Quảng bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng thế giới qua board game "thuần Việt"
Hiện tại, nhiều board game "thuần Việt" đã được khoác chiếc áo mới, mang những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam.
Board game, hay là các bộ trò chơi trên bàn, là một hình thức giải trí được ưa thích trên khắp thế giới. Khi du nhập vào Việt Nam, hàng loạt board game đã được khoác thêm một chiếc áo mới, đó là những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như mâm cỗ ngày Tết, món ăn đường phố hay gánh hàng rong.
Hai bộ cờ tỷ phú đặc biệt có tên gọi Saigonopoly và Hanoiopoly đã được Việt hóa với hình ảnh những hàng quán vỉa hè độc đáo ở mỗi thành phố. Bộ trò chơi khơi gợi bao kỷ niệm cho những người đang sống tại đây hoặc đã đi xa và cũng là lời mời khách du lịch tới thăm hai thành phố này.
Bộ cờ tỷ phú Hanoiopoly (Ảnh: Vietnam Themed Games)
Chị Đào Nguyên Thạch Anh - người thiết kế bộ cờ tỷ phú Saigonopoly và Hanoiopoly - cho biết: "Mình chọn những địa điểm mà mình thực sự rất thích ở hai thành phố, những hình ảnh theo mình là rất đặc trưng. Người ta cảm thấy thực sự là đang dạo xung quanh hai thành phố và đến từng địa điểm nổi tiếng của hai thành phố. Nếu là một người lại chưa bao giờ đến thành phố thì khi chơi bộ cờ, người ta sẽ muốn đến thử những địa điểm này".
Không chỉ Việt hóa các trò chơi nổi tiếng thế giới, các nhà sáng tạo còn nhận ra rằng, hầu như không có một trò chơi văn hóa Việt Nam nào trên bản đồ board game thế giới. Họ quyết định tạo ra những bộ board game thuần Việt, giúp mọi người vừa chơi vừa học về văn hóa. Ví như trong trò chơi Lên mâm, người chơi giống như đang nấu một mâm cỗ Tết.
Anh David Coley - một giáo viên người Mỹ tại Hà Nội - chia sẻ: "Tôi sống ở Việt Nam hơn 3 năm rồi. Một số nguyên liệu trong trò chơi vẫn là điều mới mẻ đối với tôi. Tôi nghĩ rằng đối với những người đã trải nghiệm ẩm thực Việt Nam hoặc đến Việt Nam, đây sẽ là một trò chơi rất tuyệt để tìm hiểu thêm về văn hóa".
Với sự đón nhận của cộng đồng board game, các nhà sáng tạo Việt Nam kỳ vọng sẽ quảng bá văn hóa xa hơn nữa thông qua các trò chơi. Đến nay, một số board game Việt Nam đã được giới thiệu tại các thị trường game lớn như Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần làm để bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về board game Việt.
Châu Anh (T/h)