Tài khoản trực tuyến khi người sử dụng qua đời?

07:42, 25/07/2012

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình điều gì sẽ xảy ra với các tài khoản trực tuyến của bạn khi bạn qua đời? Có phải rằng, các thông tin trong các tài khoản trực tuyến đó (email, mạng xã hội, lưu trữ…) đều sẽ bị khoá vĩnh viễn và không ai có thể tiếp nhận lại các dữ liệu đó? Nếu quả thật là như vậy, thì đó quả là “thảm hoạ”, khi các tài liệu quý giá của bạn lưu trữ có thể sẽ tan theo mây khói vì đồng nghiệp cũng như người thân không thể tiếp cận được chúng. Hầu hết các dịch vụ web đều có những chính sách khác nhau khi chủ của các tài khoản qua đời. Chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề này đối với các dịch vụ phổ biến như Gmail, Hotmail, Yahoo! Mail, Facebook… và cách giải quyết vấn đề này, không chỉ dành cho bạn ở vị thế người qua đời mà còn giúp ích khi bạn là thân nhân của người quá cố.

1. Những chính sách của các dịch vụ khi chủ tài khoản qua đời
Những cách dành cho người thân để lấy lại thông tin từ tài khoản người quá cố khá nhiêu khê, và thực hiện phần lớn bằng tiếng Anh. Sau đây là những cách dành cho một số dịch vụ phổ biến:
● Gmail
Nếu bạn có một tài khoản Gmail và bạn qua đời, người thân của bạn sẽ được phép truy cập vào dữ liệu email của bạn. Thân nhân của người quá cố có thể lưu giữ các tài liệu trong tài khoản Gmail hoặc họ có thể yêu cầu xoá tài khoản đó. Khi bạn qua đời, người thân của bạn để có được quyền truy cập tài khoản Gmail của bạn, người đó sẽ cần phải cung cấp các thông tin qua fax hoặc thư giấy cho Google. Những thông tin này mang tính pháp lí rất cao, nên phải gửi dưới dạng tài liệu vật lí (fax, thư giấy) chứ không đơn thuần qua email. Người thân có thể truy cập vào địa chỉ trang hỗ trợ của Google và tham khảo thêm các thông tin. Những thông tin mà ngưởi thân phải cung cấp trong thư gửi về Google bao gồm:
- Tên của người thân, địa chỉ liên lạc và email của người đó.
- Email của người qua cố.
- Nội dung một email (bao gồm cả tiêu đề và toàn bộ nội dung đầu đủ) mà người quá cố đã gửi cho bạn.
- Bằng chứng của việc người thân sở hữu email (bản sao giấy báo tử).
- Tài liệu chứng minh rằng người thân của người quá cố được phép truy cập email của ngưởi đó hợp pháp, chẳng hạn như văn bản chứng minh ngưởi đó có quyền thừa hưởng những gì để lại của người mất (nếu người quá cố trên 18 tuổi). Nếu người quá cố là người dưới 18 tuổi, người thân phải cung cấp giấy khai sinh của người quá cố đó. 
Sau khi bạn đã biên soạn các thông tin, nếu hợp lệ thì sau tối đa 30 ngày, Google sẽ kiểm tra và cấp cho bạn truy cập vào tài khoản người dùng đã mất. Cũng chính vì điều này, nếu bạn có thông tin cá nhân mà bạn không muốn mọi người biết được sau khi bạn đã chết, bạn không nên lưu trữ chúng trong Gmail (sử dụng thay thế bằng dịch vụ khác).
● Hotmail
Nếu một tài khoản Hotmail không được sử dụng trong một thời gian nhất định, tài khoản email đó cùng với tất cả thông tin đều bị xóa và do đó, bạn sẽ không thể truy cập vào tài khoản đó nữa. Nếu bạn qua đời, thân nhân của bạn sẽ được cấp quyền truy cập vào tài khoản của bạn nếu thân nhân cung cấp được các tài liệu như giấy chứng tử (tương tự như yêu cầu của Google). Cho đến thời điểm hiện tại, người thân chỉ có thể được phép truy cập vào tài khoản Hotmail hoặc MSN Hotmail (email có hậu tố @hotmail.com, @live.com, @windowslive.com, @msn.com) của người quá cố chứ chưa thể làm vậy với các tài khoản SkyDrive, MSN Dial-up, hoặc Xbox Live.
Để bắt đầu tiến hành lấy quyền truy cập, người thân gửi email về địa chỉ msrecord@microsoft.com, đề nghị lấy lại quyền truy cập một tài khoản Hotmail nào đó. Sau đó, người thân sẽ được hướng dẫn cung cấp nhiều thông tin pháp lí như:
- Địa chỉ email của người thân.
- Địa chỉ nơi ở của người thân đó (để Hotmail gửi thông tin tài khoản về).
- Tài liệu chứng minh người đó có quyền thừa hưởng những gì người quá cố để lại.
- Bản sao chứng minh thư của người đó.
- Bản sao giấy báo tử của người quá cố.
- Thông tin về chủ tài khoản quá cố như họ và tên, ngày sinh, thành phố, tiểu bang, mã zip, thời điểm tạo tài khoản và ngày gần đúng của lần truy cập gần nhất.
- …
Những thông tin đó có thể được gửi qua email (kèm bản scan các tài liệu pháp lí), thư giấy hoặc fax. Bạn có thể tham khảo thêm về các thông tin này tại trang trả lời của Microsoft
Trước khi gửi các thông tin này, nếu giỏi tiếng Anh, bạn có thể gửi câu hỏi lên Hotmail Forum để tham khảo thêm từ ý kiến cộng đồng về vấn đề này. Lưu ý: câu hỏi của bạn sẽ được hiển thị công khai, vì vậy bạn không được cung cấp bất kì một thông tin bảo mật nào trong nội dung câu hỏi. 
● Yahoo! Mail
Yahoo! không có bất kì chính sách nào cho phép người thân truy cập vào tài khoản người quá cố. Nếu bạn muốn đảm bảo không ai có quyền truy cập vào email của bạn khi bạn qua đời, hãy chọn Yahoo! Mail. Yahoo! sẽ không cho phép bất cứ ai truy cập tài khoản người dùng đã chết mà chỉ có thể cho phép xoá tài khoản đó. Nếu muốn để lại tài khoản của bạn cho ai đó sau khi qua đời, bạn hãy tham khảo những cách phần sau bài viết.
● Facebook
Cho đến thời điểm hiện tại, việc người thân truy cập tài khoản Facebook người quá cố chỉ được xem xét tại một số bang của Mĩ. Facebook không cho phép bất cứ ai truy cập tài khoản của người dùng quá cố, nhưng nếu chủ tài khoản đã chết, trang của họ sẽ được biến thành một trang tưởng niệm sau khi được người khác gửi yêu cầu. Người thân có thể truy cập vào địa chỉ này để gửi yêu cầu, Facebook sẽ loại bỏ thông tin nhạy cảm về tài khoản đó và sẽ chỉ cho phép những người bạn hiện tại của người đó truy cập trang của họ. Trong trang yêu cầu, bạn lần lược điền các thông tin cần thiết như tên (Full name), email (Email addresses listed…), địa chỉ trang Facebook của người quá cố (Web address (URL) of…), quan hệ của bạn với người đó (Relationship to the person), bằng chứng người đã chết (Proof of death)… rồi bấm nút Send. 
Một thực tế là do mạng xã hội mới xuất hiện vài năm gần đây, và người dùng hầu như còn trẻ tuổi. Chỉ khoảng 6% người sử dụng Facebook có tuổi đời trên 65, còn tuổi trung bình của người sử dụng là 38. Vì vậy, người dùng chưa nghĩ đến tuổi già cũng như lúc họ chết đi, và tài khoản trực tuyến của họ sẽ lưu lại như thế nào. Điều này có thể thay đổi khi những người dùng hiện nay ngày càng già và đối diện với thời điểm gần đất xa trời. Còn nếu bạn là người thân của người quá cố và muốn tiếp cận tài khoản của họ, điều đầu tiên không phải là thực hiện những cách có vẻ khá rối rắm trên, mà bạn hãy thử reset lại password tài khoản của người đó. Có thể một số thông tin bảo mật của người quá cố chỉ có thể được biết bởi người thân của họ mà thôi.

2. Lo xa lập “di chúc” cho tài khoản trực tuyến
Có một dịch vụ giúp bạn để lại các thông tin tài khoản trực tuyến của mình sau khi qua đời, đó là If I Die.
Cách thức hoạt động của dịch vụ như sau: bạn sẽ soạn thảo di chúc (hoặc thư thông tin về các tài khoản trực tuyến) và chúng sẽ được lưu trữ mã hoá an toàn bằng một mật khẩu đặc biệt của bạn. Không ai có thể đọc nội dung di chúc của bạn trong khi bạn vẫn còn sống. Nếu ai đó cố gắng để đọc chúng, dịch vụ sẽ bắt đầu một quá trình để xác định rằng thực tế bạn đã qua đời hay chưa. Đầu tiên, trong vòng hai tuần, If I Die sẽ gửi cho bạn mỗi ngày một email. Đến khi bạn trả lời email, những di chúc bạn lưu trên dịch vụ sẽ tiếp tục được khoá lại. Còn nếu trong vòng hai tuần mà bạn không trả lời, If I Die sẽ cố gắng liên hệ với tối đa năm người bạn thân nhất (dựa trên thông tin bạn cung cấp cho dịch vụ) mỗi ngày trong hai tuần tiếp theo. Nếu bất kì người trong số họ trả lời rằng bạn đang sống, di chúc của bạn sẽ tiếp tục được khoá lại. Chỉ khi nào bạn không hổi đáp email của dịch vụ và những người thân của bạn đều trả lời rằng bạn đã chết, những di chúc đó mới được mở khoá và công bố.
Đầu tiên, bạn bấm vào đây để đăng kí tài khoản. Việc đăng kí khá đơn giản, bạn chỉ việc nhập các thông tin tương ứng ở các trường, đánh dấu vào mục I agree to the Terms of Service and Privacy Policy rồi bấm nút Create Account để tạo tài khoản. 
Sau khi tạo xong tài khoản, bạn cần vào hộp mail (địa chỉ email khai báo lúc đăng kí) để nhận email dịch vụ gửi về và bấm vào link xác nhận tài khoản của bạn được gửi trong đó. Sau đó, bạn truy cập lại trang chủ, bấm vào chữ Sign in phía trên rồi tiến hành đăng nhập. Sau khi đăng nhập, trong trang chủ bạn bấm vào mục Settings rồi bấm vào chữ Update SafeGuard information phía dưới. 
Tại đây, bạn sẽ nhập thông tin về người mà bạn uỷ thác nhận di chúc cùng nội dung mà bạn nhắn với người đó về việc bạn lập di chúc tại đây. Bạn nhập vào các thông tin tương ứng, sau đó bấm nút Add new SafeGuard để dịch vụ gửi email đi. 
Sau khi người được uỷ thác nhận email của dịch vụ, người đó sẽ chập nhận hoặc không chấp nhận được uỷ thác bằng 2 link trong nội dung email.
Sau đó, đế viết di chúc, sau khi đăng nhập, bạn vào địa chỉ https://ifidie.org/notes/new, tiến hành nhập nội dung rồi bấm Save and Proceed để đến bước tiếp theo. 
Ở các bước tiếp theo, bạn tiến hành nhập email của những người được uỷ thác và hoàn thành. Người được uỷ thác sẽ nhận email thông báo rằng bạn vừa để lại di chúc trên dịch vụ, và nếu bạn qua đời, người đó có thể bấm vào link trong email đó để đến trang yêu cầu nhận lại di chúc của bạn.
 

Tịnh Hà