Thị trường Viễn thông VN 2008: 3 thành công chính

09:06, 19/12/2008

Bất chấp kinh tế thế giới suy thoái, vượt qua lạm phát tại VN đang ở mức rất cao, trong khi các ngành khác đang rất khó tăng trưởng mạnh thì ngành Viễn thông VN 2008 vẫn phát triển phi mã. Mỗi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước đều có quá nhiều những lý do để “ăn mừng” thành công này. Tuy nhiên đứng trên góc độ vĩ mô, có 3 thành công chính trong thị trường viễn thông VN 2008.
 
Giá các dịch vụ viễn thông tiệm cận giá sàn: đôi bên cùng có lợi
 
Sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường viễn thông Việt Nam trong năm đã đưa giá thành các dịch vụ viễn thông về mức khá thấp và theo nhiều chuyên gia mức giá này đã tiệm cận giá sàn. Việc này đang mang lại cho người dân Việt Nam cơ hội to lớn trong việc sử dụng các dịch vụ viễn thông với chi phí thấp.
Xem ảnh lớn

Cước giảm giúp người nông dân có điều kiện dùng các dịch vụ viễn thông
 
Nếu như trước đây cước thuê bao tháng khoảng trên 120.000 đồng và đơn giá mỗi phút lên tới 2.000 – 3.000 đồng thì giờ đây, khi đăng ký dịch vụ trả sau, khách hàng được miễn phí hòa mạng, cước gọi chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/phút

Với dịch vụ trả sau, trước đây tính theo block 1 phút và giá luôn ở mức 3.000 VNĐ/phút thì giờ đây là block 6+1 giây và cước liên lạc luôn ở mức dưới 2.000 VNĐ/phút.

Mức cước giảm đã mang lại lợi ích cho cả nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Nếu như cước giảm là điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ viễn thông thì đồng thời cũng giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh chóng phát triển số lượng thuê bao của mình. Thu nhập bình quân trên một thuê bao ARPU đang giảm khá mạnh (khoảng 50%). Tuy nhiên bù vào đó lượng thuê bao đang phát triển với tốc độ trên 100%/năm (xem biểu đồ), và như vậy nguồn thu của các nhà cung cấp dịch vụ không bị giảm sút.
Xem ảnh lớn
Có thể nói chính sự cạnh tranh dẫn đến giá cước giảm nhanh chóng là nguyên nhân chính giúp thị trường viễn thông VN phát triển ngoạn mục trong năm 2008.

Quản lý chặt chẽ hơn

Các chương trình khuyến mại trong năm đã tạo điều kiện để những người có thu nhập thấp cũng có điều kiện để sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, các khuyến mại tặng tiền, nhân đôi, nhân ba khi kích họat tài khoản mới đã làm cho thị trường viễn thông trở nên khó quản lý, lượng thuê bao ảo nhiều, xuất hiện nhiều hình thức lợi dụng di động để thực hiện các hành vi quấy rối, phạm pháp.
 
Xem ảnh lớn

 Tiến tới quản lý chặt chẽ tất cả các loại hình thuê bao
 
Trước tình hình đó năm qua, Bộ TT&TT đã thực hiện liền một lúc hai động thái: Một là thực hiện việc tổng kiểm tra để xác định rõ số thuê bao thực của ba mạng di động lớn tại Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel Mobile. Hai là ban hành quy định bắt buộc đăng ký thông tin đối với các thuê bao di động trả trước. Hai động thái này đã giúp thị trường di động trong năm qua phần nào minh bạch và quy củ hơn. Nhưng do việc đăng ký thông tin gặp một số khó khăn về chứng minh thư nên công việc này chưa thể hoàn thiện trong năm, song nó cũng khiến các nhà cung cấp di động nghiêm túc hơn trong việc quản lý các thuê bao trả trước của mình. Động thái này sẽ là tiền đề để Bộ TT&TT triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong năm 2009.

2008: Năm bản lề cho cạnh tranh dựa trên dịch vụ

Năm 2008, có thể nói yếu tố cạnh tranh chủ yếu trên thị trường vẫn là giá thành. Các doanh nghiệp viễn thông liên tục giảm giá thành để thu hút khách hàng, từ lĩnh vực di động đến cố định và ADSL. Tuy nhiên bên cạnh công cụ giá thì năm qua đã xuất hiện một công cụ cạnh tranh mới đó là cạnh tranh dựa trên các dịch vụ giá trị gia tăng.

Một lọat các dịch vụ giá trị gia tăng đã được cung cấp và sử dụng như một công cụ để cạnh tranh giữa các mạng di động. Có thể kể đến ở đây như dịch vụ Live-Info của Mobiphone, Data-safe và EZmail của Vinaphone, dịch vụ Yahoo Messenger, i-chat của Viettel. Sự cạnh tranh về dịch vụ sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai mạng lưới, xây dựng nền tảng cho mạng 3G, và tạo sự công bằng trong cạnh tranh, tránh được tình trạng thuê bao ảo...

Bên cạnh đó giá cước đã tiệm cận giá sàn, nên sức mạnh của công cụ này trong thị trường đang dần giảm xuống. Và đó là sở cứ để nhiều người tin răng năm 2008 là năm bản lề để dịch vụ trở thành yếu tố cạnh tranh chính trên thị trường di động Việt Nam trong những năm tiếp theo.

 Anh Minh