Máy bay Malaysia mất tích: Nó đã rơi xuống biển?
Vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích ngày 8/3 tính đến nay sắp trọn 4 tuần; công việc tìm kiếm vẫn sục sôi, hết vùng biển Việt Nam đến vùng eo biển Malacca, biển Andaman, vùng biển của Ấn Độ và nay là Nam Ấn Độ Dương, cận Úc. Rất nhiều công sức, tiền của đã bỏ ra, nhưng tới nay, mọi chuyện vẫn trong giả thuyết…
- Vụ máy bay MH 370: Lại phát hiện thêm các vật thể
- Những nghi vấn quanh vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia bị rơi
- Mã độc “Máy bay Malaysia mất tích” trên Facebook
- Máy bay Malaysia mất tích: vì sao ĐTDĐ đổ chuông cũng không giúp ích gì?
- Máy bay Malaysia: Có người nhìn thấy máy bay cháy và rơi xuống
- Máy bay Malaysia Airlines "mất tích" trước khi vào không phận Việt Nam
- MH370: Máy bay đã bay nhanh hơn dự đoán ban đầu
- Các thiết bị siêu đặc biệt tìm kiếm chiếc máy bay MH370
- Tìm hiểu về một số công nghệ Pin
Các bằng chứng cho thấy, MH370 đã rơi xuống biển
Hôm nay, 31/3, phát biểu với báo giới tại căn cứ quân sự phối hợp tìm kiếm máy bay tại Perth, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, mọi bằng chứng đều cho thấy chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cách đây hơn ba tuần đã lạc đường và rơi xuống Ấn Độ Dương. Ông Abbott bày tỏ nhất trí với các kết luận trước đó của Thủ tướng Malaysia Najib Razak dựa trên phân tích các dữ liệu vệ tinh, rằng máy bay mất tích đã rơi xuống vùng biển Nam Ấn Độ Dương. Ông cho biết: "Một loạt bằng chứng cho thấy máy bay đã lạc đường ở phía Nam Ấn Độ Dương."
Australia đang đảm nhiệm việc điều phối cuộc tìm kiếm quốc tế, với sự tham gia của khoảng 100 chuyên gia trên các máy bay và khoảng 1.000 thủy thủ trên các tàu. Cuộc tìm kiếm diễn ra trên một vùng biển có diện tích tương đương với Na Uy ở Nam Ấn Độ Dương, cách Perth 1.850 km về phía Tây. Ông Abbot cho biết, đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ông không đặt thời hạn chót cho việc tìm kiếm, cam kết sẽ "đi đến cùng" để giải đáp bí mật này. Thủ tướng Australia cũng cho biết, các đội cứu hộ không đặt giới hạn thời gian trong việc tìm kiếm máy bay mất tích.
Máy bay tham gia tìm kiếm MH370 trên Ấn Độ Dương
Cũng trong ngày 31/3, tàu Ocean Shield của lực lượng phòng vệ Australia đã rời cảng, mang theo thiết bị định vị hộp đen và robot tự hành dưới nước (của Mỹ) để tìm kiếm.
Ngày 29/3, trong quá trình tìm kiếm, tàu HMAS Success của Australia và tàu Haixun 01 của Trung Quốc đã vớt được các vật thể trôi nổi trên biển, tuy nhiên, hiện chưa thể kết luận rằng đây có phải là mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích hay không.
Trước đó, chính phủ Malaysia cho rằng hành trình của chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã bị thay đổi một cách có chủ ý, song chưa xác định được là ai đã làm việc này hay đây là một hành động để đổi phó với lỗi kỹ thuật.
Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, mọi bằng chứng đến nay đều phủ nhận giả thiết khủng bố là nguyên nhân khiến chuyến bay MH370 của Malaysia mất tích.
"Tôi chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào từ cuộc điều tra dẫn đến kết luận rằng chuyến bay này khác với những chuyến bay dân dụng thông thường hay có gì đó bất ổn", ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 30/1.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng khẳng định với CNN rằng, không có dấu hiệu của một cuộc tấn công khủng bố trên MH370. Bà Feinstein đồng thời bày tỏ hy vọng các nhà tìm kiếm sẽ tính toán, rà soát cẩn thận khu vực mà chiếc máy bay có khả năng đã rơi xuống.
Cả cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi, đều bị điều tra kỹ lưỡng sau khi chính quyền Malaysia khẳng định MH370 bị đổi hướng "có chủ đích" bởi ai đó trên máy bay. Tuy nhiên, cho tới nay, các điều tra viên không phát hiện điều gì đáng nghi về hai phi công này.
Theo ông Rogers, việc tìm mảnh vỡ là khó khăn vì phần nặng nhất của chiếc máy bay có khả năng chìm xuống theo một góc chưa xác định. Bởi vậy, các mảnh vỡ bị trôi dạt và trở thành một thách thức lớn cho những người tìm kiếm. Ông suy đoán chiếc phi cơ có thể nằm sâu dưới đáy Ấn Độ Dương và việc dò tìm như mò kim đáy bể. "Đây là bài toán nan giải, chúng ta cần chút may mắn", Rogers nói.
Còn quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, hôm 29/3 đã khẳng định, quốc gia này sẵn sàng làm mọi thứ để tìm ra máy bay.
Malaysia lập ủy ban quốc tế điều tra vụ máy bay MH370
Phát biểu với các phóng viên ngày 29/3, quyền Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, Bộ này sẽ thành lập một ủy ban quốc tế để điều tra về sự mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines.
Theo ông Hishammuddin, không chỉ có lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đang thực hiện cuộc điều tra, mà Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định thành lập một ủy ban quốc tế về vấn đề này, theo đó các cơ quan hàng không và tình báo quốc tế cũng sẽ được mời tham gia điều tra và xem xét các vấn đề về ngành công nghiệp hàng không của Malaysia.
Cũng liên quan đến cuộc tìm kiếm máy bay mất tích, ngày 30/3, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã thông báo cho cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng - Nguyên soái Không quân Angus Houston, sẽ chỉ huy Trung tâm Điều phối Cơ quan chung (JACC) đặt tại Perth để điều phối các nỗ lực quốc tế trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của Hãng Malaysia Airlines.
JACC mới có nhiệm vụ duy trì đường dây liên lạc thông suốt giữa các đối tác quốc tế cũng như gia đình các hành khách trên máy bay MH370, dự kiến rất nhiều người trong số đó sẽ tới Perth.
Thủ tướng Australia Tony Abbott (bên phải).
Thủ tướng Abbott cũng tái khẳng định Chính phủ Australia đã thông báo miễn phí làm thị thực cho những gia đình của nạn nhân.
Thanh Trà (tổng hợp)