Máy tính tiền của cơ sở kinh doanh sẽ chuyển dữ liệu với cơ quan thuế?
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo này là quy định từ ngày 1-7-2022 máy tính tiền của các quán ăn, cà phê, nhà hàng, khách sạn… sẽ kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Theo dự thảo, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như dịch vụ vui chơi, giải trí; đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng khác; bán lẻ thuốc tân dược… sẽ sử dụng máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế.
Giải thích về quy định này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế là một trong những giải pháp chống thất thu thuế. Đồng thời cũng để minh bạch trong quản lý thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ.
“Các hộ kinh doanh sẽ không bị cơ quan thuế áp đặt, ấn định doanh thu cũng như số thuế phải nộp, mà sẽ nộp thuế theo doanh thu thực tế” - đại diện Bộ Tài chính lý giải.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, quy định máy tính tiền kết nối với các cơ sở kinh doanh đã có trong Luật Quản lý thuế nhưng việc áp dụng mới chỉ dừng lại thí điểm tại một số đơn vị kinh doanh ở TP.HCM và Hà Nội. Đa phần máy tính tiền của các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… vẫn chưa kết nối với cơ quan thuế. Các cơ sở kinh doanh chủ yếu tự khai, tự nộp thuế.
Máy tính tiền của các quán ăn, siêu thị… sẽ kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Trong khi đó, nhiều nhà thuốc, quán ăn, nhà hàng... có doanh thu, lợi nhuận lớn hơn cả doanh nghiệp nhưng lại kê khai nộp thuế thấp, không đáng kể. Đặc biệt cơ quan thuế cũng không quản lý được doanh thu vì các khoản mua hàng lẻ ở Việt Nam thường được thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và người tiêu dùng cuối cùng lại không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.
“Do vậy, nếu triển khai được máy tính tiền sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối cơ quan thuế thì sẽ kiểm soát được doanh thu tính thuế, tránh thất thu. Đồng thời, quy định này tạo được sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh” - ông Nghĩa nhận định.
Mặc dù ủng hộ việc kết nối dữ liệu máy tính tiền từ các cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế nhưng luật sư Nguyễn Đức Nghĩa vẫn lo ngại khi thực hiện sẽ có những lỗ hổng về quản lý thuế.
Ví dụ, lĩnh vực nhà hàng, quán ăn sẽ có nhiều khách sử dụng tiền mặt và họ không cần xuất hóa đơn. Từ đó sẽ xảy ra tình trạng các nhà hàng, quán ăn lách quy định bằng cách không nhập dữ liệu trên máy tính tiền có kết nối mà tính bằng tay, ghi ra giấy cho khách xem và thu tiền mặt. Khi không kiểm soát được giao dịch kinh doanh của các cơ sở, đơn vị nộp thuế sẽ gây ra những thất thoát không hề nhỏ cho ngân sách nhà nước.
Do vậy, theo ông Nghĩa, cơ quan thuế cần phải có giải pháp khuyến khích khách hàng có thói quen yêu cầu xuất hóa đơn điện tử. Muốn làm được điều này, Bộ Tài chính cần đề xuất ban hành quy định các hóa đơn mua hàng của cá nhân sẽ được tính vào chi phí và được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.
“Làm như vậy, người dân sẽ có ý thức lấy hóa đơn các quán ăn, nhà hàng, khách sạn… Những hóa đơn được khách hàng tổng hợp sẽ được trừ khi quyết toán thuế thu nhập” - ông Nghĩa đề xuất.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng nếu theo quy định tại dự thảo của Bộ Tài chính thì các cơ sở kinh doanh đều phải thay máy tính tiền có sử dụng được hóa đơn điện tử do cơ quan thuế khởi tạo. Như vậy, các đơn vị bán máy tính tiền phải được cơ quan thuế công khai thông tin và máy phải dán nhãn được Bộ Tài chính chứng nhận đáp ứng kết nối chuyển dữ liệu về cơ quan thuế. Có như vậy mới minh bạch, tạo được niềm tin của người nộp thuế.
Quản lý thuế bằng công nghệ, thiết bị điện tử Bộ Tài chính cho hay máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng. Phần mềm này có chức năng chung như tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch. Để thực hiện việc này, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền. Từ đó, chỉ đạo cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Còn cơ quan thuế địa phương sẽ khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế. Bộ Tài chính cũng cho hay trong trường hợp các cá nhân kinh doanh không thể thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử; không có hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử để lập hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua cũng như cơ quan thuế… thì sử dụng hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in trong thời gian tối đa 12 tháng. Đồng thời, cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. |
Minh Thùy (T/h)