Sửa đổi thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

07:21, 24/10/2023

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, triển khai thực hiện Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, ngày 27/01/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ.

Qua quá trình thực thi Nghị định đã cho thấy một số vướng mắc, bất cập như: Về thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thống nhất với quy định của Luật Khoa học và công nghệ.

Điều 31 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và công nghệ về nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp, tuy nhiên chưa có quy định về trình tự, thủ tục giao trực tiếp.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Thông tư của Bộ trưởng không được quy định thủ tục hành chính, trừ trường hợp được Luật giao. Vì vậy, cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 08/2014/NĐ-CP.

Một số thủ tục hành chính tại Nghị định số 08/2014/NĐ-CP có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp và cần được bãi bỏ, cụ thể: - Thủ tục cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài (Điều 7); thủ tục cấp Giấy phép thành lập lần đầu cho văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam (Điều 21).

Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ được Chính phủ ban hành ngày 15/5/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Trong đó, quy định về công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu tại Điều 18; hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư tại Điều 20...

Sau 05 năm triển khai thi hành, các quy định trên vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong thực tiễn một phần do tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, một phần chưa được phân cấp giải quyết thủ tục hành chính.

Để khắc phục vướng mắc, bất cập qua quá trình thực thi Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị định này là cần thiết.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung

Mục đích xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 76/2018/NĐ-CP và Nghị định 08/2014/NĐ-CP nhằm sửa đổi thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thống nhất với quy định của Luật Khoa học và công nghệ.

Quy định trình tự, thủ tục giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không cần thiết trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực khoa học và công nghệ; phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 25, khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 27 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP về thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thống nhất với quy định của Luật Khoa học và công nghệ.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, bổ sung nội dung “Trình tự, thủ tục giao trực tiếp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về trình tự, thủ tục tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”. Quy định như dự thảo là hợp lý vì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền quy định thủ tục hành chính tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (theo khoản 7 Điều 29 Luật Khoa học và công nghệ). Ngoài ra, về hồ sơ, thời hạn, quy trình giải quyết giao trực tiếp đều có sự tương đồng với thủ tục tuyển chọn.

Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 7, điểm đ khoản 2, điểm đ khoản 3 Điều 21 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 4 Điều 43 Nghị định 76/2018/NĐ-CP để phân cấp thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính: công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu; hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư; mua sáng chế, sáng kiến; hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Theo dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho Sở Khoa học và Công nghệ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/sua-doi-tham-quyen-phe-duyet-ky-hop-dong-thuc-hien-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-102231024094053803.htm