Mấy điều suy nghĩ về việc học, đọc sách và sáng tạo
Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy Ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Từ đó, phong trào đọc sách trong cộng đồng đã có bước chuyển khá mạnh mẽ và đã trở thành Ngày Hội sách của quần chúng trên toàn quốc.
Tóm tắt: - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), khởi nguồn từ 2021, khơi dậy phong trào đọc sách, lan tỏa tri thức khắp cộng đồng. - Sách là ngọn lửa nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao dân trí, kiến tạo xã hội học tập hướng tới tương lai. - Sách in và điện tử là cầu nối văn hóa, giáo dục, khoa học, truyền cảm hứng đổi mới và phát triển đất nước. - Lời dạy của Bác Hồ khẳng định sách là thước đo trình độ dân tộc, là chìa khóa mở cánh cửa tri thức. - Ngày Sách 2025 với thông điệp “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng” thúc đẩy sáng tạo, khơi nguồn khát vọng vươn lên. - Các hoạt động Ngày Sách thể hiện tinh thần Nghị quyết XIII, phát huy giá trị con người và văn hóa Việt Nam. - Văn hóa đọc là cốt lõi, xoay quanh học tập, đọc sách và sáng tạo, hun đúc nhân cách và tư duy. - Học và đọc sách là nền tảng rèn “4C” (tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo), kết hợp nhân tính, quốc tính, cá tính. - Trong thời đại số, đọc sách là hành trình chậm rãi, sâu sắc, bồi đắp sự kiên nhẫn, tư duy logic và cảm xúc phong phú. - Sách kỹ năng, kinh nghiệm truyền cảm hứng, mang giá trị thực tiễn, giúp mỗi cá nhân trưởng thành và thay đổi. - Chủ trương của Đảng về đổi mới xuất bản, ứng dụng công nghệ, biến sách thành động lực sáng tạo cho dân tộc. - Đọc sách là hành trình kết nối, chia sẻ, làm giàu tâm hồn, góp phần xây dựng một Việt Nam văn minh, sáng tạo. |
Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đã từng bước kiên trì xây dựng phong trào đọc sách cùng các hoạt động thực tiễn ngày một phong phú và rộng khắp của phong trào này đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức, phát triển tư duy, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người Việt Nam, qua đó bước đầu nâng cao mặt bằng dân trí trong thời kỳ mới, hình thành xã hội học tập. Đây là mục tiêu cao nhất của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Qua Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, lòng yêu sách, tôn vinh những giá trị của sách, cả sách in trên giấy và sách điện tử, khẳng định vai trò của sách trong sự phát triển của mỗi con người và của đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong công tác thông tin, truyền thông, giáo dục tư tưởng chính trị, khoa học công nghệ, văn hóa... Đúng như Lênin đã nói “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có Chủ nghĩa Cộng sản”.
Nhà cách mạng Nga Gercen cũng nói: “Sách kết tinh tất cả những học thuyết làm rung động khối óc, kết tinh mọi khát vọng làm rung động trái tim và ghi lại toàn bộ cuộc sống sôi nổi của loài người và được mệnh danh là Lịch sử toàn thế giới”. Bác Hồ của chúng ta cũng đã nói: “Số sách vở nhiều hay ít cũng chứng tỏ trình độ của một dân tộc cao hay thấp”. Qua đây, chúng ta càng khẳng định vị trí, vai trò của các NXB, công ty phát hành sách, đặc biệt là của những người sáng tạo ra sách và của độc giả - những người đã tiếp nhận giá trị của sách để tăng trưởng tri thức và sáng tạo. Sự có măt của quý vị hôm nay đã chứng tỏ giá trị và ý nghĩa to lớn của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 với thông điệp là: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”; thời gian qua nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Trong khuôn khổ bài viết này, với việc lấy “Văn hóa đọc là trọng tâm” tôi xin phép trao đổi từ 3 khía cạnh, đó là việc “Học, Đọc sách và Sáng tạo”. Trước hết việc “Học” là công việc quan trọng của mọi công dân vì như Nhà Văn hóa Nguyễn Trãi có huấn đức: Nên thợ, nên thầy nhờ có học/ No ăn, no mặc bởi hay làm. Nhưng muốn học có kết quả thì thái độ, kỹ năng đầu tiên con người cần có là “Đọc sách”.
Tiền nhân Việt có lời khuyên: “Để cho con đầy hòm vàng/ Không bằng để cho con một cuốn sách/ Nuôi con mà biết dạy con đọc sách/ Thì trong sách có ngọc (Di tử kim mãn doanh/ Hà như giáo nhất kinh/ Dưỡng tử giáo độc thư/ Thư trung hữu kim ngọc). “Học” và “Đọc sách” thúc đẩy con người tiến đến Năng lực Sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay, con người cần có “Bốn năng lực”: Năng lực phản biện/ Năng lực giao tiếp/ Năng lực hợp tác/ Năng lực sáng tạo; vì vậy, nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên chuyển sang việc dạy “bốn chữ C”, tức Tư duy phản biện, Giao tiếp, Hợp tác và Sáng tạo (Critical thinking, Communication, Collaboration, Creativity). Với nền giáo dục Việt Nam thì vô luận trường hợp nào cũng phải giáo dục cho thế hệ trẻ sáng tạo trên cơ sở phát triển hài hòa theo ba khía cạnh: Giữ gìn đượcNhân tính/ Bảo tồn được Quốc tính/ Khẳng định được Cá tính. Vì vậy, việc “Học, Đọc sách và Sáng tạo” đã cung cấp cho ta những kiến văn để phát triển Năng lực 4C, đồng thời để phát triển Năng lực 4H & 3KH.
- “4H” là huấn đức của Bác Hồ đã từng nói: “Học để làm việc, làm người”. Bác đã căn dặn Giảng viên, Học viên của Nhà trường thực hiện được bốn điều “Học - Hỏi - Hiểu - Hành”.
- Lĩnh hội tâm nguyện của Bác, nền giáo ngày nay đã hướng người học thực hiện “Học - Hỏi - Hiểu - Hành” đồng thời rèn luyện “3KH” “Khỏe - Khôn - Khiêm”; đồng thời thúc đẩy các Nhà trường, các Gia đình và mọi người ra sức học tập, sáng tạo - tự học, tự đọc, giáo dục con em “Lập chí - Lập thân - Lập nghiệp” theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục.
Việc đọc sách trong thời đại số và mạng xã hội lên ngôi đang là vấn đề rất được quan tâm. Hiện nay, nhiều người đang có xu hướng ưa chuộng những video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội, đồng nghĩa với việc là họ sẽ nghe nhiều hơn và ít đọc lại. Vậy thì tại sao chúng ta không thử ngồi lại, chọn cho mình một quyển sách hay và nghiền ngẫm, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ rút ra cho mình những điều thú vị và những kinh nghiệm riêng cho bản thân. Bởi sách là sợi dây kết nối cho sự ngẫm nghĩ và suy tư, là nơi mà bạn hoàn toàn có thể thu nạp những tri thức bổ ích.
Đọc sách thường tốn nhiều thời gian để ta có thể tiếp nhận thông tin hơn là xem phim hay xem video ngắn. Nghĩa là não bộ sẽ phải suy ngẫm và trực quan hóa trong thời gian dài, từ đó xây dựng nên những liên kết vững chắc từ những gì mà chúng ta đã đọc được. Điều này giúp chúng ta ghi nhớ lâu hơn rất nhiều. Với thị trường sách đang vô cùng phong phú và đa dạng, có đến hàng trăm, hàng nghìn những đầu sách khác nhau về đa lĩnh vực, đa chủ đề hoàn toàn không khó để chúng ta có thể tìm ra cho mình những quyển sách hay và phù hợp với mong muốn, nhu cầu của bản thân. Chắc chắn rằng, mỗi người đều ít hay nhiều có cho mình một vài cuốn sách hay mà ta đã dành hàng giờ để đọc, để nhận định được lối suy nghĩ và định hình kiến thức về xã hội.
Đọc sách mang đến cho chúng ta những phút giây giải trí của một thế giới rất khác, rất vui vẻ qua những câu chuyện cười, rất thơ thẩn qua những dòng tản mạn, đôi khi lại “dở khóc dở cười” của những câu chuyện rất đỗi đời thường. Khi đọc, ta không chỉ thấy vui, thấy thú vị mà từng phút từng giây ta đắm chìm vào nó là ngần ấy thời gian tâm hồn ta được bồi đắp. Qua những trang sách, ta được tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau, những góc nhìn mới mẻ, những câu chuyện truyền cảm hứng, từ đó giúp ta hoàn thiện bản thân và phát triển tâm hồn.
Cũng nhờ vậy mà sách đã góp phần rất lớn đối với đời sống tinh thần của ta, khiến nó được tô điểm bởi nhiều sắc màu hơn, chúng ta có thể thấu hiểu, sẻ chia, rung cảm và biết ơn những điều nhỏ bé nhất. Khi đọc sách, chúng ta rèn được sự kiên nhẫn, đọc từng câu, từng từ, từng chữ, không phải kiểu đọc qua loa mà là đọc sâu, đọc để hiểu nội dung, phân tích ý nghĩa và hình dung rõ ràng về lĩnh vực mà mình quan tâm. Quá trình này giúp chúng ta rèn luyện khả năng tập trung, tư duy logic và kỹ năng phản biện nếu như quan điểm của sách đối lập với chúng ta.
Trên hết, bên cạnh yếu tố giải trí hay làm giàu tâm hồn, thì việc học được kỹ năng, những kinh nghiệm, bài học rõ ràng từ một cuốn sách hay là việc mà tất cả mọi người đều mong muốn. Các dòng sách về kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm hay self-help đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Bởi vì sao? Vì trong đó mang những kiến thức có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng được vào thực tế và thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách sâu sắc. Có không ít những người đọc dễ tính và đơn giản, họ cảm thấy sau mỗi lần đọc sách, chỉ cần rút ra một điều có ích cho họ từ quyển sách ấy là đã thành công và xứng đáng với thời gian, công sức mà họ bỏ ra.
Tất cả những người thành đạt nhất trong lĩnh vực của họ đều đọc rất nhiều sách. Thậm chí họ đọc cả sách của những người có tầm thành công dưới họ. Bởi họ biết, câu chuyện thành công của mỗi người là không giống nhau, hoàn cảnh và xuất phát điểm cũng khác nhau, vậy nên họ sẽ luôn học hỏi được điều gì đó từ những câu chuyện của người khác. Đấy là cách đã giúp họ ngày càng phát triển hơn, khôn ngoan hơn trong các quyết định cũng như mở rộng tầm nhìn đa chiều hơn. Có thể khẳng định rằng, sách là nguồn kiến thức vô tận, là nơi mà chúng ta có thể nhận được vô số những “trái ngọt” từ các tác giả, bồi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tư duy, giúp ta ngày ngày phát triển. Nếu xem sách như một người bạn, như trong cuộc trò chuyện với người bạnấy,tacóthểchủđộngxembạnấycóthể cho mình những gì và thuyết phục mình bằng cách nào.
Tóm lại, với quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành (Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2024 của Bộ Chính trị và Thông báo số 19-TB/TW của Ban Bí thư), vượt qua những thách thức mới và nắm bắt những cơ hội đang xuất hiện trong thời kỳ đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57- NQ/TW ngày 22/12/2024) chúng ta cần có nhiều giải pháp, cách làm mới để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thực sự được thấm nhuần vào từng ngành, địa phương,... và sách thực sự trở thành động lực thôi thúc khát vọng đổi mới, sáng tạo trong mỗi người dân và cả dân tộc./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2025)