Thủ tướng: Chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng.
- Ngành Tòa án nhân dân - mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành
- Quy trình phức tạp, giải ngân cho chuyển đổi số Thành phố đạt 0 đồng
- Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số
- Nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử
- GELEX và FPT hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
- Chuyển đổi số ngành y tế giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ kịp thời, hiệu quả
- Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024: Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
- Chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng của báo chí hiện đại
- Thông số Bits/Pixel là gì?
Chiều 16/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất.
"Việt Nam xác định chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng", Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng Chính phủ, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia được tập trung chỉ đạo, có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nền tảng chuyến đổi số quốc gia được củng cố và phát triển trên tất cả 6 phương diện: thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ số, kỹ năng số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Đến nay, có 81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng, 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang; 82,9% thuê bao di động đã sử dụng điện thoại thông minh.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương. Đã đơn giản hóa 763/1.084 (trên 70%) thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân (Ảnh: VGP).
Hiện, có 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử được triển khai mạnh mẽ. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money.
Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế. Đến nay 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Thủ tướng cho biết công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải luôn nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; coi xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và nhấn mạnh chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức ngành TAND, nhất là người đứng đầu phải coi việc đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực vào quá trình tất yếu này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành TAND, phát triển tòa án điện tử.
Cùng với đó, đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao và các trang thông tin điện tử của các TAND cấp cao, tòa án các cấp.
Nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành TAND, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của TAND được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến, hướng tới 100% TAND đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến, đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đồng thời nghiên cứu tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp tòa án.
Theo Tạp chí Thương trường