Loại bỏ phần mềm độc hại khỏi điện thoại Android
Theo các chuyên gia bảo mật thì điện thoại Android dễ bị nhiễm phần mềm độc hại hơn so với iPhone. Trong thực tế, khi người dùng truy cập vào các trang web, ứng dụng của bên thứ ba hoặc tương tác với tin nhắn văn bản và email lạ, khi đó vô tình có thể đã khiến cho thiết bị điện thoại của mình bị cài đặt phần mềm độc hại. Tuy nhiên, nếu biết cách thì người dùng có thể chủ động kiểm tra và xử lý trên điện thoại Android của mình khi bị lây nhiễm.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT KHI ĐIỆN THOẠI BỊ CÀI ĐẶT PHẦN MỀM ĐỘC HẠI
- Ứng dụng thường xuyên bị treo: Ứng dụng bị treo là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu nhiều ứng dụng bị dừng hoạt động đột ngột hoặc không hoạt động bình thường thì có thể điện thoại của người dùng đã có phần mềm độc hại đang hoạt động.
- Tăng mức tiêu thụ dữ liệu: Các ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại thường chạy ngầm dẫn đến tiêu thụ nhiều dữ liệu hơn. Người dùng có thể buộc đóng hoặc xóa dữ liệu lưu trữ của chúng nhưng giải pháp này chỉ là tạm thời vì nó sẽ tiếp tục hoạt động trở lại khi người dùng mở lại ứng dụng.
- Xuất hiện các tin nhắn rác (tin nhắn spam): Phần mềm độc hại có thể gửi liên kết qua email hoặc tin nhắn đến các liên hệ để nhử người dùng truy cập vào. Tin tặc cũng có thể sử dụng chúng để mua hàng mà người dùng không biết. Người dùng có thể nhận thấy các giao dịch đáng ngờ này trong bảng sao kê ngân hàng của mình hoặc nhận thông báo giao dịch qua email.
- Điện thoại hao pin nhanh: Các ứng dụng bị nhiễm phần mềm độc hại chạy ngầm mà người dùng không biết sẽ tiêu tốn năng lượng và làm giảm tuổi thọ pin của điện thoại.
- Điện thoại quá nóng: Các phần mềm độc hại chạy ngầm sẽ chiếm dụng nhiều dung lượng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) của điện thoại. Điều này làm cho điện thoại có thể gặp khó khăn khi thực hiện các tác vụ khác cùng lúc, khiến nhiệt độ của điện thoại nóng lên nhanh chóng.
- Xuất hiện nhiều quảng cáo: Khi các phần mềm hiển thị quảng cáo xâm nhập điện thoại, nó có thể kiểm soát trình duyệt của người dùng, chuyển hướng người dùng đến các trang web khác, cài đặt các tiện ích mở rộng trái phép và nhắm mục tiêu vào người dùng bằng nhiều quảng cáo.
- Google tự động đăng xuất tài khoản: Khi Google phát hiện phần mềm độc hại trên điện thoại, Google sẽ tự động xóa tài khoản của người dùng và hiển thị cảnh báo có nội dung “Bạn đã bị đăng xuất để được bảo vệ” đồng thời Google sẽ hiển thị các đề xuất để khôi phục tài khoản của người dùng.
- Các ứng dụng lạ xuất hiện: Các ứng dụng mới đột nhiên xuất hiện trên điện thoại của người dùng mà trước đó người dùng không cài đặt.
XÓA ỨNG DỤNG CHỨA PHẦN MỀM ĐỘC HẠI RA KHỎI ĐIỆN THOẠI ANDROID
Bước 1: Kích hoạt tính năng “Chế độ an toàn (safe mode)”, người dùng thực hiện tắt nguồn điện thoại bằng cách ấn giữ vào nút nguồn điện thoại một vài giây để điện thoại hiện lên tùy chọn tắt nguồn, ấn chọn Tắt nguồn. Sau đó sẽ xuất hiện lời nhắc Reboot to safe mode, chọn OK (Hình 1).
Hình 1. Bật chế độ Safe Mode trên điện thoại Android
Bước 2: Theo dõi và tìm kiếm ứng dụng độc hại, sau khi tắt nguồn điện thoại, người dùng thực hiện khởi động lại điện thoại. Khi đó tính năng “Chế độ an toàn” được hiển thị trên màn hình khóa. Song song đó, các ứng dụng thứ 3 cũng sẽ bị vô hiệu hóa ngay thời điểm này. Về cơ bản, thiết bị của người dùng vẫn sẽ hoạt động bình thường, nghĩa là vẫn có thể kết nối Internet, kiểm tra email, gọi điện hay nhắn tin… ở chế độ này. Hãy thử sử dụng thiết bị trong một thời gian (3 đến 5 ngày) để kiểm tra xem có vấn đề nào xảy ra với thiết bị hay không. Cách an toàn nhất là gỡ bỏ toàn bộ các ứng dụng đã cài đặt trước đó, sau đó lần lượt cài đặt lại từng ứng dụng để kiểm tra xem ứng dụng nào là nguyên nhân gây ra tình trạng lỗi cho thiết bị.
Bước 3: Xóa ứng dụng độc hại, sau một thời gian sử dụng ở Chế độ an toàn, người dùng sẽ thực hiện xem xét xóa và gỡ bỏ các ứng dụng xấu để cho máy hoạt động an toàn và trở về trạng thái bình thường. Để thực hiện xóa ứng dụng người dùng vào Cài đặt > Quản lý ứng dụng > Danh sách ứng dụng. Tìm ứng dụng gây lỗi và thực hiện xóa.
KÍCH HOẠT GOOGLE PLAY PROTECT
Play Protect là phần mềm được Google tích hợp trên các điện thoại Android thông qua cửa hàng CH Play và Google Play Services. Phần mềm này đóng vai trò truy quét các ứng dụng, trò chơi có chứa mã độc hoặc những ứng dụng, trò chơi gây nguy hiểm cho thiết bị. Với cơ chế quét tự động và đối chiếu với dữ liệu bảo mật khổng lồ từ Google, thiết bị Android của người dùng sẽ luôn được an toàn khỏi các phần mềm độc hại. Để kích hoạt tính năng này, người dùng thực hiện các bước sau:
Bước 1: Mở ứng dụng CH Play, chọn icon bên góc phải trên cùng, khi đó một giao diện menu sẽ xuất hiện, chúng ta chọn mục Play Protect. Cửa sổ Play Protect sẽ được kích hoạt, ở đây chúng ta sẽ thấy các ứng dụng đã được quét và cảnh báo ứng dụng không bảo mật nếu có (Hình 2).
Hình 2. Mở Play Protect trong ứng dụng CH Play
Bước 2: Tiếp tục bấm vào bánh răng bên góc phải trên cùng. Kích hoạt hết toàn bộ tính năng Play Protect để thiết bị được bảo vệ tốt hơn (Hình 3).
Hình 3. Kích hoạt toàn bộ tính năng Play Protect
CÁC KHUYẾN NGHỊ ĐỂ HẠN CHẾ PHẦN MỀM ĐỘC HẠI TRÊN ĐIỆN THOẠI ANDROID
- Tải ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy: Hạn chế tải ứng dụng từ các nguồn không đáng tin cậy, như các trang web không rõ nguồn gốc hoặc các ứng dụng được chia sẻ qua Bluetooth hoặc email. Nên tải ứng dụng từ Google Play Store hoặc các trang web có uy tín và được tin cậy.
- Cài đặt một số ứng dụng phòng, chống phần mềm độc hại: Tìm hiểu một ứng dụng để bảo vệ thiết bị của người dùng khỏi các phần mềm độc hại (Kaspersky Mobile Antivirus, AVG Antivirus Security, Avast Antivirus,...). Hãy chọn một phần mềm có tiếng, có chức năng quét và xóa bỏ các phần mềm độc hại trên điện thoại của người dùng.
- Cập nhật phần mềm thường xuyên: Hãy cập nhật phần mềm của điện thoại và các ứng dụng trên điện thoại thường xuyên để đảm bảo rằng chúng luôn được bảo mật và có khả năng chống lại các phần mềm độc hại mới.
- Cẩn thận khi sử dụng các ứng dụng: Hãy đọc kỹ các đánh giá và phản hồi của người dùng khác trước khi tải xuống bất kỳ ứng dụng nào. Hãy kiểm tra các quyền truy cập mà ứng dụng yêu cầu và chỉ cho phép truy cập vào các tài nguyên cần thiết.
- Sử dụng tính năng bảo mật trên điện thoại: Nên sử dụng tính năng bảo mật trên điện thoại của mình như mật khẩu hoặc vân tay để mở khóa màn hình.
Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, việc bảo vệ thông tin trên thiết bị di động trở thành điều cần thiết và cực kỳ quan trọng, vì trong đó có chứa rất nhiều thông tin cá nhân của người dùng. Thông qua các hướng dẫn và khuyến nghị trong bài báo như kích hoạt chế độ an toàn, Google Play Protect và sử dụng các phần mềm phòng, chống phần mềm độc hại, người dùng có thể giảm thiểu rủi ro và bảo vệ thiết bị của mình. Bằng cách này, chúng ta có thể tiếp tục tận hưởng những tiện ích mà công nghệ di động mang lại mà không phải lo lắng về an toàn thông tin cá nhân và thiết bị.