Thiết bị dọn rác trên vũ trụ
Theo The Sun, dự án dọn rác vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang tiến đến những giai đoạn cuối cùng.
Cuối năm ngoái, ESA lần đầu công bố kế hoạch xây dựng thiết bị giải quyết vấn nạn rác vũ trụ. Kinh phí cho dự án lên đến 100 triệu bảng Anh. Ngày 1.12, ESA tổ chức cuộc họp trình bày chi tiết các bước tiếp theo để đưa thiết bị vào không gian.
Công ty ClearSpace của Thụy Sĩ hợp tác cùng ESA để thực hiện sứ mệnh này. Thiết bị không người lái ClearSpace-1 dự kiến ra mắt năm 2025. Nhiệm vụ đầu tiên của ClearSpace-1 là dọn dẹp mẩu rác có tên gọi Vespa, được để lại sau vụ phóng tên lửa Arianespace Vega của ESA vào năm 2013. Vespa cách trái đất 435 dặm (tương đương 700km), có kích thước gần bằng một vệ tinh nhỏ với khối lượng 112kg. Khi đã ở ngoài không gian, tàu sẽ gom các mảnh vỡ bằng cánh tay robot rồi trở về trái đất. Cả hai sẽ bốc cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển.
Lộ trình dự kiến của ClearSpace-1, sau khi tiếp cận Vespa, thiết bị sẽ bắt lấy mảnh rác này và trở lại trái đất để tiêu hủy
Hơn 60 năm qua, hơn 5.550 vụ phóng tên lửa đã khiến hàng tấn rác bao phủ quanh trái đất. Rác vũ trụ là hỗn hợp gồm các vệ tinh không còn hoạt động, những mảnh vỡ tên lửa và vô vàn mẩu rác nhỏ tạo thành khi các vật thể đụng độ nhau trên quỹ đạo.
Các nhà khoa học trước đây đã cảnh báo rằng số lượng rác ngày càng dày đặc sẽ làm tăng nguy cơ va chạm với các vệ tinh ngoài không gian, gây khó khăn cho việc phóng tên lửa lên vũ trụ. Năm ngoái, người sáng lập dự án ClearSpace là Luc Piguet đã phát biểu: "Đây là thời điểm thích hợp cho sứ mệnh này. Vấn đề rác vũ trụ đang cấp bách hơn bao giờ hết". Ông cũng nói thêm: “Ngày nay chúng ta có gần 2.000 vệ tinh trôi nổi trong không gian và hơn 3.000 vệ tinh bị lỗi" và nhấn mạnh rằng có nhiều chòm sao "rác" được tạo thành khi các vệ tinh hỏng quần tụ lại.
Hình ảnh tưởng tượng về một trái đất bị rác vũ trụ bao phủ
Người đứng đầu ESA Jan Worner hi vọng sứ mệnh ClearSpace-1 sẽ mở đường cho ngành công nghiệp dọn rác vũ trụ. Jan Worner chia sẻ: "Thử tưởng tượng việc đi thuyền trên biển sẽ nguy hiểm thế nào nếu tất cả những con tàu từng bị mất tích trong lịch sử vẫn trôi dạt trên mặt nước. Đó là tình trạng hiện tại trên quỹ đạo và không thể tiếp tục như thế nữa".
Vấn nạn rác vũ trụ đã được nhà khoa học Donald Kessler của NASA đưa vào nghiên cứu từ cuối thập niên 1970. Chia sẻ với The Sun vào giữa tháng 11 vừa qua, tiến sĩ Alice Gorman của Đại học Finders (Úc) cho biết: "Chúng tôi đã khởi động mọi thứ từ năm 1957 và trong những thập niên đầu tiên, không có vẻ gì rác vũ trụ sẽ trở thành một vấn đề môi trường lớn". Tuy nhiên, bà cũng tin rằng một số mảnh rác vũ trụ thực sự có giá trị di sản, cũng như những công cụ thời đồ đá mà người tiền sử vứt đi giờ lại nằm trong bảo tàng của người hiện đại. Thay vì tiêu hủy hoàn toàn, ta có thể đưa vài mảnh vỡ vệ tinh và tàu vũ trụ vào viện bảo tàng như một cách lưu lại các cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.
Châu Anh (T/h)