Sẽ không có cháu “ ông chú Viettel” nào nếu nhà mạng có trách nhiệm hơn

15:59, 15/01/2015

Chiêu lừa đảo “Ông Chú Viettel” là sự kiện được đông đảo cộng đồng mạng quan tâm nhất trong năm vừa qua. Trong cuộc bầu chọn sự kiện CNTT VT “xấu xí” nhất năm 2014 thì sự kiện này dẫn vị trí đầu bảng các sự kiện xấu xí nhất. Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan chức năng và nhà mạng lại để tình trạng này tồn tại quá lâu như vậy?

Sự thật thủ đoạn này đã tồn tại hơn nữa năm, bản thân nhiều người dùng phản ánh rằng họ nhận được rất nhiều tin nhắn qua điện thoại cũng như trang Facebook về gợi ý trò lừa đảo này.

Tất nhiên là không phải dễ dàng để người dùng tin vào chuyện này, bởi giá trị thẻ nạp được tặng gấp cả chục lần thì chẳng có nhà mạng nào áp dụng cả, và cũng chẳng có nhà mạng nào áp dụng hình thức thưởng này cho nhân viên. Nhưng đến mức các đối tượng còn hack vào địa chỉ Facebook cá nhân của một số thành  viên rồi gửi các tin nhắn kèm hình ảnh minh họa như thật trên màn hình điện thoại đến một số bạn bè thân thiết của chủ tài khoản thì tất nhiên người dùng sẽ bán tính bán nghi về việc này, bởi suy nghĩ chẳng lẽ bạn mình lại lừa mình? Chính bởi suy nghĩ đó mà không ít người dùng đã bị lừa và mất tiền khi nạp thẻ, bản thân kẻ lừa đảo đã thu được hàng chục triệu đồng nhờ vào chiêu thức này.

Mãi đến sau khi cơ quan chức năng bắt được những kẻ giải danh thì nhà mạng mới nhắn tin cảnh báo người dùng về “hiện tượng lừa đảo nạp thẻ được khuyến mãi gấp 10 lần”. Người dùng hoang mang lý do vì sao nhà mang lại im ắng một thời gian lâu như vậy khi mà người người bị lừa, nhà nhà bị lừa bởi chiêu thức này?

Có lẽ câu chuyện “ông chú Viettel” cũng giống chuyện tin nhắn rác phát tán tràn lan gây khổ cho người sử dụng điện thoại di động lâu nay. Khách hàng - những chủ thuê bao - có quyền được sử dụng dịch vụ viễn thông sạch, an toàn, do các nhà mạng cung cấp.

Những trò lừa đảo kiểu này không thể thực hiện được nếu không có nền của nhà mạng nào đó. Các nhà mạng cũng có các bộ phận quản lý dịch vụ, chất lượng mạng, chẳng lẽ không biết, không kiểm soát được tình trạng này sao?

Nhà mạng chỉ cần phát hiện có tin nhắn hoặc thủ đoạn lừa đảo trên mạng của mình, triển khai nhắn tin cảnh báo ngay thì người tiêu dùng sẽ không bị thiệt hại và uy tín nhà mạng cũng tăng cao, điều đó có khó không?

Trong Luật viễn thông hiện nay chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng đối với việc đảm bảo kiểm soát chất lượng an toàn mạng cung cấp đến khách hàng, thế nên để quy trách nhiệm cho các nhà mạng theo lý có lẽ sẽ khó.

Tuy nhiên, mới đây, trước sự phàn nàn của dư luận xã hội, Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành chỉ thị số 82 về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng.

Trong chỉ thị này có đề cập chuyện phải “khẩn trương xây dựng quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trong việc phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn và hạn chế việc phát tán tin nhắn rác, thông tin không lành mạnh, thông tin vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến người sử dụng”.

Chỉ thị cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải “triển khai các đợt nhắn tin tới tất cả thuê bao mạng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao nhận thức về phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng rãi và có tính chất nghiêm trọng”.

Nha Trang.