Nhiều cơ hội phát triển doanh nghiệp AI tại Việt Nam
Trong bối cảnh bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu, startups Việt Nam đã nhanh nhạy nhập cuộc xu hướng công nghệ mới và dần khẳng định vị thế trong khu vực. Nhu cầu từ thị trường nội địa cùng hàng loạt những quy định, chính sách cởi mở mới đang giúp cộng đồng startups AI Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng quy mô...
Ghi nhận dữ liệu từ nhiều báo cáo, số lượng startups AI Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, thậm chí Quỹ GenAI Fund dự đoán với sự tăng trưởng quy mô và số lượng doanh nghiệp AI như hiện nay, Việt Nam có thể vượt Singapore về thị phần startups AI trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đang kiến tạo một môi trường thuận lời để startups AI phát triển.
“Dự đoán Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN về số lượng doanh nghiệp AI là điều dễ hiểu. Lĩnh vực AI của Việt Nam đang dần hoàn thiện về cả mặt hàn lâm và ứng dụng công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế,… đặc biệt là thương mại điện tử đang tăng cường ứng dụng AI để giảm tải khối lượng công việc và nâng cao hiệu suất”, GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, cho biết khi trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
Theo nghiên cứu của MarketsandMarkets, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 214,6 tỷ USD trong năm 2024 lên 1.339,1 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 35,7% trong giai đoạn dự báo. Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như chăm sóc sức khỏe, tài chính, sản xuất và bán lẻ đòi hỏi các ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả và trải nghiệm của khách hàng.
Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi
Theo một báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025 với công nghệ AI đóng vai trò trò chơi chính trong sự tăng trưởng này. Những con số trên đã cho thấy một thị trường rộng mở cả trong và ngoài nước để cộng đồng startups AI Việt Nam khai phá và khẳng định năng lực.
Trao đổi với một số startups AI đang hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, nhiều công ty đồng tình rằng nền tảng nghiên cứu công nghệ phát triển sẽ là tiền đề để tạo ra những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Điều này có nghĩa cái nôi của startups cần bắt đầu từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức công nghệ.
Hiện nay Việt Nam đang có khoảng 50 trường đại học đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, hơn 20 tổ chức được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (tính đến tháng 12/2021) cùng hàng trăm các cộng đồng, hiệp hội công nghệ khác...
Sự lớn mạnh của các tổ chức này không chỉ đóng vai trò cung cấp cho các startup kiến thức chuyên môn, cơ hội học hỏi mà còn tạo ra một hệ sinh thái AI mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định đối tác kinh tế quan trọng với nhiều quốc gia. Đây sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội để các startups AI Việt Nam hợp tác với các công ty quốc tế hàng đầu, đồng thời mở rộng hoạt động ra các thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, nhu cầu ứng dụng AI cũng đang bùng nổ, tạo ra tài nguyên để các startups khai thác. Theo báo cáo “Đưa AI vào công việc, thách thức nào đang chờ đợi?” của Microsoft, tại Việt Nam cứ 4 người được khảo sát thì sẽ có 3 người sử dụng AI.
Trong cuộc khảo sát, 88% người tham gia cho biết đã sử dụng AI trong công việc, cao hơn cả mức trung bình của thế giới. Microsoft cũng chỉ ra người lao động ở Việt Nam tự trang bị cho mình các công cụ AI để sử dụng, thay vì chờ đợi sự triển khai từ các công ty và tổ chức.
GS.TS. Chử Đức Trình cho rằng cùng với lợi thế dân số trẻ, yêu thích công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần nhìn nhận lợi ích của tích hợp công nghệ trong đó có AI vào đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng đầu tư công nghệ để tối ưu hoá quy trình và tiết kiệm chi phí. Nhu cầu từ thị trường nội địa đang gia tăng liên tục, đây là “miếng bánh ngon” mà các doanh nghiệp AI Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh “độc bản” để khai thác.
Giải bài toán thiếu vốn và nhân lực AI
“Có nhiều công ty cùng ngành rất mạnh trên thị trường quốc tế nhưng khi thâm nhập thị trường Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh. Trong khi đó, Công ty cổ phần khoa học dữ liệu hay các công ty AI, Big Data khác của Việt Nam có những lợi thế bản địa riêng để làm chủ thị trường”, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công nghệ thông tin của Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu, nhận xét.
Thành lập từ năm 2019, Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu, hiện là công ty đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, đồng thời cũng là doanh nghiệp hiếm hoi sở hữu kho dữ liệu phủ tới 99% các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam và Trung Quốc.
Dưới góc nhìn thực tế từ một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, ông Khánh cho rằng Chính phủ đã có những bước tiến lớn trong hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp AI. “Chúng tôi đang được hưởng lợi khá nhiều từ các chính sách của Chính phủ, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ thủ tục giấy tờ…”.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ phát triển của hệ sinh thái startups Việt Nam trong đó có startups trong lĩnh vực AI, Chính phủ cần bổ sung các cơ chế hỗ trợ tài chính mới, như quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các chương trình vay ưu đãi cho các startup công nghệ cao. Những cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp AI có thêm nguồn lực để phát triển và mở rộng quy mô.
“Đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, nhất là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chắc chắn sẽ không có lãi ngay, nhưng những hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp các doanh nghiệp có nguồn lực phát triển để từ đó tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp AI lớn mạnh”, GS.TS. Chử Đức Trình chia sẻ...