Nghi án hối lộ 16 tỷ ở ngành Đường sắt: Bắt tạm giam thêm nghi can 6
Hôm qua 9/5, liên quan đến nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng trong dự án đường sắt nội đô tuyến số 1 Hà Nội, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam nghi can thứ 6.
Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cho biết, họ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962), Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đây là bị can thứ 6 liên quan đến nghi án nhận hối lộ của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Trước đó, ngày 20/3, báo chí Nhật Bản đưa tin Giám đốc Công ty JTC thừa nhận đã chi bất hợp pháp hơn 100 triệu Yên cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để được nhận hợp đồng cho các dự án ODA. Riêng tại Việt Nam, JTC đã hối lộ cho 5 quan chức đường sắt với số tiền 80 triệu Yên (khoảng 16 tỷ đồng) từ năm 2008 - 2012, để được nhận thầu tư vấn dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 – giai đoạn 1 bằng vốn ODA.
Ngoài ông Nguyễn Văn Hiếu, 5 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Trần Quốc Đông (SN 1964, Phó Tổng giám đốc TCty ĐSVN), Phạm Hải Bằng (SN 1969) và Phạm Quang Duy (SN 1975), đều là Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt, Nguyễn Nam Thái (SN 1977), Trưởng phòng dự án 3, Ban quản lý các dự án Đường sắt và Trần Văn Lục (SN 1958), nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án Đường sắt.
Trong số 6 bị can trên, duy nhất bị can Trần Quốc Đông bị điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm, các bị can còn lại đều bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thanh tra toàn diện TCty Đường sắt Việt Nam
Liên quan đến những bê bối và sự trì trệ của ngành Đường sắt, tại cuộc họp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt chiều 7/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với Tổng Công ty ĐSVN và yêu cầu ngành Đường sắt phải đổi mới. Ông khẳng định, đường sắt đổi mới là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ là mong muốn của ngành GTVT. Đổi mới là để phát triển, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, để nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt.
Hàng hóa thường dồn ứ tại ga do quy trình và cách làm việc trì trệ của ĐSVN.
Theo Bộ trưởng Thăng, rất nhiều dự án quan trọng của đường sắt đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo từ rất lâu, rất nhiều lần, nhưng triển khai rất chậm. Sự trì trệ của đường sắt khiến Bộ trưởng Đinh La Thăng vô cùng sốt ruột và ông cho biết, từ nay mỗi tháng sẽ họp với Tổng Công ty ĐSVN một lần, một tuần một lần Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ họp với Tổng Công ty này để kiểm điểm hoạt động.
“Lãnh đạo Bộ khi làm việc với đường sắt sẽ không đôn đốc chung nữa mà cầm tay chỉ việc, từng việc một, giải quyết thật rốt ráo và cụ thể, cho đến khi hoàn thành, có kết quả cụ thể mới xong” - Ông Thăng nói rõ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng còn cho rằng, ngành đường sắt cần thực hiện “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ). Bộ trưởng giao cho Công đoàn GTVT Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ GTVT trực tiếp làm việc với Công đoàn và Đoàn Thanh niên TCty ĐSVN để triển khai.
Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngành ĐSVN phải xác định mình là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thay đổi và phát triển, ĐSVN phải tiếp tục rà soát lại các Ban của Tổng công ty, giảm đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức lại bộ máy kế toán và thay đổi phần mềm kế toán…
Thanh Trà (tổng hợp)