Năm 2030, Việt Nam sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G

08:15, 10/10/2024

Trong chiến lược hạ tầng số vừa được Chính phủ phê duyệt, trong đó có mục tiêu xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G vào năm 2030.

Triển khai thử nghiệm mạng di động 6G vào năm 2030

Chính phủ vừa phê duyệt chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ngày 9/10. Trong đó có mục tiêu xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G vào năm 2030. Chiến lược cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tần số để sớm triển khai 6G và các công nghệ mạng mới.

Giải pháp được đề ra bao gồm nghiên cứu, xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, miễn trừ một số trách nhiệm có điều kiện để thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, 6G sẽ được phát triển thông qua hệ sinh thái mở, như nền tảng mở, công nghệ mở, mã nguồn mở.

Sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G vào năm 2030.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, chiến lược tập trung vào các nhiệm vụ đối với hạ tầng viễn thông và internet. Cụ thể, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phủ sóng kết nối tốc độ cao đến mọi hộ gia đình, cơ quan và doanh nghiệp bằng các công nghệ tiên tiến như cáp quang và wifi thế hệ mới.

Cùng với đó là đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống truyền dẫn quốc tế và trong nước, đảm bảo kết nối ổn định, an toàn và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ đầu tư vào cáp quang biển, mở rộng mạng 5G, nghiên cứu và triển khai internet để nâng cao khả năng kết nối.

Chiến lược cũng tập trung phát triển đồng bộ các hạ tầng dữ liệu, vật lý - số và tiện ích số như xây dựng các trung tâm dữ liệu, tích hợp công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu, cung cấp các dịch vụ tiện ích số đa dạng, ứng dụng AI và blockchain.

Trước đó, từ đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mục tiêu cho ngành Viễn thông Việt Nam là "trong nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới".

Để làm được điều đó, Việt Nam đã khởi động nghiên cứu 6G, bên cạnh việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc. Cục Viễn thông cho biết Ban chỉ đạo 6G cũng được thành lập và Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có ban chỉ đạo này. Khi đó, mục tiêu được đặt ra là tần số 6G có thể được cấp phép vào năm 2028, trước khi tiến tới thương mại hóa.

Phủ sóng 5G đến 99% dân số Việt Nam vào năm 2030

6G là bước tiến tiếp theo của 5G và ước đạt tốc độ một terabit/giây, tức trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần. Dự kiến, mạng di động này được thương mại hóa trên thế giới vào năm 2030

Ngoài nội dung về 6G, Chiến lược hạ tầng số vừa được ban hành cũng đề ra các mục tiêu về việc phủ sóng 5G, xây dựng trung tâm dữ liệu, phổ cập thiết bị IoT, chữ ký số, định danh số.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, mọi hộ gia đình được phủ sóng cáp quang và cung cấp dịch vụ di động 5G toàn diện, bao gồm các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp và cả các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Cùng năm, Nhà nước đặt mục tiêu đạt được chỉ số PUE dưới 1,4 cho các trung tâm dữ liệu mới, tăng cường hạ tầng cáp quang biển và đầu tư vào các trung tâm dữ liệu hiện đại, thân thiện với môi trường.

Mỗi người dân sở hữu ít nhất một thiết bị IoT (thiết kế kết nối internet vạn vật) và một định danh số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%, phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số.

Đến năm 2030, toàn bộ người dùng sẽ được kết nối internet cáp quang tốc độ cao ít nhất 1Gb/s đồng thời mạng 5G sẽ phủ sóng gần như toàn bộ dân số.

Hiện, mạng di động 5G chưa chính thức triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, đã có 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone trúng đấu giá băng tần dành cho 5G.