Máy bay Malaysia mất tích: Do rơi vào 'điểm mù'
Trong khi vẫn chưa xác định được chiếc Boeing 777 bị mất tích, các chuyên gia hàng không đã đưa ra nhiều giả thuyết. Một trong những tình huống giả định mới nhất (của các chuyên gia), có khả năng máy bay Boeing 777 của Malaysia bị mất tích là do đã rơi vào “điểm mù”, không thể liên lạc được.
- Boeing 777 mất tích: Nhiều người ở bờ Tây Malaysia nghe thấy tiếng ồn lớn
- Kỹ sư của Không quân Mỹ: Máy bay Malaysia Airlines bị không tặc
- Vụ Boeing 777 mất tích: Hé lộ thêm nhiều “manh mối”
- Diễn tiến mới về vụ chiếc Boeing 777 bị mất tích: Nó đã nổ tung trên không?
- Những nghi vấn quanh vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia bị rơi
- Boeing 777 của Malaysia vừa mất tích là mẫu máy bay an toàn nhất
Máy bay Malaysia mất tích do rơi vào 'điểm mù'?
Ông Ross Aimer, cựu giảng viên về Boeing 777 và từng là cơ trưởng của hãng Hàng không Mỹ cho biết, có một thực tế đáng lo ngại, rằng đã không có bất cứ tín hiệu cấp cứu từ buồng lái của máy bay và các máy phát định vị cấp cứu của máy bay cũng không phát bất kỳ tín hiệu nào.
"Đây là những thiết bị rất phức tạp, có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện nào, kể cả trong nước, trong rừng hoặc sau một vụ cháy, nổ. Tuy nhiên, trên thế giới có một số điểm gọi là ‘điểm mù’, nơi bạn không thể liên lạc với thế giới bên ngoài vì một số lý do”, ông Aimer nói. "Thật không may, một trong số những “điểm đen” đó lại nằm trong vịnh Thái Lan, Vì vậy, có lẽ tại thời điểm đó, không có tín hiệu nào được truyền đi giữa máy bay và hãng hàng không".
Vào thời điểm trước khi mất liên lạc, chiếc máy bay này đang ở độ cao 11km so với mực nước biển, độ cao được coi là an toàn nhất của chuyến bay.
Việc các phi công không thể gửi tín hiệu cấp cứu đã làm tăng nguy cơ xảy ra một thảm họa bất ngờ - có thể gây ra bởi một sự cố kỹ thuật hoặc một vụ nổ.
Tiến sĩ Simon Mitchell, cựu phi công Hải quân Mỹ, đã nói với Sky News, mặc dù loại máy bay này an toàn trong những năm qua, nhưng những sự cố vẫn có thể xảy ra. "Chúng tôi đã chi hàng tỷ đôla viện trợ phát triển các hệ thống rất tinh vi để giúp cho hoạt động của phi công được an toàn và đơn giản hơn, nhưng những sai lầm vẫn có thể xảy ra", ông Mitchell nói.
Máy bay của Malaysia bay chệch đường bay hàng trăm km
Theo một quan chức Không quân Malaysia từ chối tiết lộ danh tính, thiết bị thu phát tín hiệu rõ ràng đã bị ngừng hoạt động vào khoảng 1h30 (ngày 8/3) thời điểm kiểm soát không lưu chuyến bay mất liên lạc với nó ngay gần bờ biển Việt Nam. Sau đó, Không quân Malaysia đã mất dấu máy bay (qua radar) vào khoảng 2h40 trên vùng trời Pulau Perak, một đảo nhỏ nằm ở eo biển Malacca, cách lộ trình bay thông thường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hàng trăm km. Đây là thông tin được một quan chức cao cấp Không quân Malaysia tiết lộ với CNN tối 11/3.
Máy bay của Malaysia đã bay chệch hướng dự kiến hàng trăm km.
Nếu thông tin này là chính xác, chiếc máy bay có thể đang bay ra xa phía đích đến Bắc Kinh và sang bên phía bên kia của bán đảo Mã Lai, ngược hướng so với hành trình ban đầu. Thông tin này cũng giúp lý giải một điều khó hiểu ngay từ đầu xảy ra vụ mất tích, khi các nhà phân tích đều cho rằng, nếu theo hành trình thông thường, vào lúc 2h40 phút, tức là sau 2 giờ bay, chiếc máy bay đã phải vào tới miền trung Việt Nam chứ không phải mới chỉ ở vùng giáp ranh không phận Việt Nam.
Một điều tra viên hàng không Mỹ cho rằng, nếu thông tin trên được xác thực, thì lại có thêm những dấu hiệu đặt ra câu hỏi, liệu có ai đó trong khoang lái có thể đã cố ý bẻ quặt hướng máy bay ra khỏi hành trình dự định.
“Kiểu chệch đường bay này rõ ràng là không thể lý giải được”, ông Paul Goelz, cựu giám đốc điều hành Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) nói. Tuy nhiên, cựu phi công Kit Darby, Chủ tịch Cơ quan nguồn lực thông tin hàng không Mỹ, lại phát biểu với CNN rằng, các vấn đề về kỹ thuật có thể lý giải tất cả. Một hiện tượng mất điện có thể đã làm tắt thiết bị phát tín hiệu chính và phụ, và máy bay có thể đã bay trong tình trạng như thế trong hơn một giờ đồng hồ.
Ở góc độ khác, cũng trong tối qua, Malaysia đã bác tin MH370 quay về Malacca. Tư lệnh không quân Malaysia, ông Malaysia Rodzali Daud khẳng định ông chưa bao giờ công bố về việc dò tìm được tín hiệu MH370 ở eo biển Malacca, và báo chí nước này đã đưa tin sai.
Malaysia tìm kiếm máy bay trên biển Andaman
Ngày 12/3, người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cho biết, chiến dịch quốc tế tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines đã được mở rộng sang biển Andaman, cách khu vực tìm kiếm ban đầu hàng trăm km về phía Tây Bắc.
Sumatra là đảo lớn của Indonesia nằm phía Nam biển Andaman, vùng biển ngoài khơi bờ phía Tây của Thái Lan.
Cùng ngày, Tư lệnh Không quân Malaysia, Tướng Rodzali Daud cho biết nhà chức trách nước này không loại trừ khả năng máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã đổi hướng trước khi mất liên lạc, song bác tin nói rằng chiếc máy bay chở 239 người này đã được phát hiện cách xa lộ trình bay dự kiến.
Tướng Rodzali Daud nêu rõ: "Lực lượng không quân Malaysia không loại trừ khả năng (máy bay) đã quay đầu trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Điều này dẫn tới việc phải mở rộng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ tới vùng biển lân cận (ngoài khơi bờ tây Malaysia)".
Trong một diễn biến liên quan ngày 12/3, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Trung Quốc Lý Gia Tường cho biết không quân nước này sẽ điều thêm 2 máy bay tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines và các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ sẽ được mở rộng, bao gồm cả trên đất liền.
Máy bay Malaysia đã gửi 2 báo cáo kĩ thuật trước khi biến mất
Theo tờ New Scientist (Anh), chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đã gửi ít nhất 2 báo cáo kĩ thuật về mặt đất trước khi biến mất. Và New Scientist cho rằng, các dữ liệu này có thể sẽ giúp các nhà điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.
Hầu hết các hãng hàng không đều sử dụng Hệ thống báo cáo và liên lạc (ACARS), một hệ thống tự động thu thập và tích trữ dữ liệu kĩ thuật của mỗi chuyến bay. Việc này để phục vụ công tác bảo trì. Các báo cáo này sẽ được gửi qua sóng vô tuyến VHF hoặc vệ tinh ngay lúc máy bay cất cánh, lúc tăng tốc, một lần trong quá trình bay và lúc hạ cánh.
Hiện Malaysia Airlines chưa cho biết hãng này đã thu thập được dữ liệu gì từ ACARS hay chiếc máy bay này có được trang bị hệ thống này không.
Trong một thông báo của hãng này kể từ khi chiếc máy bay mất tích, Malaysia Airlines cho biết: “Tất cả máy bay của Malaysia Airlines đều được trang bị hệ thống ACARS giúp truyền dữ liệu tự động. Tuy nhiên, chiếc máy bay không gửi về cuộc gọi cấp cứu nào và không có thông tin gì được gửi về mặt đất”. Thông báo trên cho thấy Malaysia Airlines vẫn chưa có dữ liệu gì trong tay.
Tuy nhiên, Rolls Royce, nhà sản xuất động cơ cho chiếc máy bay Boeing 777, cho hay Trung tâm giám sát động cơ toàn cầu của hãng này đã nhận được 2 báo cáo từ chuyến bay MH370. Một báo cáo được gửi về khi MH370 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur và một báo cáo được gửi về lúc chiếc máy bay đang hướng tới Bắc Kinh.
Theo các qui tắc của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, các báo cáo kĩ thuật như vậy được giữ bí mật và chỉ được tiết lộ khi nào các nhà điều tra cần tới.
CIA không loại trừ khả năng bị khủng bố trong vụ máy bay Malaysia
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Giám đốc CIA John Brennan cho hay, đã có một số người nhận trách nhiệm về vụ máy bay mất tích. Vì vậy, ông Brennan khẳng định không thể loại trừ khả năng khủng bố liên quan đến chuyến bay MH370.
Giám đốc CIA John Brennan.
Giám đốc CIA không cung cấp thêm chi tiết, nhưng bình luận của ông là ý kiến của một quan chức Mỹ - ông Brennan, từng là cựu cố vấn chống khủng bố của Tổng thống Obama, rằng các nhà điều tra chưa có câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi và họ chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về phi cơ của Malaysia Airlines.
“Chúng tôi đang xem xét sự việc rất cẩn thận. Rõ ràng đây vẫn là một bí ẩn”, AFP dẫn lời người đứng đầu CIA trong một sự kiện tại Washington.
Cũng trong ngày 11/3, Tổng thư ký Interpol, ông Ronald K. Noble, lại đưa ra ý kiến trái chiều với ông Brennan. Trong cuộc họp báo tại trụ sở Tổ chức Cảnh sát Quốc tế ở Lyon, Pháp, ông Noble nói rằng vụ mất tích máy bay Malaysia không liên quan tới hành động khủng bố. Ông Noble đưa ra bình luận này sau khi Interpol cung cấp thông tin liên quan đến hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả để lên chuyến bay MH370. Theo người đứng đầu Interpol, hành khách Iran sử dụng hộ chiếu giả liên quan đến một đường dây buôn người, chứ không phải liên quan tới khủng bố.
Tỉnh Kiên Giang: Đã tính đến chuyện tình huống xấu nhất
Trưa 11/3, tại huyện đảo Phú Quốc, ông Lâm Hoàng Sa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ trì cuộc họp nhanh với các cơ quan, ban ngành huyện Phú Quốc để bàn về tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Theo đó, cần phải tính đến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, như việc trục vớt, tẩm liệm thi thể nạn nhân và cả việc cấp cứu cho thân nhân người gặp nạn trong vụ máy bay Malaysia mất tích.
Về phương tiện, ông Sa chỉ đạo huyện đảo sử dụng tất các phương tiện có được trên địa bàn để vận chuyển thi thể (nếu có). Khi cần thiết phải huy động và trưng dụng các đò phà tư nhân trên địa bàn. Mặt bằng tập kết thi thể cũng đã được tính đến, theo phương châm: Mặt bằng ở đâu thuận tiện nhất từ biển lên đảo.
Ông Sa nhấn mạnh: “Phương tiện đường bộ cũng phải cơ động và đặc biệt lưu tâm về phương tiện PCCC, vì số lượng người thân đi theo chắc chắn sẽ đông. Vận động ngư dân trên biển thấy thì báo liền cho chính quyền địa phương…”.
Thanh Trà (tổng hợp)