Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Chuyển đổi số với ngành văn hoá, thể thao và du lịch là yêu cầu bắt buộc

15:05, 04/12/2023

Hội nghị "Nâng cao chất lượng văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch" dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2023. Trước thềm sự kiện này, VietTimes đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông.

TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

PV: Xin Thứ trưởng cho biết về hiện trạng về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong những năm gần đây cùng nhu cầu nhân lực để thực hiện công việc này?

Thứ trưởng Tạ Quang ĐôngVề ứng dụng CNTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ. Các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ VHTTDL.

Lĩnh vực di sản, Cục Di sản văn hóa đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể: 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% người làm công tác chuyên môn được đào tạo lại các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số; Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; xây dựng nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, truyền thông về chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Đối với cơ sở dữ liệu ngành Di sản văn hóa, tiếp tục ứng dụng, duy trì ổn định và phát triển các hệ thống thông tin để quản lý nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Di sản văn hóa, đẩy mạnh công tác số hóa trong ngành, hướng tới việc hoàn thiện các sản phẩm chủ lực phù hợp với xu thế phát triển của cuộc CMCN 4.0, đồng thời, làm cơ sở cho việc chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ VHTTDL triển khai xây dựng nền tảng số về bảo tàng đáp ứng nhu cầu của việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành di sản văn hóa theo Quyết định số 186/QĐ-BTTTT về phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nền tảng mô hình hoá đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số góp phần thúc đẩy số hoá các di sản văn hoá, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của Bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số. Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện một số nội dung và nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL. Việc ứng dụng công nghệ được thực hiện hầu khắp các công tác chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng: Hành chính, Quản lý hiện vật, Tư liệu - Thư viện, Bảo quản, Trưng bày, Truyền thông, Giáo dục - Công chúng... Trong đó nổi bật là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong trưng bày và giới thiệu tới công chúng. Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng những nội dung trưng bày hấp dẫn, tạo ra các sản phẩm giáo dục mới lạ như: trưng bày ảo 3D, hệ thống thuyết minh tự động Audio guide, hoạt động tương tác trải nghiệm tại phòng khám phá, tour tham quan trực tuyến, “Giờ học lịch sử online”… Kết quả là lượng công chúng truy cập vào trang thông tin điện tử của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Trong lĩnh vực đào tạo, Bộ đã ban hành Chương trình “Chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL” giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với lĩnh vực thể thao, xu thế chuyển đổi số sẽ là yêu cầu bắt buộc, nhất là sau đại dịch Covid-19, sự phát triển của lĩnh vực thể thao ngày càng mang tính toàn cầu, chuyên nghiệp và cạnh tranh lớn hơn cả về quy mô và hình thức.

Hiện tại, Cục Thể dục thể thao (TDTT) đang tích cực xây dựng Đề án chuyển đổi số. Đề án này sẽ bám sát Chương trình chuyển đổi số của Bộ VHTTDL. Trên cơ sở điều kiện thực tế của ngành TDTT cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và trọng tâm trong từng giai đoạn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Xây dựng các chương trình truyền thông, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức của Cục TDTT về lợi ích của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục TDTT.

điền kinh.jpg

Sớm muộn thì các giải điền kinh trong nước cũng phải có quy định bắt buộc phải ứng dụng CNTT trong việc đo kiểm thành tích thi đấu

Đối với lĩnh vực du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung triển khai đẩy nhanh chuyển đổi số hoạt động du lịch và đã đạt được những kết quả tích cực. Các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia đã được hình thành và đi vào hoạt động theo đúng chủ trương chung của Chính phủ, là cơ sở để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc. (Ví dụ: Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, Nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch, Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia, Hệ thống vé điện tử, Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multimedia guide), Hệ thống phần mềm báo cáo thống kê từ Trung ương đến cơ sở..).

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch qua việc xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành Du lịch và tổ chức nhiều chương trình tập huấn về chuyển đổi số tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận… Các chương trình tập huấn đã đáp ứng tốt nhu cầu, mong muốn, cũng như gỡ “nút thắt” của các địa phương trong chuyển đổi số du lịch; thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số; nâng cao tính liên kết trong chuyển đổi số và đặc biệt là có những hướng dẫn cụ thể triển khai chuyển đổi số ở địa phương.

Về nhu cầu nhân lực, hàng năm, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức của Bộ và đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai theo quy định. Bộ VHTTDL có nhu cầu tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT của Bộ đối với các chuyên gia, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT trong và ngoài nước, nhằm nâng cao trình độ, nhận thức về chuyển đổi số cho các cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ về CNTT của Bộ VHTTDL.

PV: Bộ có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia hoặc các trường đại học trong lĩnh vực CNTT không thưa ông?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bộ VHTTDL xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu, do vậy công tác đạo tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số nói chung, và kiến thức chuyển đổi số đặc thù cho từng ngành là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự tham gia, hợp tác của các chuyên gia CNTT trong nước và quốc tế cũng như sự hợp tác của các trường đại học trong lĩnh vực CNTT.

Đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch có tính đặc thù, vì vậy việc có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia, cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực CNTT là rất cần thiết nhằm đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo văn hóa ngh ệ thuật, thể dục thể thao, du lịch và sự phát triển của ngành.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch sắp tới của ngành?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Để có cơ sở đánh giá tổng thể, toàn diện tình hình đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch của các cơ sở đào tạo trong cả nước và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã đề nghị các cơ sở đào tạo báo cáo về thực trạng tình hình đào tạo hiện nay của các đơn vị, trong đó có nội dung việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp, nêu trong báo cáo tại Hội nghị.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 1379/QĐ-BVHTTDL ngày 05/7/2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Ban hành Chương trình “Chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, các cơ sở đào tạo sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền kinh phí triển khai các nội dung, chương trình có liên quan.

Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu các ý kiến đề xuất tại Hội nghị và phối hợp, đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 131/QĐ- TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Tạp chí điện tử VietTimes

(https://viettimes.vn/thu-truong-ta-quang-dong-chuyen-doi-so-voi-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-la-yeu-cau-bat-buoc-post171923.html)