Nguyên nhân nào khiến smartphone chậm chạp?
Sau nhiều năm sử dụng, smartphone sẽ hoạt động ngày càng kém hiệu quả hơn so với khi mới “khui hộp” - thời điểm mà máy rất mượt. Đó là lý do tại sao cứ sau mỗi năm, smartphone càng thể hiện rõ dấu hiệu tuổi tác của nó như màn hình treo, ứng dụng tải chậm hoặc không thể tải và tin nhắn không thể gửi đi.
Vì sao smartphone ngày càng chậm đi?
Có một số lý do khiến smartphone trở nên chậm chạp, mà lý do chính vì bản cập nhật hệ điều hành thường bỏ qua các phần cứng cũ. Các công ty cũng cập nhật ứng dụng để nó có thể tận dụng tốc độ xử lý nhanh hơn và kiến trúc hiệu quả hơn, dẫn đến phiên bản mới của ứng dụng trên smartphone cũ sẽ chạy chậm hơn một chút.
Với hầu hết các trường hợp, quá trình già đi diễn ra dần dần và liên tục. Các phần cứng trên smartphone cũ sẽ mất khả năng từng chút một sau khi cập nhật hệ điều hành và ứng dụng. Nó có thể bắt đầu bằng việc thiếu một số tính năng trên một ứng dụng trước khi toàn bộ ứng dụng không thể chạy. Cuối cùng, chính điện thoại mất đi khả năng truy cập vào cửa hàng ứng dụng khiến người dùng không thể tải hoặc cập nhật bất kỳ ứng dụng nào nữa.
Sau đây là những lý do phổ biến nhất khiến smartphone chậm chạp đi theo thời gian, từ đó người dùng có thể tìm ra giải pháp khắc phục đối với một số nguyên nhân.
Ứng dụng ngày càng nhiều
Hầu hết các điện thoại mới xuất xưởng chỉ với một vài ứng dụng có sẵn, nhưng chúng ta luôn muốn tải nhiều ứng dụng vào điện thoại mới và điều này phát triển theo thời gian khiến ứng dụng quá nhiều. Kết quả là tài nguyên hệ thống bị hao mòn.
Trong trường hợp này, người dùng hãy xóa những thứ không sử dụng cho dù đó là smartphone Android hay iPhone.
Quá nhiều ứng dụng hoạt động nền
Một thủ phạm phổ biến khác làm chậm điện thoại cũ là có rất nhiều ứng dụng đang chạy ngầm bên trong nền hệ thống khiến pin trên điện thoại bị hao nhanh, tài nguyên bộ nhớ bị ảnh hưởng.
Giải pháp tốt nhất là người dùng nên tìm hiểu các cài đặt trên điện thoại Android để tìm ra ứng dụng nào gây ảnh hưởng lớn nhất đến thời lượng của pin.
Với iPhone hãy chạm 2 lần vào nút Home để xem ứng dụng nào đang chạy và vuốt lên để đóng chúng. Về cơ bản, nội dung nhắc đến smartphone cũ như iPhone 8 trở về trước, trong khi loạt iPhone X trở lên đã loại bỏ nút Home với cách xem ứng dụng đang chạy có thao tác khác. Nhìn chung, loạt iPhone X trở lên đều còn chạy khá tốt và chẳng phải là “cũ” nữa.
Thiếu không gian lưu trữ
Khi điện thoại ngày càng cũ, không gian lưu trữ trên điện thoại cũng trở nên lỗi thời hơn. Lấy ví dụ với những chiếc iPhone 16 GB hoặc cả 32 GB, không gian này sẽ sớm bị lấp đầy theo thời gian trừ khi người dùng có kế hoạch dọn dẹp mọi thứ trên máy sao cho phù hợp nhất. Nhìn chung, việc vận hành một chiếc điện thoại có ít hoặc thiếu bộ nhớ trống sẽ dẫn đến điện thoại chậm chạp - điều giống như trên một máy tính.
Cách giải quyết là kiểm tra xem có bao nhiêu ảnh và video mà người dùng đã quay bằng smartphone và lưu trữ trên thiết bị. Nếu có quá nhiều, hãy giảm tải chúng bằng cách đưa vào ổ cứng hoặc lưu trữ lên đám mây để giải phóng dung lượng.
Hình thành suy nghĩ: "Cứ mới là nhanh"
Một lý do rất thực tế khiến người dùng nghĩ điện thoại cũ của mình chậm chạp chính là nhận thức. Người dùng có thể có suy nghĩ rằng, một điện thoại mới hơn sẽ nhanh hơn, và điều đó ảnh hưởng đến nhận thức của chính bản thân họ về điện thoại cũ. Dĩ nhiên, các điện thoại mới hơn sẽ thực sự nhanh hơn bất chấp tốc độ cải tiến chỉ một lượng nhỏ.
PV/TH