Máy bay Malaysia: Có người nhìn thấy máy bay cháy và rơi xuống

10:03, 13/03/2014

Vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích nay đã bước sang ngày thứ 6. Có thêm nhiều tình tiết mới từ các nguồn tin về nó. Đáng chú ý, một chuyên gia đang làm việc tại một giếng dầu trên biển Vũng Tàu đã chứng kiến chiếc máy bay cháy và rơi xuống biển.

Có người đã nhìn thấy máy bay “bùng cháy và rơi xuống”

Trong email gửi cơ quan chức năng Việt Nam và Malaysia, ông Michael Jerome McKay (người New Zealand), một chuyên gia đang làm việc tại một giếng (khai thác) dầu trên biển Vũng Tàu, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cho biết ông đã nhìn thấy chiếc máy bay Malysia mất tích bùng cháy rồi lao xuống biển. Ông McKay cho biết, ông nhìn một vệt lửa lao xuống cách mỏ dầu ông làm việc khoảng 50 - 70km. “Tôi thấy chiếc máy bay bùng cháy rồi rơi xuống biển trong vòng 10 - 15 giây”, email viết.

Và như bản tin tổng hợp trước của Xã Hội Thông Tin đã đưa, tờ The Star cũng cho hay, có 8 người dân Marang, bang Terengganu đã thông báo với cảnh sát rằng họ nghe thấy tiếng nổ lớn vào hôm thứ bảy, từ hướng đảo Pulau Kapas.

 

Người thân hành khách cầu nguyện cho máy bay mất tích

Còn theo Daily Mail 12/3 cho biết, có 9 người báo cáo việc nhìn thấy chiếc máy bay bay thấp ở vùng đông bắc Malaysia, gần biên giới Thái Lan vào ngày 8/3.

“Chiếc máy bay đã được nhìn thấy vào khoảng từ 1h30 và 1h45 sáng (theo giờ địa phương)”, phó chỉ huy cảnh sát bang Kentana Dak Jalaluddin Abdul Rahman cho biết. Một tài xế xe buýt còn cho hay anh ta nhìn thấy chiếc máy bay nhấp nháy đèn hiệu.

Trước đó, hai người Malaysia là doanh nhân Alif Fathi Abdul Hadi và ngư dân Azid Ibrahim khẳng định họ nhìn thấy chiếc máy bay gần thị trấn Kota Bharu. Ngư dân nói rằng máy bay bay thấp, hướng ra biển, trước khi nó biến mất khỏi tầm mắt. Người còn lại nói anh nhìn thấy vệt “ánh sáng trắng” di chuyển nhanh ra biển vào lúc khoảng 1h45 cùng trong ngày 8/3.

Lời cuối của phi công máy bay mất tích: “Chúc ngủ ngon”

Giới chức Malaysia vừa công bố những lời cuối cùng được nghe thấy từ chuyến bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Đặc sứ Malaysia ở Trung Quốc, ông Datuk Iskandar Sarudin, đã chủ trì cuộc họp tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trưa 12/3 với khoảng 400 thân nhân các hành khách đi trên phi cơ Boeing 777 mất tích của Malaysia Airlines.

Phát biểu tại cuộc họp báo kéo dài hai tiếng, giới chức hàng không Malaysia cho biết, trước khi trạm điều khiển không lưu Malaysia thông báo rằng chiếc máy bay sắp đi vào không phận Việt Nam, các phi công đã đáp lại "Được rồi! Chúc ngủ ngon".

Malaysia xác nhận lại việc quân đội bắt được tín hiệu ở Malacca

Trái ngược với sự phủ nhận về việc rada quân đội bắt đã được tín hiệu ở Malacca trong cuộc họp báo ngày 11/3 (về chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines) của giới chức Malaysia, trong cuộc họp báo chiều 21/3, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein lại nói rằng, nước này cần sự trợ giúp của các chuyên gia để giải mã thông tin dữ liệu của phía quân đội, sau khi có tin quân đội nước này bắt được tín hiệu của chuyến bay MH370 ở Eo biển Malacca.

Đây là lần đầu tiên Malaysia chính thức xác nhận việc radar của quân đội nước này bắt được tiếng "bíp" ở khu vực Tây Bắc Penang, khoảng 45 phút sau khi chiếc máy bay mất liên lạc với trung tâm lúc 1 giờ 30 phút ngày 8/3.

Máy bay của Malaysia đã bay chệch hướng rất xa.

Còn người đứng đầu Không lực Hoàng gia Malaysia, Tư lệnh Tan Sri Rodzali Daud cung cấp thêm thông tin rằng tín hiệu phát ra lúc 2 giờ 15 ngày 8/3, ở điểm cách đảo Penang 200 dặm về phía Tây Bắc, và nằm ở phía Bắc Eo biển Malacca.

Vị trí của “vật thể” được các nhà chức trách Malaysia nghi là chiếc máy bay MH370 cách khu vực tìm kiếm hiện nay hàng trăm km. Cụ thể theo ghi nhận của Radar quân sự, “chấm trắng” trên màn hình radar được ghi nhận nằm ở eo biển Malacca, cách đảo Penang khoảng 200 dặm (tương đương hơn 300 km) về phía Tây Bắc.

Ông Hussein cho biết, phía Malaysia đang làm việc với rất nhiều chuyên gia của Boeing và của Cơ quan hàng không dân dụng Liên bang Mỹ, Ủy ban An toàn giao thông Mỹ để giải mã dữ liệu do phía quân đội cung cấp. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng thông tin máy bay quay trở lại eo biển Malacca mới chỉ là khả năng và không chắc chắn tín hiệu máy bay đó có phải là của chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines hay không.

Ông Hussein cho biết thêm, trong ngày 12/3, Malaysia đã mở rộng khu vực tìm kiếm trên cả hai khu vực Biển Đông và Eo biển Malacca trải dài trên một khu vực rộng tới 92.000 km2. Hiện có 42 tàu và 39 máy bay tham gia tìm kiếm trên hai khu vực này và tổng cộng 12 nước tham gia chiến dịch nói trên, gồm Nhật Bản, Brunei, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Mỹ, Thái Lan, Australia và Philippines.

Ngư dân Malaysia phát hiện phao cứu sinh gần eo biển Malacca

Ngày 11/3, một nhóm ngư dân Malaysia đã phát hiện ra một phao cứu sinh mang chữ “máy bay”, cách thị trấn Port Dickson (gần eo biển Malacca) khoảng 10 hải lý.

Tờ New Straits Times (Malaysia) dẫn lời ông Azman Mohamad, 40 tuổi, là một trong các ngư dân, cho hay ông đã phát hiện ra chiếc phao cứu sinh bị hỏng trôi trên biển. Ngay lập tức, ông báo cáo với Cơ quan hàng hải Malaysia (MMEA) ở Malacca để vớt chiếc phao. “Chúng tôi đã buộc chiếc phao vào tàu vì chúng tôi e nó sẽ chìm do bị hư hỏng nặng”, ông cho biết.

Khi tàu của MMEA tới, các ngư dân bàn giao chiếc phao cho lực lượng này.

Chiếc phao cứu sinh các ngư dân Malaysia đã vớt được.

Tuy nhiên, người phát ngôn của MMEA cho hay chiếc phao đã chìm xuống biển khi chuyển từ tàu đánh cá sang tàu của lực lượng này. 

Chưa thể khẳng định máy bay mất tích tại eo biển Malacca

Chiều 12/3, Straits Times trích lời Tư lệnh không quân Hoàng gia Malaysia, Tướng Rodzali Daud cho biết, trước khi chuyến bay MH370 mất tín hiệu trên màn hình đài kiểm soát không lưu 45 phút, radar quân đội Malaysia xuất hiện 1 đốm sáng có thể là của máy bay mất tích tại đảo Penang nằm bên bờ tây bắc của bán đảo Malaysia bên eo biển Malacca.

Đốm sáng này được phát hiện vào lúc 2:15 sáng ngày 8/3, cách đảo Penang về phía Tây Bắc 200 dặm (khoảng 312km), ở cuối phía Bắc của Eo biển Malacca. Tuy nhiên, theo ông Rodzali Daud, thông tin này vẫn đang được các chuyên gia đến từ Mỹ xác minh và chứng thực lại với radar của các nước láng giềng.

Hiện, Malaysia chưa thể khảng định đốm sáng đó là của chuyến bay MH370 mất tích.

Còn quân đội Malaysia lại nghi ngờ nó lạc tới tận biển Andaman của Ấn Độ, và mất tích ở Ấn Độ Dương. Theo đó, Malaysia đã yêu cầu Ấn Độ giúp đỡ tìm kiếm máy bay mất tích. Phía Ấn Độ đã triển khai máy bay tham gia tìm kiếm.

Tân Hoa xã Trung Quốc công bố ảnh vệ tinh vật thể nghi của máy bay mất tích

Hãng thông tấn Tân Hoa xã (THX) Trung Quốc ngày 12/3 đã công bố một số bức ảnh chụp từ vệ tinh của nước này về một “vật thể” nghi là mảnh vỡ từ chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines ở vùng biển phía Nam Việt Nam, tức gần với đường bay ban đầu của chuyến bay MH370.

Theo THX, hình ảnh được chụp lúc 11 giờ ngày 9/3, tức khoảng nửa ngày sau khi mát bay mất tín hiệu. Hình ảnh cho thấy ba vật thể nổi có kích cỡ khác nhau, trong đó vật thể lớn nhất có chiều dài khoảng 22-24m.

Bản tin của THX cũng cho biết, vị trí của ba vật thể này nằm ở phía Nam Việt Nam và Đông Malaysia. Hình ảnh được lấy từ một trang web về công nghệ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Hiện chưa có xác nhận của chính phủ Trung Quốc về những bức hình này. THX cũng không nói rõ giới chức nước này đã biết về những tấm hình nói trên hay chưa.

Mỹ: Không có vụ nổ trên không nào liên quan tới máy bay mất tích

Ngày 12/3, các quan chức Mỹ cho biết vệ tinh do thám của nước này đã không phát hiện bất cứ tín hiệu nào về một vụ nổ giữa không trung vào thời điểm máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu.

Theo quan chức Mỹ giấu tên, chính phủ Mỹ trước đây sử dụng mạng lưới vệ tinh của mình để xác định các tín hiệu nhiệt liên quan tới máy bay bị nổ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không có tín hiệu tương tự nào được phát hiện.

Việc thiếu bằng chứng về một vụ nổ giữa không trung càng khiến số phận của chuyến bay MH370 trở nên bí ẩn. Hiện cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines đã trải rộng trên một diện tích trên 90.000 km2.

Thanh Trà (tổng hợp)