Thủ đoạn sử dụng AI, mạo danh lừa đảo qua Skype

15:14, 06/05/2024

Trong vài năm qua, tội phạm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) đã tăng theo cấp số nhân; đối tượng sử dụng những chiêu trò lừa đảo tinh vi thông qua mạng xã hội và rất nhiều người đã trở thành nạn nhân…

Mới đây, thị trưởng Sunshine Coast Rosanna Natoli đã liên hệ với Cảnh sát Queensland và Trung tâm An ninh mạng Australia sau khi hình ảnh của bà được sử dụng trong một vụ việc "đáng lo ngại”. 

Cụ thể, một người bạn của nạn nhân đã gửi cho nạn nhân một tin nhắn kỳ lạ với nội dung muốn xác nhận rằng liệu có phải họ vừa gọi điện video trên Skype hay không. Tuy nhiên, nạn nhân cho biết, bà không hề sử dụng Skype để liên lạc với người bạn đó. Có một tài khoản giả trông giống tài khoản của bà vì đối tượng đã đánh cắp danh tính, lấy bài đăng trên mạng xã hội chính gốc của bà và đăng lại.

Tài khoản đó có hơn 1.000 người theo dõi và đang xây dựng mối quan hệ với các nạn nhân, thậm chí thông qua Messenger đối tượng còn hỏi thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng. Cảm thấy câu chuyện ngày càng phức tạp và nguy hiểm nên bà đã báo với chính quyền để xử lý sự việc trên.

Theo đó, Giám đốc Cảnh sát Queensland Chris Toohey cho biết tội phạm liên quan đến trí tuệ nhân tạo đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua. Đối tượng sử dụng những chiêu trò lừa đảo tinh vi thông qua mạng xã hội để lấy lòng tin của nhiều người dùng.

Các nhà chức trách đang điều tra một chiến thuật tội phạm mạng mới tinh vi sử dụng trí tuệ nhân tạo để mạo danh người dùng trong các cuộc gọi video trực tiếp.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang được dự báo sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại về rủi ro nếu dữ liệu sinh trắc học bị lạm dụng. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng công nghệ Deepfake được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ để tạo ra những phiên bản giả mạo trên Internet và sau đó tìm cơ hội tấn công các nạn nhân.

Theo Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia NCS Vũ Ngọc Sơn, mặc dù những kẻ lừa đảo đã có thể giả mạo hình ảnh gương mặt hay giọng nói sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhưng chỉ cần thận trọng và tinh ý là có thể phát hiện qua các dấu hiệu như: Chuyển động của nhân vật và gương mặt sẽ không được mượt mà; Giọng nói cũng không tự nhiên. Để bảo vệ tài sản, chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên tránh để lộ các thông tin cá nhân, địa chỉ, hình ảnh, dữ liệu sinh trắc học để tránh bị kẻ xấu lợi dụng khai thác.

Trước những thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng khi nhận bất cứ một cuộc gọi video nào thông qua các trang mạng xã hội. Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP…) cho bất kỳ đối tượng nào thông qua nhiều hình thức khác nhau.

“Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội, các trang web có dấu hiệu lừa đảo. Khi có yêu cầu vay/chuyển tiền vào tài khoản qua mạng xã hội, người dùng nên thực hiện các phương thức xác thực khác như gọi điện thoại hay sử dụng các kênh liên lạc khác để xác nhận lại”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Theo Vneconomy

https://vneconomy.vn/thu-doan-su-dung-ai-mao-danh-lua-dao-qua-skype.htm