Thị trường ĐTDĐ: Tranh đua chinh phục "thượng đế" bình dân
Bất chấp những khó khăn trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, thị trường ĐTDĐ vẫn phát triển bùng nổ với sự tiến tới chuyên nghiệp của hệ thống phân phối.
Con đường bình dân hóa
Năm 2000, ĐTDĐ vẫn là “biểu tượng” dành riêng cho giới doanh nhân với tổng số thuê bao ĐTDĐ Việt Nam chỉ vỏn vẹn khoảng 300.000. Con số này hiện khoảng 55 triệu (60% dân số) sau 8 năm và vẫn được dự đoán là sẽ phát triển mạnh. ĐTDĐ từ một vật thuộc dạng “tài sản lớn” chuyển thành vật dụng “không thể thiếu” cho cả giới trẻ, công chức, đến lao động phổ thông.
"Điều dễ thấy nhất là trước đây điện thoại chỉ tập trung vào giới doanh nhân hoặc những người thành đạt. Nhưng giờ bạn dễ dàng bắt gặp ông doanh nhân ngồi check e-mail với smartphone, ông thợ xây ngồi nghe nhạc, ông xe ôm ngồi xem tivi với điện thoại Trung Quốc, mấy cô cậu "tuổi teen" chơi game, chụp ảnh ... ", anh Lê Bảo Trung, một phóng viên CNTT, phân tích. "Cho dù chủng loại và giá tiền khác nhau nhưng ĐTDĐ đã trở thành một phần của cuộc sống".
Nhiều người khẳng định, khi ra đường họ có thể quên ví, chìa khóa hay đồ vật gì khác, nhưng nếu quên điện thoại thì tỉ lệ người sẵn sàng quay xe về nhà lấy rất cao. Nếu không, họ phải báo cho người khác rằng họ đang không dùng điện thoại bằng những phương tiện khác như ... đặt trên status của Yahoo! Messenger chẳng hạn.
"Nhỏ nhắn và lúc nào cũng sẵn sàng, cầm chiếc điện thoại theo mình có cảm giác yên tâm hơn. Sống xa nhà như mình thì lúc nào cũng có thể liên lạc với ba má ở nhà", chị Trần Nguyễn Lan Anh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ.
"Đối tượng mua nhiều nhất tuổi từ 18-35, xu hướng muốn mua thêm chiếc điện thọai thứ 2 (khi đã có 1 cái)", ông Lê Quang Vu, Phó Tổng Giám đốc công ty Viễn Thông A, cho biết. "Trước đây, đa số khách hàng muốn sở hữu một chiếc điện thoại thời trang với giá khoảng 6 – 7 triệu, thì giờ đây, họ có thể chọn những chiếc điện thoại với giá khoảng 4 -5 triệu hoặc thậm chí ít hơn, nhưng vẫn đảm bảo được các tính năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng".
Quyết liệt ở "siêu rẻ", yên ổn ở cấp cao
“Có sự khác biệt trong việc một model mới ra đời của các hãng. Trước đây, model ra sau thường có thêm tính năng và giá tiền đắt hơn model tiền nhiệm của mình. Nhưng hiện nay, nhà sản xuất phải đưa ra thông điệp rõ ràng rằng chiếc điện thoại đó nhắm vào đâu, dành cho ai và bao nhiêu tiền”, anh Vũ Hoàng Điệp, một người kinh doanh ĐTDĐ tại Hà Nội, nói. "Nói cách khác, mức độ chênh lệch về giá giữa các dòng ĐTDĐ ngày càng lớn. Cùng một nhà sản xuất, có model căn bản với giá 500-600 nghìn đồng được đưa ra song song với những mẫu có giá tới hàng chục triệu đồng".
Chỉ 2 năm trước, "điện thoại giá rẻ" được đặt cho những model có giá bán dưới 1 triệu đồng. Tất cả những nhà sản xuất điện thoại lớn như Nokia, Samsung, LG, Motorola, BenQ-Siemens,... luôn luôn có vài mẫu trong tầm giá này. "Đại gia" Nokia vẫn liên tục duy trì những mẫu điện thoại giá rẻ từ 1100, 1100i, 1200 và mới đây là 1202. "Vô địch" về giá rẻ được trao cho Motorola bởi bộ kit gồm điện thoại W156 và 1 simcard MobiFone (tài khoản có 218.000 đồng và khuyến mãi mỗi tháng 20.000 đồng trong vòng 1 năm) được bán với giá 399.000 đồng. Tiếp theo là bộ sản phẩm Alo cũng có giá bán 399.000 đồng, gồm 1 máy và 1 simcard Vinaphone có 210.000 đồng trong tài khoản và khuyến mãi 21.000 đồng/tháng trong vòng 10 tháng.
Không chỉ điện thoại thông thường, ngay cả smartphone, loại ĐTDĐ thường có giá thành sản xuất cao, cũng có xu hướng đưa ra sản phẩm "bình dân".
"Các dòng sản phẩm của HTC đều tập trung ở thị trường phân khúc cấp cao, giá thấp nhất cũng khoảng $400. Trong thời gian sắp tới, để mở rộng thị trường, đồng thời giúp cho khách hàng có nguồn thu nhập thấp hơn có cơ hội sử dụng các sản phẩm của HTC, chúng tôi sẽ đưa ra những sản phẩm có giá từ $250. Tỉ trọng sản phẩm trong phân khúc từ $250 ~ $350 sẽ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng bán ra của HTC tại thị trường Việt Nam", ông Nguyễn Hồng Châu, Trưởng đại diện HTC Việt Nam, cho biết.
Theo ông Dương, thị trường ĐTDĐ Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2009. Tỷ lệ 60% thuê bao di động hiện nay chưa đạt ngưỡng bão hòa, giá cước dịch vụ vẫn có thể giảm và nhu cầu thay đổi điện thoại của người dân vẫn cao. Sử dụng điện thoại giá rẻ để làm thị trường, nhưng hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới này khẳng định "Đối với các hãng sản xuất điện thoại di động như LG, sự tìm kiếm và khẳng định năng lực cạnh tranh và quyết định thành công sẽ không phải bằng sản phẩm giá rẻ, đại trà mà bằng một chiến lược sản phẩm hiện đại, mạng lưới phân phối hiệu quả và các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng".