Ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở 2024: Giải pháp sử dụng phần mềm nguồn mở, dữ liệu mở và AI để nâng cao quản lý thông tin

11:20, 28/09/2024

Tại ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở 2024, các diễn giả đã có những chia sẻ kinh nghiệm hữu ích về phần mềm nguồn mở, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả quản lý thông tin.

Ngày 28/09/2024, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) đã diễn ra ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở 2024 (SFD 2024) với chủ đề "Phần mềm nguồn mở, dữ liệu mở & AI: Chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả quản lý thông tin".

Đến dự chương trình có ông Nguyễn Quang Toán, Phó Chủ tịch CLB VFOSSA; PGS.TS. Bùi Thành Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV); ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch CLB VFOSSA, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp Thông tin; ông Đường Huy, Trưởng đài hạ tầng dịch vụ, Công ty Suncloud; ông Đỗ Đức Nam, Giám đốc sản phẩm Công ty Zamiga; TS. Tạ Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo OLP; PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện, (ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN); ông Nguyễn Đức Toàn, Công ty Cổ phần Giải pháp Thông tin.

Ông Nguyễn Quang Toán, Phó Chủ tịch CLB VFOSSA phát biểu khai mạc chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch CLB VFOSSA cho rằng, ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở là dịp tôn vinh những giá trị cốt lõi của phần mềm nguồn mở: Sự tự do, sự chia sẻ và sự sáng tạo. Mục tiêu của SFD không chỉ là tôn vinh những thành tựu mà phần mềm nguồn mở đã mang lại, mà còn lan tỏa những giá trị này đến cộng đồng và thúc đẩy việc sử dụng và phát triển công nghệ này trong mọi lĩnh vực.

Những lợi ích của Phần mềm Tự do Nguồn mở không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong giáo dục, các em học sinh, sinh viên sẽ được tiếp cận với công nghệ tiên tiến mà không bị ràng buộc bởi chi phí bản quyền. Trong chính phủ, phần mềm nguồn mở hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống quản lý minh bạch và hiệu quả hơn. Tại nhà và trong kinh doanh, nó giúp giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa hiệu quả, và tăng cường tính bảo mật.

Chủ đề của Ngày hội SFD 2024 là “Phần mềm nguồn mở, dữ liệu mở & AI: Chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả quản lý thông tin”. Đây là một chủ đề vô cùng quan trọng và thời sự, khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Việc kết hợp giữa phần mềm nguồn mở, dữ liệu mở và AI sẽ giúp chúng ta không chỉ tối ưu hóa quản lý thông tin mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề.

"Tôi muốn kêu gọi tất cả chúng ta – những người yêu mến và quan tâm đến phần mềm nguồn mở, cùng với CLB phần mềm tự do nguồn mở Vietnam (VFOSSA) – hãy tích cực tham gia, chia sẻ kiến thức và bài học kinh nghiệm, để cùng nhau xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, không chỉ phát triển công nghệ mà còn giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao giá trị cho xã hội", Ông Nguyễn Quang Toán nhấn mạnh.

Khung cảnh ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở 2024.

Tại SFD 2024, rất nhiều diễn giả, đại diện cho các doanh nghiệp về công nghệ đã trình bày các chủ đề về mã nguồn mở, trí tuệ nhân tạo... đã nhận được sự quan tâm các chuyên gia, chủ doanh nghiệp và các bạn sinh viên.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch CLB VFOSSA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải Pháp Thông Tin đã có những chia sẻ về "SAHANA - Open Source Disaster Management Solutions". Theo ông Tuấn, thảm họa tự nhiên luôn là một mối đe dọa đối với cuộc sống của con người. Để ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp, cần những công cụ hỗ trợ mạnh mẽ. Do đó, công cụ này hứa hẹn sẽ đem đến một cuộc cách mạng hóa trong việc ứng cứu, cứu trợ và phục hồi sau thảm họa.

Ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch CLB VFOSSA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải Pháp Thông Tin đã có những chia sẻ về SAHANA.

Cũng tại chương trình, ông Đường Huy, Trưởng đài hạ tầng dịch vụ, Công ty Suncloud cũng có sự chia sẻ về phần mềm mã nguồn mở Netbox: Quản lý hạ tầng thông minh, sự lựa chọn cho quản lý hạ tầng hiện đại.

Ông Đường Huy chia sẻ về phần mềm mã nguồn mở Netbox.

Theo ông Đường Huy, đây là một phần mềm mã nguồn mở. Đây là giải pháp hàng đầu để mô hình hóa và ghi lại các mạng hiện tại. Phần mềm này sẽ phục vụ nhu cầu của các kỹ sư và nhà điều hành, dùng để quản lý các tài sản liên quan đến mạng, từ thiết bị phần cứng, kết nối mạng, địa chỉ IP, đến cáp và các dịch vụ khác.

Diễn giả Đỗ Đức Nam, Giám đốc sản phẩm Công ty Zamiga cũng mang đến chương trình bài chia sẻ: “Khả năng sử dụng mã nguồn mở AI để truyền tải văn hóa dân tộc thông qua ứng dụng gamification”. Nội dung chia sẻ của diễn giả đã mang đến cho người tham dự một cái nhìn toàn diện về tiềm năng của mã nguồn mở AI trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng nhau khám phá những ứng dụng sáng tạo của công nghệ và góp phần bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Đỗ Đức Nam chia sẻ mã nguồn mở AI qua ứng dụng gamification.

Tại sự kiện, TS. Tạ Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo OLP đã phát động về cuộc thi Olympic tin học sinh viên toàn quốc (khối nguồn mở toàn quốc). theo TS. Tạ Tuấn Anh, chủ đề cuộc thi OLP 2024: "Nền tảng phát triển ứng dụng dùng ít mã nguồn - LCDP". Theo đó, sinh viên dự thi cần có các kỹ năng, kiến thức về dự án xây dựng phần mềm nguồn mở, nắm vững các phương pháp phát triển ứng dụng dùng ít mã, thực hành sử dụng các nền tảng mã nguồn mở, sáng tạo trong giải quyết vấn đề.

Tại chương trình, diễn giả - PGS.TS Đỗ Văn Hùng là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thông tin thư viện tại Việt Nam, hiện đang giữ chức vụ Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có chia sẻ rất sâu sắc về Gen AI. Gen AI không chỉ dừng lại ở việc hiểu dữ liệu, mà còn có khả năng tạo ra những nội dung mới, sáng tạo như văn bản, hình ảnh, âm thanh, thậm chí cả mã code. Điều này mở ra vô vàn cơ hội trong nhiều lĩnh vực, từ sáng tạo nghệ thuật đến giải quyết các vấn đề phức tạp trong kinh doanh, khoa học. Sự phát triển nhanh chóng của Gen AI đồng nghĩa với việc nhu cầu về những người có khả năng làm việc và sáng tạo với công nghệ này cũng tăng cao. 

Bằng việc nắm bắt được những kỹ năng cần thiết, người học có thể chủ động trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng phù hợp để thành công trong kỷ nguyên AI.

PGS.TS Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh năng lực sử dụng AI là rất quan trọng trong thời đại hiện nay.

Đến với SFD 2024, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Giải Pháp Thông Tin (iWay) giới thiệu về chuyên đề “Sendnow, một ví dụ về StartUp với phần mềm tự do nguồn mở”.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Marketing của Công ty Cổ phần Giải Pháp Thông Tin.

Ông Toàn cho rằng, Sendnow là giải pháp email marketing dựa trên nền tảng Marketing Automation nguồn mở đã được phát triển hơn 10 năm với hơn 200.000 đơn vị/tổ chức sử dụng rộng rãi trên thế giới với nhiều phiên bản khác nhau, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một phiên bản Việt hoá nào (đã public) ổn định và hoàn chỉnh. iWay cùng Nhân hoà đã tối ưu, Việt hóa để phù hợp với người Việt, đồng thời tích hợp thêm giải pháp gửi thư số lượng lớn (EMD) để đảm bảo phân phối thư đến đúng địa chỉ người nhận.

Có thể thấy, SFD 2024 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới công nghệ và có tác động tích cực cho cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam.

Sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của các sinh viên.

Qua những nội dung chia sẻ trên, sự kiện SFD 2024 năm nay không chỉ mang đến cơ hội học hỏi và chia sẻ kiến thức mà còn tạo ra một không gian kết nối rất hữu ích giữa những cá nhân và tổ chức có cùng đam mê.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Các vị đại biểu, chuyên gia và các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở 2024.

Ngày hội Phần mềm Tự do Nguồn mở (Software Freedom Day - SFD) nhằm tôn vinh và lan tỏa những giá trị của phần mềm tự do nguồn mở, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng và phát triển công nghệ này trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, kể từ năm 2012 SFD được tổ chức dưới sự chủ trì của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), với sự hỗ trợ từ các Bộ, ban, ngành cùng nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Sự kiện không chỉ là dịp để cộng đồng công nghệ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là nền tảng quan trọng để phổ biến kiến thức và khơi dậy sự sáng tạo trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở.