Ngành Bảo hiểm xã hội: Đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

10:30, 27/10/2022

Những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

Ngành BHXH Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực khoảng 51 triệu nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 60 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, nhằm triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin.

BHXH Việt Nam: Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam.

"Thứ nhất, về triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin CNTT và chuyển đổi số (CĐS) của ngành BHXH liên quan đến hoạt động nghiệp vụ, cũng như hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đã liên tục nâng cấp các hệ thống ứng dụng CNTT phần cứng, phần mềm và hạ tầng để các hoạt động ngành CNTT được xuyên suốt. Trong thời gian qua, ngành BHXH cũng đã có đầu tư để duy trì hệ thống CNTT và dữ liệu lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

Thứ hai, triển hai ứng dụng VNEID đến thời điểm hiện tại cả nước có 26,9 triệu tài khoản giao dịch cá nhân được đăng kí và phê duyệt. Trong đó, chúng tôi đã cung cấp được 7 dịch vụ công.

Thứ 3, ngay sau khi Đề án 06 khởi động thì BHVN là một trong số ít của các đơn vị đầu tiên tham gia kết nối đồng bộ cũng như xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư. Đến nay cũng đã đạt được kết quả. Hiện tại ngành BHXH đã thực hiện xác thực hơn 55 triệu/ 84,3 triệu người tham gia và chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Công an để đạt mục tiêu việc đồng bộ tiếp cận 100% số người tham gia".

Ngành BHXH Việt Nam đang tích hợp nhiều tính năng đồng bộ trên hệ thống công nghệ thông tin như: tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ trên Cổng dịch vụ công; ban hành dịch vụ công trực tuyến. Thời gian tới, ông Phương cho biết, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tham gia hoàn thiện quy trình, tài liệu kỹ thuật xây dựng phần mềm liên thông trên dữ liệu điện tử do Bảo hiểm Việt Nam quản lý.

Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được ngành BHXH Việt Nam xác định là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia BHXH, BHYT.

PV