Tập đoàn FPT dồn lực cho lĩnh vực bán dẫn: Việt Nam là quốc gia "được chọn"

09:05, 15/04/2024

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch FPT Education vừa tiết lộ Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT) sẽ xuất khẩu 70 triệu chip bán dẫn chuyên dùng cho các thiết bị y tế, ứng dụng điện tử sang Nhật Bản, Hàn Quốc trong giai đoạn 2024 - 2025.

Xuất khẩu 70 triệu chip bán dẫn sang Nhật Bản và Hàn Quốc

Các diễn giả chia sẻ về triển vọng lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn tại Tọa đàm.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai" do FPT Jetking phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT (FPT Education) cho biết, Tập đoàn FPT (mã cổ phiếu FPT - sàn HoSE) sẽ xuất khẩu 70 triệu chip bán dẫn sang Nhật Bản và Hàn Quốc.

Số chip này chuyên dùng cho các thiết bị y tế và các ứng dụng điện tử, dự kiến sẽ được chuyển giao cho các khách hàng trong năm nay và năm 2025. Ông Hoàng Nam Tiến cũng cho biết, các mẫu chip này là do FPT Semiconductor, đơn vị chuyên phụ trách lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn FPT, triển khai thiết kế, sau đó đưa sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói.

Hiện nay, FPT Semiconductor và Viettel High Tech là hai doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có khả năng thiết kế chip bán dẫn. Hai doanh nghiệp này cũng đang hướng tới việc tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.

Về triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Hoàng Nam Tiến nhận định, chỉ trong vòng 5 năm nữa, thế giới sẽ phải nhắc đến Việt Nam khi đề cập đến công nghiệp bán dẫn. Lý giải về nhận định này, ông Hoàng Nam Tiến cho biết, người Việt vốn có tính kiên trì, kiên nhẫn trong làm việc học tập. Giới trẻ Việt Nam có khả năng tự học những kiến thức mới và học rất nhanh.

Việc đưa giáo dục STEM (các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vào các chương trình học từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ là nền tảng cho các kỹ sư thiết kế chip trong tương lai.

Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, với chương trình đào tạo về thiết kế bán dẫn của FPT Jetking, thì các sinh viên chỉ sau 4 học kỳ (14-16 tháng) là có thể làm việc tại các cơ sở về bán dẫn.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Harsh Bharwani - CEO Tập đoàn Jetking (hơn 75 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo công nghệ) cho biết, hiện nay giá trị ngành chip trên toàn cầu là 500 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên gần gấp 4 lần là 1.800 tỷ USD trong những năm tới, kéo theo nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực.

Ông Harsh Bharwani kỳ vọng việc đào tạo học sinh, sinh viên tại Việt Nam để phục vụ ngành công nghiệp tỉ đô này sẽ có tiềm năng lớn trong khoảng 10 năm tiếp theo.

"Việt Nam có nhiều thế mạnh trong thiết kế chip với quy mô dân số trẻ và phát triển mạnh. Giới trẻ có trình độ hiểu biết và sử dụng công nghệ nhanh. Để đáp ứng yêu cầu từ những nhà sản xuất lớn, các bạn sẽ cần cải thiện về ngoại ngữ (tiếng Anh), tầm nhìn về kinh tế toàn cầu, những công nghệ mới về thiết kế chip, trí tuệ nhân tạo… Đồng thời, khi học bất kỳ công nghệ nào cũng cần làm tốt cả ở lý thuyết và thực hành," - ông Harsh Bharwani nói.

Các chuyên gia tham dự Tọa đàm cùng nhận định với việc Tập đoàn FPT xuất khẩu lượng lớn chip bán dẫn đến Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội lớn để đưa Việt Nam dần trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam “được chọn” để phát triển lĩnh vực bán dẫn

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh việc Tập đoàn FPT sẽ tập trung phát triển lĩnh vực bán dẫn do đây được xem là “lĩnh vực quyết định lịch sử của nhân loài” trong ít nhất 25 năm tới đây.

Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh Việt Nam đang được nhiều tập đoàn đa quốc gia cân nhắc lựa chọn để xây dựng cứ điểm sản xuất phục vụ chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Giải thích vì sao Việt Nam “được chọn”, ông Trương Gia Bình cho biết, có một lý do rất quan trọng là nguồn nhân lực. Các quốc gia, vùng lãnh thổ nổi tiếng về bán dẫn bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Bằng chứng là năm 2022, Đài Loan (Trung Quốc) đã vượt GDP đầu người Nhật Bản. Tuy nhiên sau này, lao động tại các nơi này này lại không chọn làm bán dẫn nữa.

“Chính vì vậy, ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực,” lãnh đạo Tập đoàn FPT nói.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ông Trương Gia Bình chia sẻ, Đài Loan hiện đang xây dựng 40 nhà máy bán dẫn, năm nay khai trương 13 nhà máy bán dẫn nhưng không có lao động. Một công ty hàng đầu về làm bán dẫn ở đây chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu về lao động. Tương tự, Hàn Quốc đang xây dựng cả thành phố bán dẫn nhưng không có người. Còn Nhật Bản đã “đánh rơi” nghề sản xuất bán dẫn và họ đang quyết tâm tái xây dựng...

“Tóm lại, riêng ngành bán dẫn hiện đang thiếu một triệu lao động. Và đường vào ngành bán dẫn này chính là cung ứng nguồn lao động. Ngành này có quy luật rất khó, không phải ai cũng có đủ nhiệt huyết, đam mê để theo đuổi. Tuy nhiên người Việt Nam với đức tính ham học hỏi, khát khao vươn lên làm giàu, tôi tin chúng ta sẽ làm được. Như FPT cách đây 20 năm từ không biết gì nhưng đã nghĩ rằng phần mềm là ngành phải làm,” ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Chia sẻ về chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, Chủ tịch Tập đoàn FPT tiết lộ Tập đoàn đã có các thoả thuận về cung ứng nhân sự cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn trên thế giới và đang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn, bao gồm đào tạo cả các chứng chỉ chuyển đổi ngắn hạn từ các ngành liên quan như Điện tử, Viễn thông… Đồng thời, mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn.

Theo Tạp chí Công Thương

https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tap-doan-fpt-don-luc-cho-linh-vuc-ban-dan-viet-nam-la-quoc-gia-duoc-chon-119644.htm