Nhiều ngân hàng ‘nuôi ong tay áo’ trong thẩm định hồ sơ mở thẻ tín dụng
Nhiều ngân hàng chạy đua mở thẻ tín dụng nhưng trong quá trình thẩm định hồ sơ lại lỏng lẻo khiến các nhân viên lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng mất tiền tỷ vì “nuôi cáo trong nhà”
Thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này vừa triệt phá chuyên án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng do Lê Triệu Tấn Thịnh (SN 1995), trú tại quận Bình Tân (TP.HCM) cầm đầu.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, Cục Cảnh sát hình sự phát hiện các đối tượng cấu kết với nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Cụ thể, trong vụ án trên, đối tượng Vũ Thị Phượng (nhân viên một ngân hàng V. Chi nhánh một nhân hàng tại Củ Chi) đã móc nối với các đối tượng làm giấy tờ giả, tìm các khách hàng không đủ điều kiện, sử dụng giấy tờ giả, “biến” thành khách hàng đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng. Khi được ngân hàng giải ngân, các đối tượng chiếm đoạt tiền ngân hàng, rồi chia nhau.
Tương tự, cơ quan điều tra phát hiện ổ nhóm lừa đảo do Nguyễn Văn Khanh (SN 1997), trú tại quận Tân Bình và Tạ Nguyễn Hồng Ân (SN 1998), là nhân viên của một ngân hàng cầm đầu. Tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt nhờ sử dụng giấy tờ giả là 470 triệu đồng…
Nguồn NHNN.
Được biết, thiệt hại của ngân hàng này liên quan nhóm đối tượng trên lên tới 2,85 tỷ đồng. Theo Cục Cảnh sát hình sự, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là ngân hàng sơ hở trong kiểm tra hồ sơ vay vốn. Bộ phận thẩm định, phê duyệt hồ sơ không đối chiếu, lưu giữ bản gốc các tài liệu chứng minh thu nhập của khách vay (chỉ duyệt qua ảnh chụp hoặc bản photo), dẫn đến việc các đối tượng câu kết với nhân viên ngân hàng (bộ phận bán hàng) làm giả, sử dụng tài liệu giả (hợp đồng lao động, sao kê tài khoản chứng minh công ty trả lương...).
Không chỉ ngân hàng V. bị thiệt hại vì lỗ hổng trong quá trình thẩm định hồ sơ, mà một loạt ngân hàng khác cũng mất tiền tỷ vì bị nhân viên hoặc cựu nhân viên qua mặt.
Hồi tháng 4/2024, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội xét xử vụ án các cựu nhân viên ngân hàng lợi dụng kẽ hở trong quy trình thẩm định hồ sơ mở thẻ tín dụng, sử dụng giấy tờ giả mở thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền tỷ.
Theo hồ sơ vụ án, các đối tượng Vương Thị Bích Phượng, Nguyễn Mai Hương, Nguyễn Bích Lâm Mai, Nguyễn Bá Điệp, do nắm bắt được những sơ hở trong việc mở hồ sơ để cấp thẻ tín dụng có hạn mức của các ngân hàng, đã sử dụng giấy tờ giả, sử dụng ảnh cá nhân của mình để mở thẻ tín dụng và chiếm đoạt tiền tại một loạt ngân hàng. Danh sách ngân hàng bị các đối tượng trên chiếm đoạt tiền bao gồm cả các ngân hàng lớn như; VIB, HSBC, Woori Việt Nam, TPBank, MB, OCB, MSB…
Cần siết chặt quy trình mở thẻ tín dụng
Có thể thấy, thời gian qua nhiều ngân hàng đã chạy đua phát hành thẻ tín dụng. Nguyên nhân chính là lãi suất cho vay cao (20-30%), chưa kể nhiều loại phí và lãi phạt khiến việc mở thẻ trở thành miếng bánh béo bở của các ngân hàng.
Tuy nhiên, để mở rộng thị phần, nhiều ngân hàng ra sức “ép” chỉ tiêu thẻ cho nhân viên, bất chấp khách hàng có nhu cầu hay không. Thậm chí, nhiều khách hàng phản ánh bỗng dưng bị mở thẻ tín dụng mà không biết, dù không hề có nhu cầu. Điều này cũng cho thấy sự dễ dãi, lỏng lẻo trong quy trình cấp thẻ tín dụng của ngân hàng. Đây chính là lỗ hổng khiến nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những vụ việc lừa đảo liên quan đến cán bộ, nhân viên ngân hàng cho thấy, rủi ro của ngân hàng không chỉ đến từ đạo đức cán bộ, mà còn do quy trình thẩm định hồ sơ của các ngân hàng đang có vấn đề.
Mở thẻ trở thành miếng bánh béo bở của các ngân hàng.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Intelia cho biết, những sai phạm này ban đầu phải xét trách nhiệm của các nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên thiệt hại của ngân hàng sẽ được giảm thiểu nếu quy trình chuẩn, từng bộ phận làm chuẩn, bởi mỗi bộ hồ sơ không chỉ qua tay một người, mà qua rất nhiều khâu, nhiều bước.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng dữ liệu dân cư đang giúp ngân hàng hạn chế giấy tờ giả, song cùng với sự phát triển của công nghệ, việc ngăn chặn hoàn toàn là rất khó, nhất là khi có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng. Do đó, bản thân các ngân hàng phải thường xuyên rà soát lại quy trình, phát hiện lỗ hổng kịp thời và phải có biện pháp giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo sự tuân thủ của cán bộ, nhân viên.
Riêng với khách hàng, ý thức bảo mật thông tin cá nhân phải nâng cao hơn bao giờ hết, không đưa thông tin bảo mật cho bất kỳ người nào khác, kể cả nhân viên ngân hàng để tránh bị lừa đảo.