kế đến chế tạo, tích hợp các thiết bị toàn bộ của một nhà máy thì chúng ta mới chủ động trong việc sản xuất, đặt hàng các thiết bị phụ trợ kèm theo hệ thống, mà thông thường các thiết bị phụ trợ này chiếm khoảng 30 - 40% giá trị thiết bị đầu tư.

Có thể nói, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành trực tiếp tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho quốc gia và cũng là ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, mật thiết nhất với các khu vực kinh tế khác là nông nghiệp và dịch vụ. Sự gắn kết này được tổ chức theo chuỗi giá trị - là chuỗi của các hoạt động mà một sản phẩm phải đi qua tuần tự các hoạt động đó để chuyển hoá từ một ý tưởng thành một sản phẩm cụ thể, và tại mỗi hoạt động sản phẩm đó đi qua, giá trị của sản phẩm được tăng thêm.

Nội địa hoá các thiết bị

Trên thực tế, tỉ lệ nội địa hoá các thiết bị ngày càng cao, điển hình như thiết bị cơ khí thuỷ công. Đối với các nhà máy thuỷ điện, nếu như trước đây vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thuỷ công thì đến nay toàn bộ phần này có thể do các doanh nghiệp cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả đối với các nhà máy thuỷ điện lớn như Thuỷ điện Sơn La có công suất đến 2.400 MW. Các liên danh cơ khí trong nước đã chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thuỷ điện với tổng trọng lượng thiết bị lên tới hàng chục ngàn tấn.

Đối với thiết bị nhà máy nhiệt điện than, với định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 1791/QĐ-TTg đã giúp ngành cơ khí trong nước làm chủ được việc thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành một số hạng mục thiết bị phụ trợ trọn bộ (BOP) cho nhà máy nhiệt điện đốt than. Những hạng mục này gồm hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro và xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống nước làm mát tuần hoàn, hệ thống thải khói, trạm phân phối và máy biến áp chính, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Làm chủ thiết bị toàn bộ mới có thể phát triển ngành công nghiệp trọng điểm

Ảnh: minh họa

Mặc dù đã làm chủ được thiết kế, chế tạo các hạng mục BOP ở trên nhưng việc triển khai áp dụng tới các dự án nhà máy nhiệt điện than lại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân được cho là nhà nước chưa có chế tài buộc các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện QĐ1791, các chủ đầu tư vẫn thực hiện theo cơ chế tổng thầu EPC trọn gói, không yêu cầu các nhà thầu EPC phải nội địa hóa các thiết bị nêu tại QĐ1791.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được cho là do tình hình huy động vốn đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện cần một lượng vốn lớn, nên các chủ đầu tư trong nước thường áp dụng thu xếp dự án hình thức ECA. Như vậy, chỉ có nhà thầu nước ngoài mới đáp ứng được tiêu chí này và họ sẽ bao trọn gói từ thiết kế nhà máy, mua sắm thiết bị, xây dựng nhà máy. Nhà thầu EPC nước ngoài chỉ thuê lại nhà thầu trong nước thực hiện một phần công việc rất nhỏ và đơn giản như kết cấu thép, lắp đặt với giá thấp hơn giá dự thầu rất nhiều, giá trị phần công việc này thường chỉ đạt 2 - 5% giá trị gói thầu.

Mặt khác, theo các quy định về đấu thầu hiện hành, sau giai đoạn đánh giá về kỹ thuật thì giai đoạn xét về tài chính thực chất là lựa chọn các nhà thầu có giá bỏ thầu giá rẻ. Giá của các nhà thầu Trung Quốc thường rẻ hơn nếu so sánh với các nhà thầu trong nước vì họ có sự ưu đãi từ chính sách thuế cho thiết bị xuất khẩu (nhà thầu Trung Quốc được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu là 11%).

Cần làm chủ công nghệ thiết bị

Đối với một số ngành như nhiệt điện, xi măng, năng lượng tái tạo,... nhiều chuyên gia cho rằng cần phải làm chủ công nghê thiết bị toàn bộ nhằm giảm nhập siêu. Lấy ví dụ trong ngành nhà máy nhiệt điện khí, hiệu nay, hầu hết các dự án tại Việt Nam đều do nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC. Trong nước Lilama cũng đã được chỉ định một số dự án như Cà Mau 1&2 (1500 MW), TBKHH Nhơn Trạch 1 (450 MW), Nhơn Trạch 2 (750MW), tuy nhiên do không làm chủ được phần thiết kế và công nghệ chế tạo các thiết bị chính nên hầu hết các thiết bị thuộc nhà máy vẫn phải mua từ nước ngoài.

Do vậy, đây là một thị trường rất lớn và việc nghiên cứu để nội địa hóa, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các sản phẩm trong lĩnh vực nhà máy điện sẽ tạo được công ăn việc làm ổn định, tạo dựng được thị trường dài hạn cho ngành cơ khí trong nước.

Hay như trường hợp nhà máy bô xít, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành đầu tư hai dự án alumin đầu tiên tại Việt Nam là Lâm Đồng và Nhân Cơ. Hiện nay hai nhà máy alumin đầu tiên của Việt Nam đã được đưa vào vận hành thương mại và đạt năng suất thiết kế. Viện Nghiên cứu Cơ khí là đơn vị đã thực hiện các công tác lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, tư vấn quản lý và giám sát xây dựng hai dự án khai thác và chế biến quặng bauxite (Nhà máy Alumin Lâm Đồng và Nhà máy alumin Nhân Cơ). Hiện tại trong nước chưa thực hiện được hệ thống thiết bị toàn bộ nào cho nhà máy bô xít.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án về “Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí”. Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng đang tích cực tham gia các ý kiến để hoàn thiện Đề án này. Viện mong muốn thông qua VAMI có các ý kiến về các cơ chế, chính sách để ưu tiên phát triển mảng thiết bị đồng bộ tương ứng với các lĩnh vực công nghiệp cụ thể gửi tới Bộ Công Thương tập hợp vào Đề án. Để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp cơ khí trong Hiệp hội, đề nghị VAMI kiến nghị Chính phủ mở rộng gói hỗ trợ theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP và các gói hỗ trợ khác cho cả các doanh nghiệp có doanh thu trong kỳ tính thuế trên 200 tỷ đồng.

Theo/congthuong.vn