Temu và câu chuyện "con dao hai lưỡi" của hàng siêu rẻ

15:31, 22/10/2024

Sàn thương mại điện tử Temu đang tạo nên cơn sốt mua sắm với những mặt hàng giá rẻ đến mức khó tin. Tuy nhiên, đằng sau những lời chào mời hấp dẫn ẩn chứa nhiều vấn đề mà người tiêu dùng cần cân nhắc trước khi "mở ví".

Temu đổ bộ thị trường Việt

Sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới Temu đang “âm thầm” tiến vào thị trường Việt. Hiện phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng và thanh toán bằng Google Pay, Visa, MasterCard....

Từ tuần trước, Temu đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên Internet và các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram tại Việt Nam. Người dùng Internet trong nước dễ dàng bắt gặp các quảng cáo của Temu với lời mời cài đặt ứng dụng để mua hàng giá rẻ.

Khi truy cập vào trang web chính thức hoặc cài đặt ứng dụng Temu, người dùng sẽ thấy giao diện có tiếng Việt và mức giá sản phẩm được quy đổi sang Việt Nam đồng, cho thấy Temu đã phát triển trang web và ứng dụng dành riêng cho thị trường Việt Nam.

Người dùng Internet trong nước dễ dàng bắt gặp các quảng cáo của Temu với lời mời cài đặt ứng dụng để mua hàng giá rẻ.

Việc Temu "đổ bộ" thị trường Việt Nam là một điều bất ngờ, khi công ty mẹ PDD Holdings chưa đưa ra bất kỳ thông báo hoặc bình luận nào về điều này.

Trên website của Temu Việt Nam, giá các sản phẩm đã được hiện thị bằng đồng Việt Nam và được khách hàng gắn “sao” để đánh giá. Quá trình giao hàng đến Việt Nam cũng chỉ mất 4-7 ngày và được miễn phí vận chuyển tất cả đơn hàng.

Temu nhanh chóng thu hút người tiêu dùng Việt nhờ cung cấp các sản phẩm có giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử đến đồ gia dụng, thời trang… Điều đáng chú ý là nhiều mặt hàng rao bán trên Temu có giá rất rẻ, có sản phẩm được giảm giá 2-3 lần so với gia thành, hoặc được khuyến mại tới 90%.

Điều này khiến không ít người tiêu dùng có thắc mắc “vì sao Temu lại rẻ như vậy”, “liệu chất lượng hàng hoá có đảm bảo không” hay “Temu có phải trang lừa đảo không?”

Bí mật của những mức giá "không tưởng"

Được biết, Temu áp dụng mô hình kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng (M2C), loại bỏ các khâu trung gian như nhà nhập khẩu, nhà phân phối, đại lý... Điều này giúp giảm đáng kể chi phí sản phẩm, từ đó giảm giá thành mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Temu chính là "con đẻ" của Pinduoduo - một trong những "ông lớn" thương mại điện tử tại Trung Quốc, do đó được thừa hưởng mạng lưới nhà cung cấp rộng lớn và chuỗi cung ứng hiệu quả. Điều này giúp Temu có nguồn hàng dồi dào với giá thành rẻ và quản lý kho hàng tốt hơn.

Thay vì chi mạnh tay cho quảng cáo trên các nền tảng lớn, Temu lựa chọn chiến lược tăng trưởng tự nhiên thông qua tiếp thị truyền miệng (word-of-mouth) và lan truyền trên mạng xã hội. Người dùng chia sẻ thông tin về Temu và các ưu đãi của nền tảng này cho bạn bè, người thân, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Cách làm này giúp Temu tiết kiệm đáng kể chi phí marketing.

Theo nhiều chuyên gia, Temu đang áp dụng chính sách trợ giá để thu hút người dùng mới và cạnh tranh với các đối thủ. Temu có thể chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn trong giai đoạn đầu để nhanh chóng mở rộng thị phần.

Phần lớn sản phẩm trên Temu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp và nguồn lao động dồi dào. Điều này cũng góp phần giảm giá thành sản phẩm.

Cẩn trọng "tiền mất tật mang" khi mua hàng giá rẻ

Nhiều mặt hàng rao bán trên Temu có giá rất rẻ.

Tuy nhiên, đi cùng với giá rẻ là những bất cập về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Nhiều người dùng phản ánh hàng hóa nhận được không đúng như mô tả, chất lượng kém, thậm chí là hàng nhái.

Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước. Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra.

Chính sách hoàn trả của Temu cũng được cho là khá "mập mờ". Mặc dù quảng cáo cho phép đổi trả trong vòng 90 ngày, nhưng trên thực tế, việc hoàn trả gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khách hàng quốc tế. Nhiều trường hợp khách hàng phải tự chịu phí vận chuyển khi đổi trả hàng.

Một số chuyên gia cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin khi mua hàng trên Temu. Nền tảng này yêu cầu người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân, bao gồm cả thông tin thanh toán. Nếu không được bảo mật tốt, những thông tin này có thể bị lộ ra ngoài, gây thiệt hại cho người dùng.