Tăng tốc thi công nhiều gói thầu chống hạn mặn
Nhiều dự án đồng loạt triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Khi các công trình này được đưa vào vận hành sẽ góp phần ứng phó, chủ động kiểm soát xâm nhập mặn.
Cả chủ đầu tư và nhà thầu cùng tăng tốc
Báo Đấu thầu thông tin, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều gói thầu ứng phó hạn mặn đã lựa chọn được nhà thầu và đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án 2 là đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu ST-CW-03 Thi công xây dựng khôi phục rừng ngập mặn ven biển thuộc Tiểu dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung.
Gói thầu trị giá hơn 22,922 tỷ đồng được giao cho Liên danh Công ty CP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ xanh - Công ty CP Xây dựng và Sinh thái thủy lợi triển khai thi công từ cuối năm 2019. Thời gian thi công của gói thầu này là 1.137 ngày.
Tại Kiên Giang, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, Gói thầu KG-CW-03 Xây dựng cống Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Mười huyện An Minh cũng đang được chủ đầu tư và nhà thầu đôn đốc thi công. Gói thầu có giá 104,019 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại An - Công ty CP Việt Tân Giang - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường An thi công.
Cũng tại chủ đầu tư này, Liên danh Công ty TNHH MTV Trần Trân - Công ty CP Hassyu Việt Nam - Công ty CP Cơ khí và Xây lắp 276 đang tăng cường nhân công, vật lực để triển khai các hạng mục thuộc Gói thầu KG-CW-01 Xây dựng cống Thứ Ba, Thứ Sáu huyện An Biên quy mô gần 124 tỷ đồng.
Một số công trình thủy lợi đang được tỉnh Bến Tre yêu cầu các nhà thầu khẩn trương thi công như: đắp khẩn cấp các đập tạm trên kênh Sông Mã và đập tạm trên kênh Xáng, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre; đập tạm trên kênh Cây Da, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (đã hoàn thành); đập tạm trên sông Ba Lai; mua sắm các thuyền bơm (phục vụ bơm cấp nước cho hồ chứa tạm trên sông Ba Lai); nạo vét kênh Sông Mã và nhiều tuyến kênh khác…
Những ngày này, tại công trình cống Vũng Liêm kết hợp cầu giao thông của tỉnh Vĩnh Long, những hạng mục cuối cùng đang được các nhà thầu dồn sức hoàn thiện. Đây là gói thầu thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít, giúp ngăn mặn, trữ ngọt cho hệ thống thủy lợi Nam sông Mang Thít.
Tình trạng xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của hàng chục triệu người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Không để mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ
Trong bối cảnh hạn mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của hàng chục triệu người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đặt mục tiêu không để tình trạng chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Tại Dự án Quản lý nước Bến Tre - dự án quan trọng đối với việc phòng, chống hạn mặn với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, dự án này cần được triển khai sớm. Do vậy, các đơn vị, địa phương, cơ quan liên quan cần tập trung, khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trước hết là đối với 4 công trình cống Bến Rớ, Tân Phú, Thủ Cửu, Cái Quao.
Các hạng mục công trình chính của Dự án bao gồm 8 cống: Bến Rớ, Tân Phú, An Hóa (Châu Thành), Bến Tre (TP. Bến Tre), Thủ Cửu (Giồng Trôm), Vàm Nước Trong, Vàm Thơm, Cái Quao (Mỏ Cày Nam) và 4 âu thuyền. Trong đó, 4 công trình cống Tân Phú, Bến Rớ, Cái Quao, Thủ Cửu sẽ triển khai ngay trong năm 2020. Diện tích thu hồi đất dự kiến trên 50.000 m2.
Dự kiến bàn giao mặt bằng thi công cống Tân Phú, Bến Rớ trong tháng 10/2020; bàn giao mặt bằng thi công cống Thủ Cửu, Cái Quao trong tháng 2/2021. Các cống còn lại sẽ bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2021.
Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh này đang tiến hành thẩm định phương án xác định giá đất cụ thể cho một số công trình, dự án, trong đó có Tiểu dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung. Đây là cơ sở tính tiền bồi thường đối với từng công trình, dự án, qua đó đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thuỳ CHi/TH