Lừa qua điện thoại: Thủ đoạn của tội phạm xuyên quốc gia
Lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại là thủ đoạn không mới, nhưng nhiều người “dính bẫy”. Tội phạm dạng này có ở nhiều quốc gia và nhóm tội phạm cũng thuộc nhiều quốc gia khác nhau.
- Lừa đảo qua mạng tăng mạnh nhân Ngày lễ tình nhân
- Tin nhắn lừa đảo lại bùng phát
- Cuộc gọi nhỡ lừa đảo xuất hiện biến tướng, tinh vi hơn
- Cảnh giác tin nhắn SMS lừa đảo trên iPhone
- Vietcombank cảnh báo về lừa đảo và gian lận gần Tết
- Gia tăng email lừa đảo tấn công lỗ hổng “Heartbleed”
- Rộ thông tin lừa đảo từ Google Event Agile
- Gia tăng lừa đảo nhằm vào người dùng Google Docs và Google Drive
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
Lừa ở quốc gia này, đặt “bản doanh” ở quốc gia khác
Hôm qua, 12/5, ông Lâm Nhạc Hiền, đại diện Tổng cục Cảnh sát Đài Loan đã tới trụ sở Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để thẩm tra một nghi phạm người Đài Loan tên là Chien Chiu Fu (49 tuổi), đã bị bắt trong đường dây lừa đảo qua điện thoại tại TP.HCM mới đây, để phục vụ công tác điều tra một chuyên án khác xảy ra ở Đài Loan.
Ông Lâm Nhạc Hiền đang làm việc với PC46 Công an TP.HCM.
Theo ông Lâm Nhạc Hiền, thời gian qua Cảnh sát Đài Loan đã triệt phá một số đường dây lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thoại, bắt giữ hàng chục tên, trong đó có cả người Việt Nam là những lao động xuất khẩu sau đó trốn ra ngoài hành nghề tự do và các cô gái lấy chồng Đài Loan. Chúng đe dọa chủ thuê bao chuyển tiền vào tài khoản ATM của chúng, sau đó rút chiếm đoạt, Những tên cầm đầu của các đường dây lừa đảo bị bắt là người Đài Loan, thuộc băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Cảnh sát Đài Loan xác định đây là bọn tội phạm công nghệ cao, với thủ đoạn rất tinh vi. Khi gây án ở Việt Nam, bọn chúng đặt “sở chỉ huy” (là mạng lưới điện thoại gọi quốc tế) ở Đài Loan. Còn gây án ở Trung Quốc thì đặt “sở chỉ huy” ở Việt Nam hoặc ở một nước thứ 3 để cơ quan cảnh sát địa phương khó triệt phá.
Ông Hiền cho biết thêm, thực tế đường dây tội phạm lừa đảo này xuất hiện ở Đài Loan từ 7 - 8 năm trước, sau đó chúng chuyển sang gây án ở Trung Quốc và đến giữa năm 2013 bắt đầu gây án ở Việt Nam.
Với Chien Chiu Fu, trong thời gian sinh sống tại Đài Loan đã tham gia vào đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam. Ngày 26/3/2014, theo sự phân công của đường dây, Chien Chiu Fu nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tìm gặp đồng bọn là Đắc Ý và A Hồng (hai người Đài Loan - Trung Quốc). Đắc Ý yêu cầu Chien Chiu Fu đi tìm mua tài khoản thẻ ghi nợ của các ngân hàng do những người Việt Nam đứng tên rồi thông báo thông tin các tài khoản đó cho A Hồng biết. Những tài khoản này sẽ được đồng bọn của Chien Chiu - Fu thực hiện để chuyển tiền lừa đảo.
Theo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM, đến nay PC46 đã bắt giữ khoảng 50 nghi can trong các đường dây lừa đảo dạng này, trong đó có 15 người Đài Loan và đa số thuộc thành phần bất hảo, có tiền án, tiền sự. Đáng chú ý, một số tên tội phạm bị Công an TP.HCM bắt giữ nằm trong mắt xích của đường dây lừa đảo đã từng bị cảnh sát Đài Loan triệt phá tại nước này, trong số đó có tên Chien Chiu Fu vừa bị Công an Q.12 (Công an TP.HCM) bắt giữ tại Hải Phòng cách đây vài ngày.
Nữ Việt kiều “dính bẫy” Chien Chiu Fu
PC46, Công an TP HCM đã khởi tố, bắt giam Chien Chiu Fu để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào ngày 12/5. “Con mồi” của bọn chúng là bà Xuân (55 tuổi, Việt kiều Mỹ) ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Liên quan đến vụ việc này, 5 người khác là Huỳnh Thị Trinh (32 tuổi), Nguyễn Đức Tài (22 tuổi, cùng ngụ Đồng Tháp), Phạm Văn Đông, Lê Trần Lộc, Mai Thế Vinh cũng bị bắt giam về hành vi này.
Chien Chiu Fu tại cơ quan điều tra.
Theo cơ quan điều tra, bà Xuân nhận được một cuộc điện thoại cố định (máy để bàn). Người phụ nữ gọi đến thông báo với bà Xuân rằng bà đang nợ gần 40 triệu đồng cước điện thoại, nghi liên quan đến việc giao dịch bất hợp pháp. Ngoài ra, sau vài câu hỏi, người này cho biết tài khoản của bà Xuân mở tại ngân hàng Sacombank (chi nhánh Ba Đình - Hà Nội) cũng liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.
Hoang mang trước thông tin và giọng điệu của người gọi, bà Xuân muốn chứng tỏ mình vô tội nên hợp tác, sẵn sàng trả lời mọi câu chất vấn của "cơ quan chức năng". Sau khi “tự khai” số di động, bà liên tục nhận được nhiều cuộc gọi xưng là cán bộ VKSND Hà Nội, cảnh sát Bộ Công an gọi đến. Những người này hù doạ và yêu cầu bà chuyển 2 lần tổng cộng 320 triệu đồng vào một tài khoản để xác minh tiền "sạch" hay bất hợp pháp. Đợi mãi không thấy "điều tra viên" chuyển trả tiền như đã hứa trước đó, bà Xuân tìm hiểu mới biết mình bị lừa.
Cũng với hành vi tương tự, 3 người khác cũng bị bọn này lừa, để rồi tự chuyển cho những “cảnh sát dỏm” hơn một tỷ đồng.
Vào cuộc điều tra, PC46 xác định hơn 800 triệu đồng đã được bọn chúng rút trót lọt.
Tại cơ công an, Fu khai, được kẻ cầm đầu tại Đài Loan thuê đến Việt Nam và trả lương 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 15 triệu đồng) mỗi tháng. Nhiệm vụ của hắn là lôi kéo, dụ dỗ nhiều người lập tài khoản để bán cho hắn dùng vào việc lừa đảo. Còn những nghi can người Việt bị bắt thừa nhận, dù biết thẻ ATM này dùng để lừa các nạn nhân chuyển tiền vào nhưng thấy có lợi nên vẫn thu mua rồi bán lại hàng chục thẻ.
Riêng Trinh, sau khi bán thẻ của mình được vài ngày, cô này đến ngân hàng báo mất xin cấp thẻ mới. Khi thấy 100 triệu đồng lừa đảo được chuyển vào tài khoản, Trinh rủ Tài đi rút hết và cho gã này 10 triệu.
9 kẻ “trợ giúp” khác của nhóm lừa đảo qua điện thoại cũng bị khởi tố
Cũng liên quan đến nhóm tội phạm nước ngoài giả cảnh sát lừa đảo qua điện thoại, trong ngày 5/5, PC46 Công an TP HCM đã khởi tố 10 nghi can về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Những người này được xác định đã cung cấp thẻ ATM cho nhóm giả cảnh sát lừa đảo qua điện thoại thời gian qua và đã bắt giam.
Ngoài Chien Chiu Fu, 9 bị can bị bắt gồm Lee Jung Teng (35 tuổi, quốc tịch Đài Loan), Trần Vĩ Minh, Thái Nghiệp Thành và 5 nghi can khác. Riêng Dương Ngọc Bình đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại điều tra.
Cảnh sát xác định, Lee Jung Teng trong thời gian sống ở Đài Loan đã quen với ông trùm đường dây giả cảnh sát lừa đảo qua điện thoại tại Việt Nam. Cuối năm 2013, theo lệnh tên này, Teng đến Việt Nam để tìm người cung cấp thẻ ATM làm công cụ lừa đảo với mức lương 3.000 USD mỗi tháng.
Để có thể làm được nhiều thẻ, Teng hướng dẫn nhóm "tay chân" dùng CMND giả rồi đến ngân hàng làm thẻ. Với chiêu này, một người có thể làm được hơn 10 thẻ mang nhiều tên khác nhau, trú ở nhiều tỉnh thành. Biết rõ mục đích dùng thẻ ATM để lừa đảo nhưng nhóm Minh vẫn làm theo để nhận tiền.
Cảnh sát đã phát hiện và bắt được những nghi can này, thu giữ 230 thẻ ATM của nhiều ngân hàng, một số máy tính xách tay, 180 CMND, một số tang vật là hình ảnh, máy móc để làm giấy tờ giả...
Thanh Trà (tổng hợp)