Nghị định 20 hướng đến ngăn chặn tình trạng gian lận thuế.
Trước công văn số 5164/TCT-TTKT ngày 11/12/2019 của Tổng cục Thuế về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra văn bản phúc đáp.
Theo đó, Nghị định 20 với tên ban đầu là Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu Ngân sách nhà nước với mục tiêu chính là để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế đang diễn ra và được cơ quan quản lý thực hiện việc lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, các ý kiến nhận được vào thời điểm đó chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các đơn vị tư vấn thuế. Trong khi phần lớn doanh nghiệp trong nước cho rằng Nghị định này không tác động đến họ do họ không có hoạt động chuyển giá và cũng không có động cơ chuyển giá do không có chênh lệch thuế suất giữa hai công ty liên kết.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, dù được đánh giá là một Nghị định quan trọng giúp chống lại tình trạng chuyển giá, đặc biệt là chuyển giá ra nước ngoài để giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam; Nghị định 20 cũng để lại khúc mắc khi áp nghĩa vụ cho cả những trường hợp không có hành vi chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, Nghị định 20 sử dụng hai công cụ chính để chống chuyển giá. Thứ nhất là người nộp thuế có giao dịch liên kết phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với phương pháp xác định giá theo Điều 7, công cụ này áp dụng với mọi loại giao dịch. Thứ hai, đối với một số trường hợp cụ thể thì áp dụng quy định riêng tại Điều 8. Như vậy, Điều 7 có thể coi là phương pháp chung để xác định giá của giao dịch liên kết, còn Điều 8 là quy định riêng cho một số trường hợp cụ thể.
Trong khi đó, Điều 11 của Nghị định 20 cũng đã có quy định miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp hai bên giao dịch cùng ở Việt Nam, chung mức thuế suất, không doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi thuế, và trường hợp giá trị giao dịch liên kết nhỏ, không đáng kể. Như vậy, Điều 11 đã thể hiện rõ tinh thần loại trừ nghĩa vụ đối với các giao dịch giữa hai công ty liên kết trong nước không có chênh lệch thuế suất, bởi những công ty này không có động cơ để chuyển giá. Cũng chính vì lý do này nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước tin rằng Điều 11 đã loại bỏ nghĩa vụ của họ trong việc áp dụng Nghị định 20.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ về mặt ngôn từ, Điều 11 chỉ miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cho các doanh nghiệp, tức là miễn trừ nghĩa vụ chung, nhưng vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ Điều 8 về nghĩa vụ riêng trong một số trường hợp cụ thể. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Nghị định 20 theo hướng mở rộng phạm vi của Điều 11, bao gồm cả miễn trừ nghĩa vụ tại Điều 8. Nói cách khác, các giao dịch liên kết giữa các bên đều ở Việt Nam, không có chênh lệch thuế suất thì không phải áp dụng các nghĩa vụ tại Nghị định này, bao gồm cả nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và nghĩa vụ xác định giá cho một số trường hợp cụ thể tại Điều 8 của Nghị định 20./.
Hữu Ích