Những đồ công nghệ “yểu mệnh”

00:00, 18/02/2011

Cùng với sự thành công của nhiều tên tuổi trong năm qua, cũng có không ít các sản phẩm công nghệ được hô hào là đỉnh cao nhưng lại chết yểu ngay trước khi hoặc sau khi ra mắt…

Microsoft KIN: Ở cái thời ai cũng muốn có smartphone thì hiếm ai lại tậu cho mình một thiết bị đơn giản và không chạy được ứng dụng như Kin. Chiếc điện thoại của Microsoft “chết” chính ở chỗ màn hình quá bé, trải nghiệm web thì tệ hại, đó là chưa kể tới giao diện điều khiển người dùng “quái gở” khiến cho không ai muốn cầm chúng trên tay.

 
Đối tượng người dùng mà Kin nhắm tới là giới “teen” nhưng có vẻ như Microsoft đã thất bại cay đắng với sản phẩm này, từ tính năng thiết kế tới đối tượng người dùng hướng tới. Kin đã bị rút khỏi thị trường chỉ sau 48 ngày xuất hiện trên kệ – một thất bại quá sốc với gã khổng lồ Microsoft vốn không quen tới hai từ “thua cuộc” trên thương trường.
 
Augen GenTouch78: Khi Kmart bắt đầu bán ra thị trường chiếc máy tính bảng Augen Gentouch78 với giá 150USD, nhiều phương tiện truyền thông đã tung hô nó và hoang báo về một thời đại tablet mới xuất hiện. CNN còn thậm chí còn nói Augen Gentouch78 sẽ giúp “thu hẹp khoảng cách số”. Thế nhưng, sự “thu hẹp” này còn chưa thấy đâu thì doanh số quá “hẻo” của Augen Gentouch78 lại dự báo về một tương lai ảm đạm của sản phẩm. Chiếc tablet màn hình cảm ứng 7-inch, chạy trên hệ điều hành Android này thất bại như một sự tất yếu.

Archos 9 PCTablet: Chiếc Tablet này đã để lại dư âm “khó quên” cho người dùng. Đáng tiếc đó lại không phải ấn tượng tốt đẹp. Chiếc tablet màn hình 9-inch, sử dụng Windows 7 ngốn bộ nhớ và không được tối ưu đầy đủ, và thời lượng sử dụng pin quá ngắn khiến cho nó không chân trong lựa chọn mua sắm của người dùng. Đó là chưa kể tới việc cạnh phải của Archos 9 nóng tới 50oC trong lúc hoạt động, khiến cho bất cứ người dùng nào, dù là kiên nhẫn nhất cũng phải nản lòng và buộc phải nói lời tạm biệt vì họ không thể cầm một “cục than” trên tay.

Qik Video Chat: Năm vừa rồi, iPhone 4 được tích hợp thêm một tính năng rất thú vị đó là Face Time, giúp người dùng smartphone có thể thực hiện các cuộc đàm thoại hình hoặc chat hình chất lượng cao và trực tiếp. Thế nhưng, người dùng Android lại không có được sự may mắn đó với Qik khi chất lượng cuộc gọi video đối với Skype và Google Talk đều rất tệ. Qik có thể là từ viết tắt của “Quick” (nhanh), ý nói là chat video tốc độ cao. Tuy nhiên, với những gì mà thiết bị này thể hiện thì nó nên bị đổi tên là “Slow” - chậm chạp và rùa bò. Phần ứng dụng của Qik cũng gặp rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như trình diễn slideshow thiếu mượt mà, ảnh bị rạn, và kết nối thường xuyên bị gián đoạn, kể cả khi hoạt động trên mạng Wi-Fi và 3G.

Cisco Flip SlideHD: Khó có thể hình dung ra việc người dùng phải bỏ thêm 100USD so với giá của phiên bản máy quay Flip không có HD khi họ vẫn phải xem video trên chiếc màn hình cảm ứng nhỏ xíu và khó sử dụng như Cisco Flip SlideHD. Chiếc máy quay HD này cũng chỉ có chất lượng video ngang với các loại máy quay Flip khác và dung lượng lưu trữ cũng tương đương. Tuy nhiên, thiết kế bề ngoài quá xấu cộng với giao diện khó sử dụng khiến cho người dùng cảm thấy bối rối với thiết bị này. Ngoài màn hình cảm ứng bên trên, Cisco Flip SlideHD còn có một thanh cảm ứng ngay phía dưới với chức năng tương tự như màn hình cảm ứng khiến cho người dùng dễ bị nhầm lẫn. Không biết Cisco đã nghĩ gì khi thiết kế ra thiết bị này.

JooJoo Tablet: Mới đầu có tên là Crunchpad, JooJoo thực ra là sự hợp tác giữa Techcrunch và một công ty phần cứng nhỏ có tên là Fusion Garage. Tuy nhiên, sau một thời gian trục trặc, Fusion Garage đã quyết định đi theo con đường riêng và đổi tên sản phẩm thành JooJoo chỉ vài tuần trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Thiết bị 12-inch này chỉ có thời lượng pin 2,5 tiếng, ứng dụng thì nghèo nàn và hỗ trợ Flash rất chán. Cảm thấy mọi thứ không suôn sẻ, Fusion Garage đã chấm dứt sản xuất sản phẩm này cách đây ít lâu.

Motorola Backflip: Các fan của Android có thể từng biết tới thiết kế chuyển đổi và bàn phím độc đáo của Backflip. Nhưng họ cũng đủ tỉnh táo để không vơ phải một sản phẩm có cấu hình và tính năng quá tồi như Backflip: hệ điều hành Android 1.5 “lạc hậu”, màn hình độ phân giải thấp, CPU chậm chạp, và không hỗ trợ cảm ứng đa điểm. Ngoài ra, bản thân thiết kế của sản phẩm khiến cho người dùng khó có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Netbook Navigator Nav 9 Slate: Trong danh mục các thiết bị Tablet cài đặt Windows 7, có thể nói Nav 9 xếp hàng “bét” với hiệu suất kém cỏi, giá thì quá đắt, và nhà sản xuất cũng chả chú tâm mấy tới sản phẩm này. Trước khi tung ra thị trường, Netbook Navigator đã trình chiếu đoạn video so sánh Nav 9 với iPad và khẳng định rằng sản phẩm ra sau này có nhiều ưu việt hơn. Thế nhưng, với mức giá 599USD không gồm hệ điều hành, Nav 9 tỏ ra nằm ngoài tầm với của đại đa số người dùng, kể cả những người “dễ tính” nhất. Với màn hình cảm ứng điện trở và thời lượng pin chỉ có 2,5 tiếng, Nav 9 thậm chỉ còn không sánh được với Archos 9, huống hồ gì là iPad.

Google TV: Sự phô trương ầm ĩ của sản phẩm này cũng không giúp nó trụ vững trên thị trường bởi nhiều hạn chế khách quan. Google TV được tích hợp giao diện người dùng đẹp mắt, khả năng tìm kiếm web mạnh mẽ, nhiều ứng dụng và trải nghiệm lướt web phong phú. Thế nhưng, phần lớn các nhà đài lớn như CBS, NBC, ABC, Fox, và Hulu đều khóa không cho truy cập tới kho nội dung của họ. Vậy nên, tuy nội lực của Google TV mạnh nhưng nó vẫn chưa thể làm nên “cơm cháo” gì.

Chu Lan

TIN LIÊN QUAN