Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán, vẫn còn rất nhiều vướng mắc

07:05, 31/03/2025

Từ ngày 1/4, các sàn thương mại điện tử sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho các cá nhân, hộ kinh doanh trên nền tảng kinh doanh online. Trước ngày cận kề chính sách có hiệu lực, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng nghị định hướng dẫn thi hành chưa được ban hành dù chỉ còn vài ngày nữa là tới thời điểm quy định có hiệu lực, trong khi vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa được làm rõ.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi), từ ngày 1/4, các sàn thương mại điện tử, bao gồm cả sàn nước ngoài và nền tảng số có chức năng thanh toán, sẽ phải khấu trừ và nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn. Cục thuế, Bộ Tài chính cho biết quy định này nhằm ngăn chặn thất thu thuế, đồng thời giảm bớt chi phí và thủ tục hành chính. Thay vì hàng trăm nghìn cá nhân, hộ kinh doanh phải tự nộp thuế, giờ đây, chỉ cần một đầu mối là các sàn thương mại điện tử sẽ chịu trách nhiệm khai và nộp thuế thay cho tất cả.

Chính sách này không chỉ giúp các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không phải lo lắng về nghĩa vụ thuế, mà còn giúp công tác quản lý thuế trên nền tảng kinh doanh online được cải thiện. Quy định giúp giảm thiểu đầu mối kê khai thuế, góp phần cải cách thủ tục hành chính và là giải pháp để chống thất thu thuế trên nền tảng kinh doanh online.

Tuy nhiên, việc chuyển giao nghĩa vụ kê khai và nộp thuế từ người bán sang sàn thương mại điện tử gặp phải một số khó khăn, do có sự chồng chéo giữa 3 văn bản luật: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử. Hơn nữa, việc 3 văn bản luật có  thời điểm hiệu lực thi hành khác nhau khiến doanh nghiệp bối rối và gặp khó khăn trong việc triển khai chính sách pháp luật về thuế của Nhà nước.

Ông Cáp Quý Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thuế Thương mại điện tử, Cục thuế, Bộ Tài chính cho biết: "Chúng tôi cũng đã thực hiện trong 2 năm nay thu thập thông tin của những người kinh doanh thuộc tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tạo thành một dữ liệu lớn. Từ dữ liệu này chúng tôi chia sẻ và gửi cho các cơ quan thuế các cấp để sàng lọc, nhận diện và thực hiện xử lý truy thu thuế".

Để hỗ trợ cho các sàn thương mại điện tử thuận lợi trong việc kê khai và nộp thuế thay, Chi cục thuế Khu vực I đang xây dựng cổng thông tin điện tử để tiếp nhận hồ sơ, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, như: Ngân hàng nhà nước để lấy thông tin về tài khoản, Bộ công thương để lấy định danh các hộ nhằm quản lý thuế thương mại điện tử hiệu quả hơn, góp phần chống thất thu ngân sách.

Đại diện Shopee cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để tuân thủ quy định trên. Trong thời gian sớm nhất, Shopee cũng sẽ cập nhật hướng dẫn cụ thể tới người bán về luật thuế, thuế suất áp dụng và cơ sở tính thuế khi có nghị định ban hành chính thức; đại diện Lazada cũng cho biết thời gian qua đơn vị này đã và đang tích cực tham gia các cuộc làm việc với cơ quan thuế để chuẩn bị công tác thực thi quy định. Nền tảng bán hàng trực tuyến này cũng tích cực triển khai công tác chuẩn bị nguồn lực và phát triển các tính năng kỹ thuật cần thiết, đồng thời yêu cầu nhà bán hàng cập nhật thông tin và mã số thuế để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ.

Trước đó, ngày 29/11/2024, Quốc hội đã ban hành Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung 9 luật, trong đó có Luật Quản lý thuế năm 2019 (“Luật số 56”). Luật số 56/2024/QH15 quy định thời điểm có hiệu lực của Điều 6.5.b về trách nhiệm của các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc khấu trừ, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn từ ngày 1/4/2025.

Kiến nghị lùi thời điểm áp dụng do thiếu hướng dẫn cụ thể

Trước ngày cận kề chính sách có hiệu lực, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã gửi công văn đến Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, đồng gửi Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và tài chính.

VECOM cho rằng nghị định hướng dẫn thi hành chưa được ban hành dù chỉ còn vài ngày nữa là tới thời điểm quy định có hiệu lực, trong khi vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa được làm rõ liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là các nội dung về kê khai và hoàn thuế.

"Điều này gây hoang mang cho cộng đồng doanh nghiệp quản lý sàn TMĐT cũng như người bán hàng trên các nền tảng TMĐT trong nước và nước ngoài", VECOM cho biết.

Các sàn TMĐT cho rằng cách hiểu và trả lời của các cơ quan thuế ở trung ương và địa phương đang khác nhau. Hơn nữa Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 cũng quy định nền tảng TMĐT khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, nhưng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

VECOM kiến nghị lùi thời điểm có hiệu lực đến 1/7 để phù hợp với Luật Thuế giá trị gia tăng, đồng thời để "cơ quan quản lý và doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị cho công tác thực thi cũng như tuyên truyền, giải đáp về các nghĩa vụ cụ thể và cách thực hiện cho người bán hàng là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh".