Thị trường bán lẻ điện tử tiêu dùng 2011: Tính cách Bắc, tư duy Nam

11:27, 23/04/2011

Việt Nam đang nổi lên trên bản đồ kinh tế thế giới nhờ có một thị trường bán lẻ còn nhiều chỗ trống, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế lại cao và ổn định. Năm 2008, thị trường bán lẻ Việt nam được hãng tư vấn Mỹ AT.Keney đánh giá là hấp dẫn nhất thế giới, vượt trên cả Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.  .

“Tính cách Bắc, tư duy Nam”

Vài năm trước, khi siêu thị bán lẻ điện máy Nguyễn Kim ra đời, nhiều người chưa hình dung được, sớm ngày “Bill Gate hiện thực”. Và trong nhiều năm, Nguyễn Kim trở thành số 1 ở thị trường bán lẻ điện máy toàn quốc với quy mô lớn nhất và hiện đại nhất. Một điển hình, tất yếu kéo theo sự phát triển của nhiều hệ thống siêu thị điện máy tầm cỡ như Nguyễn Kim có tầm phủ rộng từ Nam ra Bắc như Best Carings, Pico, HC, Thiên Nam Hòa, Idea, Trần Anh, Media Star, Thế giới di động… Thế nhưng, có một thực tế, hay đúng hơn là tồn tại, vẫn chỉ là cảnh “gà nhà đá nhau”, các nhà bán lẻ, nhà đầu tư tầm cỡ ở nước ngoài vẫn chưa tham gia nhiều và sâu vào thị trường Việt Nam. Bởi 2 nguyên nhân chính, 1 là khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa chấm dứt, 2 là thực sự, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ điện tử điện máy nói riêng có vẻ vẫn đang tiềm năng kiểu “trứng nước”, chưa thực có sức hút.

Ước tính năm nay, doanh số thị trường bán lẻ điện tử- điện máy có thể lên đến gần 9 tỉ USD. Trong đó, thị trường phía Nam chiếm khoảng 60% và phía Bắc khoảng 40%. So với năm 2010, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này là khoảng 25%.

Việt Nam là nước đông dân (xấp xỉ 90 triệu), thu nhập bình quân đầu người khá thấp, khoảng 1.000 USD/1 người/1 năm. Trong đó, có nhiều người chưa thể mua các sản phẩm điện tử- điện máy thiết yếu như:  máy giặt, điều hòa, tivi LCD, máy ảnh du lịch, điện thoại di động, máy tính… Do đó, thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống có thể gia tăng doanh số cho các doanh nghiệp bán lẻ. Ngoài ra, Việt Nam là nước có độ tuổi dân số khá trẻ. Có đến 60% là dân số trẻ nên họ sẵn sàng đầu tư mua sắm nhiều hơn, đồng thời cũng sẵn sàng mua những sản phẩm đắt tiền hơn. Cùng với tâm lý tiêu dùng là chạy theo thị hiếu, người Việt Nam thường thích những sản phẩm đẹp, nhiều tính năng và có thương hiệu mạnh. Như vậy, các công ty bán lẻ và hãng sản xuất càng có cơ hội bán được nhiều hàng đắt tiền hơn và thu được nhiều lãi hơn.

Thành danh sớm, “trưởng thành” muộn?

Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2006 đến 2010, chúng ta thấy sự xuất hiện của hàng loạt hệ thống siêu thị điện máy từ Nam ra Bắc như: thế giới di động, Pico, Trần Anh, Ideas, Thiên Hòa, HC, Best carings… Tuy nhiên đó chỉ là những nhà bán lẻ trong nước, có rất ít nhà bán lẻ điện tử điện máy của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, vì sao vậy? Như trên đã nói, các nhà đầu tư nước ngoài như Wall- Mart, Best Buy, Tesco… vẫn đang tiếp tục theo dõi sự phát triển của thị trường điện máy Việt Nam. Bởi với họ, Việt Nam vẫn đang là tiềm năng dù rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, họ còn tiếp tục phải chờ đợi cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu thực sự đi qua và người ta sẽ mạnh dạn hơn trong các quyết định đầu tư chiến lược.

 
 
Thêm vào đó, Việt Nam vẫn đang trong tiến trình xóa bỏ các rào cản thương mại để tham gia WTO một cách hoàn chỉnh. Dó đó, chừng nào chúng ta chưa đi hết lộ trình hòa nhập vào WTO, chúng ta sẽ chưa có được 1 môi trường bán lẻ thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
 
Ngoài ra, yếu tố thu nhập bình quân đầu người cũng là vấn đề làm cho các nhà đầu tư phải cân nhắc. Bởi với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 1.000 USD thì Việt Nam chưa thể là thị trường bán lẻ hấp dẫn được. Nhìn sang các nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn như Trung Quốc, Nga, ta có thể hiểu được phần nào. Trung Quốc năm 2010, thu nhập bình quân đầu người là gần 4.800 USD, trong khi đó, ở Nga, con số này là 15.900 USD (số ước tính năm 2010). Có lẽ, chỉ khi nào Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 USD trở lên thì mới thực sự thu hút các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài.
 
Một yếu tố nữa ảnh hưởng mạnh đến việc phát triển thị trường bán lẻ, đó là sự thông thoáng và minh bạch của cơ chế quản lý nền kinh tế. Rút kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu đã từng gặp rất nhiều khó khăn ở 2 nước đó, có thể sẽ phải theo dõi và cân nhắc kỹ hơn khi quyết định vào thị trường Việt Nam. Bởi trong kinh doanh bán lẻ điện tử điện máy, mặt bằng bán lẻ là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi các thương hiệu nội địa đã nắm được các vị trí đẹp thì việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không hợp tác kinh doanh với các đại gia trong nước. 
 
Bức tranh 2011 sáng sủa?
 
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu năm (sau Tết âm lịch), nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước ta đang ở giai đoạn khó khăn. Khó khăn đó đến từ nhiều yếu tố, đó là việc tăng giá đồng USD, vàng, tăng lãi suất tiết kiệm. Tiếp đó là giá điện, xăng tăng khá nhiều dẫn đến người dân đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân đối chi tiêu. Lạm phát tăng cao đặc biệt với giá các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày làm cho người dân trở nên eo hẹp hơn. Chắc chắn, họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho những sản phẩm không phải là thiết yếu như máy ảnh, máy tính xách tay, máy nghe nhạc, tivi LCD thế hệ cao… Điều này có thể được chứng minh thông qua doanh số các siêu thị bán lẻ điện tử điện máy ở HN sau kỳ nghỉ Tết.
 
Theo ông Phạm Văn Xuân, giám đốc bán hàng ngành hàng điện thoại và kỹ thuật số của siêu thị Trần Anh thì doanh số bán lẻ của các siêu thị ở HN trong tháng 2 này sụt giảm khá nhiều so với tháng 1 và tháng 12 năm 2010. Đặc biệt, so với tháng 2 (sau tết) năm 2010, doanh số bán lẻ điện tử tiêu dùng tháng 2 năm 2011 đã giảm đi từ 30% đến 40%. Đây là con số không vui chút nào cho các doanh nghiệp bán lẻ điện tử điện máy bởi trước đây, năm 2011  được kỳ vọng là năm bản lề cho ngành này.
 
Với việc đầu tư ngày càng nhiều mặt bằng bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ điện tử chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể giữ vững và phát triển trong năm nay. Bởi giá thuê mặt bằng ngày càng tăng cao, đồng thời kinh doanh điện máy đòi hỏi phải có mặt bằng lớn (từ 2000m2 mặt bằng trở lên), cộng thêm đó là lượng nhân viên vận hàng siêu thị rất đông, quỹ lương trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể sẽ vẫn tiếp tục đầu tư hoàn thiện nốt hệ thống bán lẻ của họ dù gặp nhiều khó khăn. Bởi việc có được mặt bằng bán lẻ là rất  khó, do đó nếu đã thuê được, họ sẽ cố gắng đầu tư hoàn thiện để đi vào kinh doanh càng nhanh càng tốt. Nếu doanh nghiệp nào trường vốn và biết cách hạch toán chi phí tốt thì vẫn có thể có lãi trong năm nay, dù không nhiều. Và quan trọng nhất là lúc khó khăn nhất, doanh nghiệp nào có tiềm lực phải tranh thủ thời cơ để trở thành đại gia khi mà các đối thủ cạnh tranh đang còn ngần ngại đầu tư.

Với nhận định không mấy sáng sủa về ngành bán lẻ điện tử điện máy trong năm 2011, năm nay  có phải là năm mang tính quyết định đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bởi thời thế sẽ tạo ra anh hùng, có khó khăn thì mới sinh ra những doanh nghiệp thực sự lớn nếu họ tồn tại được qua giai đoạn này.

Hải Hà