Thi tốt nghiệp THPT: Hạn cuối cho môn thi tự chọn là 7/5

11:05, 04/04/2014

Vừa mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã gửi văn bản đến các Sở GD-ĐT, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014, theo đó, thời hạn cuối cùng để đăng ký môn thi tự chọn là ngày 7/5.

Thời hạn cuối đăng ký môn tự chọn: Ngày 7/5

Theo văn bản này, từ ngày 25/4 - 7/5, các trường phổ thông tổ chức thu phiếu đăng ký dự thi, hồ sơ đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm máy tính. Chậm nhất là ngày 10/5, các trường phổ thông phải hoàn chỉnh các công việc trên, bàn giao danh sách thí sinh đăng ký dự thi cho Sở GD-ĐT, đồng thời chịu trách nhiệm bảo quản hồ sơ và danh sách thí sinh đăng ký dự thi để trích xuất kịp thời, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu sửa chữa nếu có.  

Ngày 7/5 là hết hạn đăng ký dự thi (tức các môn tự chọn). Sau thời điểm này, thí sinh không được đổi môn thi tự chọn.

Năm 2014, Bộ GD-ĐT có nhiều đổi mới trong vấn đề thi cử.

Trường phổ thông có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của từng thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ và thông báo trực tiếp cho thí sinh.

Trước ngày 20/5, các trường phổ thông nhận danh sách các Hội đồng coi thi, danh sách thí sinh dự thi theo trường. Hiệu trưởng trường phổ thông có trách nhiệm rà soát, xác nhận tính chính xác của các thông tin, sau đó nộp lại Sở GD-ĐT và niêm yết các danh sách để thông báo cho thí sinh.

Khu vực in sao đề thi phải an toàn, cách ly theo 3 vòng độc lập

Khu vực in sao đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy.

Đây là yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với các Sở GD-ĐT trong việc tổ chức in sao đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Bộ GD-ĐT cũng quán triệt, việc in sao đề thi thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo 3 vòng độc lập, những người làm việc trong khu vực in sao đề thi chỉ được hoạt động trong phạm vi không gian cho phép. Cụ thể:

Vòng 1 - Vòng in sao đề thi: Chỉ gồm có các cán bộ in sao đề thi, tiếp xúc trực tiếp với đề thi, là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài từ khi mở đề thi gốc và bắt đầu in sao đến khi thi xong môn cuối cùng. Cửa sổ các phòng phải đóng kín và niêm phong, các khoảng trống thông ra bên ngoài phải bịt kín bằng vật liệu bền, chắc. Hàng ngày, cán bộ ở vòng 1 tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng 2.

Vòng 2 - Vòng bảo vệ trong: Chỉ gồm 1-2 cán bộ an ninh bảo vệ và 1 cán bộ thanh tra trong đoàn thanh tra, là khu vực khép kín, tiếp giáp với vòng 1, cách ly tuyệt đối với bên ngoài đến khi thi xong môn cuối cùng và là đầu mối giao tiếp giữa vòng 3 với vòng 1. Những người làm việc ở vòng 2 có nhiệm vụ tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ vòng 3 chuyển vào vòng 1, kiểm tra các đồ vật từ vòng 1 chuyển ra (bát đũa, đồ ăn, đồ uống…).

Vòng 3 - Vòng bảo vệ ngoài: Tiếp giáp với vòng 2, gồm công an và nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ và là đầu mối giao tiếp giữa vòng 2 với bên ngoài, đảm bảo tối thiểu 2 người trực và phải trực 24/24 giờ.

Người không có trách nhiệm, tuyệt đối không được vào khu vực in sao đề thi. Trong khu vực in sao đề thi, không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ 1 điện thoại cố định có loa ngoài đặt tại vòng 2, được cán bộ công an kiểm soát 24/24 giờ. Mọi cuộc liên lạc đều phải bật loa ngoài, phải ghi biên bản hoặc ghi âm.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đề thi

Bộ cũng nhấn mạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tiếp nhận bì đề thi gốc còn nguyên niêm phong của Bộ GD-ĐT; Quy định thời gian in sao đề thi, số lượng đề thi in sao, chuyển giao đề thi gốc còn nguyên niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng in sao đề thi; Tiếp nhận đề thi in sao đã được niêm phong; Tổ chức chuyển đề thi đã được niêm phong đến các Hội đồng coi thi và đảm bảo an toàn, bí mật cho đề thi trong quá trình vận chuyển.

Trước khi in sao đề thi, Chủ tịch Hội đồng in sao đề thi phải kiểm tra đảm bảo có các phương tiện thiết bị phục vụ in sao đề thi như: Máy photo siêu tốc, máy sắp xếp tài liệu và máy đếm trang (nếu có)... Khi kiểm tra phải lập biên bản đảm bảo các máy máy móc, thiết bị không gắn bộ phận thu phát và không nối mạng Internet. Mọi phương tiện, thiết bị, vật tư trong khu vực in sao dù bị hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly khi thi xong môn thi cuối cùng của kỳ thi.

Trong quy trình in sao, phải cử người đọc kiểm tra đề thi gốc trước khi nhân bản, rà soát thật kỹ, tránh nhầm lẫn, sai sót và khắc phục lỗi mất ký tự hoặc ký tự lạ bất hợp lý (nếu có) trong đề thi. Tất cả các đề thi phải được in sao rõ ràng, chính xác, đảm bảo đủ số lượng đề thi cho thí sinh, đề thi được niêm phong đến từng phòng thi. In sao đề thi các môn theo số lượng được giao.

Việc in sao đề thi phải được thực hiện theo kiểu cuốn chiếu: In sao đề thi lần lượt cho từng môn thi theo lịch thi. In sao xong, vào bì, niêm phong, đóng gói đến từng phòng thi, thu dọn sạch sẽ, sau đó mới chuyển sang in sao đề thi của môn tiếp theo. Không in sao đề thi cho Chủ tịch Hội đồng coi thi và bộ phận trực thi ở sở GD-ĐT hoặc ở Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Phải in sao thêm cho mỗi Hội đồng coi thi một túi đề dự phòng, trong đó đề thi trắc nghiệm phải có đầy đủ các mã đề thi.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, Hội đồng in sao đề thi phải có biện pháp cụ thể để phân biệt túi đề thi của các môn thi khác nhau, ví dụ: Túi đề thi của các môn khác nhau có màu khác nhau, hoặc dùng dây buộc và giấy dán có màu khác nhau. Hội đồng in sao đề chuyển giao các bì đề thi đã niêm phong cho Giám đốc sở GD-ĐT hoặc người được Giám đốc sở GD-ĐT uỷ quyền bằng văn bản. Tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, Giám đốc sở GD-ĐT quyết định phương án và thời gian giao đề thi cho các Hội đồng coi thi, trên cơ sở đảm an toàn và bảo mật.

Thanh Trà (tổng hợp)