Mạo danh CEO của Apple để lừa đảo đầu tư tiền ảo
Trong thời điểm iPhone 16 cũng như các sản phẩm mới của Apple được công bố, một số đối tượng đã giả mạo CEO Tim Cook của Apple để phát livestream với nội dung kêu gọi đầu tư tiền ảo bằng công nghệ Deepfake.
Theo đó, các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake nhằm tái tạo lại khuôn mặt của CEO Tim Cook, sau đó livestream thông qua các tài khoản giả mạo để lừa người dùng đầu tư vào các dự án tiền điện tử.
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các video trở nên vô cùng chân thật, thu hút hàng ngàn lượt xem. Các đối tượng tạo ra các video Deepfake giả mạo khuôn mặt và giọng nói của Tim Cook, sau đó livestream trên các nền tảng mạng xã hội với tiêu đề gồm các từ khóa như "Tim Cook", "Apple" nhằm gia tăng mức độ uy tín, đi kèm với nội dung là những đợt khuyến mãi có thời hạn, hứa hẹn sẽ đem về lợi nhuận cao, nhận tiền nhanh chóng sau khi đầu tư.
Sau đó, người được cho là giả mạo Tim Cook sẽ đưa ra các nhận định về thị trường chứng khoán, từ đó kêu gọi người xem tham gia đầu tư bằng cách gửi tiền dưới dạng các đơn vị tiền ảo phổ biến như Bitcoin, Ether, Tether hoặc Dogecoin. Sau khi nhận được một số lượng tiền nhất định từ người xem, các đối tượng ngay lập tức tắt livestream, xóa toàn bộ những video và thông tin liên quan trên trang cá nhân.
Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư hứa hẹn đem về lợi nhuận cao, rủi ro thấp; chủ động xác minh tính hợp pháp của các dự án đầu tư tiền điện tử, không cả tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng.
Người dân cũng nên cẩn trọng xác thực nguồn gốc của những video hoặc bài đăng trên mạng xã hội, những thông báo đến từ người nổi tiếng hoặc các tập đoàn lớn thường chỉ xuất hiện trên cổng thông tin điện tử chính thống hoặc các tài khoản có tích xanh với nhiều lượt theo dõi.
Khi phát hiện thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần nhanh chóng báo cáo các tài khoản giả mạo để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.