Nhựa mới thân thiện với môi trường từ tinh trùng cá hồi
Theo trang Daily Mail (Anh), một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã lấy tinh trùng cá hồi, kết hợp với dầu thực vật, để tạo ra một hỗn hợp chất mềm dẻo, được gọi là hydrogel.
Cụ thể, quá trình này bắt đầu bằng việc chiết xuất những sợi DNA ngắn từ tinh trùng của cá hồi, trộn với một chất hóa học từ dầu thực vật. Chất này được đông khô và tạo thành nhựa. Từ đó, các nhà khoa học có thể tạo ra một số đồ vật có hình dạng khác nhau như cốc, bát…
Toàn bộ quá trình này thải ra ít hơn 5% lượng khí thải carbon so với quá trình sản xuất nhựa truyền thống. Điều đáng ngạc nhiên là loại nhựa này có thể dễ dàng tái chế hơn. Nó có thể phân hủy khi đặt dưới nước và lại biến thành hydrogel, có thể sản xuất ra một vật dụng khác.
Chiếc cốc được làm từ thứ nhựa mới.
Dẫn đầu công trình nghiên cứu trên là giáo sư Dayong Yang. Bằng cách gắn những chuỗi DNA ngắn với chất hóa học chiết xuất từ dầu thực vật, các nhà khoa học tạo ra được một vật liệu nhựa mới mềm và dẻo, thân thiện với môi trường. Được biết, số DNA được lấy từ tinh trùng của cá hồi.
Giáo sư Yang và cộng sự đã thử đổ vật liệu mới vào khuôn, đặt vật liệu trong môi trường lạnh để hút kiệt nước, nhằm đông cứng tổ hợp chất lại thành nhựa. Bằng thứ nhựa mới, nhóm đã thử chế tạo một số đồ vật nhiều hình dáng, và đạt được những kết quả khả quan.
Đây là một nghiên cứu quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng. Mỗi năm, thế giới sản xuất hơn 380 triệu tấn nhựa và hàng ngày, khoảng 8 triệu rác thải nhựa đổ ra đại dương, gây ô nhiễm nước, đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật và thậm chí cả nước uống của chúng ta.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ cho biết nhựa đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc tái chế nhưa đang đòi hỏi yêu cầu rất cao và đầy thách thức. Để giải quyết tình trạng khó xử này, lựa chọn mới là phát triển nhựa sinh học bền vững phù hợp với nỗ lực bảo vệ môi trường.
“Công trình này cung cấp một giải pháp để chuyển đổi hydrogel sinh học thành nhựa sinh học một cách hữu hiệu. Nó cũng chứng minh khả năng tái chế theo chu kỳ của nhựa DNA, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các vật liệu bền vững”, nghiên cứu cho biết.
Khôi Nguyên (T/h)