Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô hạn chế, trở nên yếu thế trước những biến động của môi trường kinh doanh, môi trường xã hội, do đó, đặt ra vấn đề về phát triển bền vững doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là chìa khóa để hướng tới mục tiêu này.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế các sản phẩm quạt công nghiệp tại Công ty Tomeco An Khang. (Ảnh ĐĂNG DUY)
Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Với đóng góp như vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Mới đây nhất, ngày 26/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã triển khai một số Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nhằm vượt qua đại dịch và hướng tới mô hình kinh doanh bền vững.
Công ty TNHH may Phú Tường tại thị xã Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành dệt may miền trung thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị sản xuất từ khâu tiếp nhận vật tư, nguyên vật liệu cho đến khi hoàn tất đơn hàng xuất đi nước ngoài. Lâu nay, quy trình quản lý của doanh nghiệp chủ yếu theo phương thức thủ công, đơn giản cho nên không quản lý được số lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ công nhân, số lượng hàng hóa, lượng nguyên vật liệu, tiến độ của các bộ phận và chất lượng sản phẩm, ra quyết định chậm trễ do không có dữ liệu. Từ khi áp dụng nền tảng quản trị sản xuất Retex, Công ty TNHH may Phú Tường đã giải quyết được những tồn đọng thường gặp trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ðăng Ðức, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường, chia sẻ: Từ ngày lắp đặt hệ thống này, các quy trình sản xuất ở xưởng được vận hành trơn tru hơn, nếu phát sinh lỗi hay bất kỳ vấn đề gì cần hỗ trợ đều được xử lý tức thì. Hệ thống này giúp quản lý tốt năng suất của mỗi dây chuyền cũng như nguyên liệu đầu vào, đầu ra.
Yody là một thương hiệu thời trang quen thuộc, với hơn 160 cửa hàng trên cả nước, 6 văn phòng và quy mô nhân sự khoảng hơn 4.000 người. Trước khi chuyển đổi số, Yody gặp không ít khó khăn khi phải quản lý dữ liệu thông tin về hồ sơ nhân sự từ xa, gây tốn kém thời gian và chi phí. Yody đã lựa chọn nền tảng 1Office để số hóa toàn bộ quy trình công việc và quản lý nhân sự. Anh Ðinh Trung Sơn, Giám đốc nhân sự của Yody, chia sẻ: Áp dụng nền tảng 1Office, Yody đã giải quyết được bài toán mang tính khác biệt của mình, như: Dữ liệu nhân sự được cập nhật kịp thời, chính xác; các đơn từ duyệt chi được chuyển từ giấy tờ sang phần mềm một cách nhanh, đầy đủ và giảm thất thoát do việc chấm công từ ứng dụng excel sang phần mềm bảo đảm tính chính xác lương cho nhân viên, mà trước đó việc chấm công bằng excel có thể bị nhầm lẫn. Việc số hóa, lưu trữ giúp tra cứu thông tin, tình trạng làm việc, hợp đồng và nhiều tác vụ khác. Tất cả tác vụ tra cứu, quản lý nhân sự, chấm công được thực hiện trực tuyến một cách hiệu quả trên nhiều loại thiết bị máy tính, điện thoại thông minh và mọi lúc, mọi nơi.
Một số doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đạt những thành quả nhất định đã hỗ trợ, đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp khác cùng chuyển mình trong kỷ nguyên số.
Một số doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đạt những thành quả nhất định đã hỗ trợ, đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp khác cùng chuyển mình trong kỷ nguyên số. Công ty Lazada là đơn vị có nhiều hợp tác với bộ, ngành, địa phương và đơn vị doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Công ty đã thành lập hệ thống học viện và cung cấp công cụ, ứng dụng từ chuyển đổi số giúp người bán hàng trong hệ thống cũng như doanh nghiệp khác hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, giúp người bán có kiến thức và công cụ để phát triển công việc kinh doanh của mình. Lazada có nhiều sáng kiến trong việc kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân số bằng việc xây dựng cộng đồng các nhà bán hàng với hơn 49 nghìn thành viên cùng giúp nhau phát triển. Từ năm 2021, Công ty Lazada khởi xướng lễ tôn vinh doanh nhân công nghệ.
Ðây là những minh chứng cho đóng góp của Lazada trong quá trình chuyển đổi số. Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, chia sẻ: Chúng tôi luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số hiệu quả hơn thông qua thương mại điện tử. Tại Việt Nam, Lazada đã tham gia hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp để chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống, từng bước sang kinh doanh số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nhận thức, phụ thuộc vào người đứng đầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài xu thế chung, họ cần phải thay đổi, ứng dụng từ phương thức sản xuất cho đến đầu ra của các sản phẩm. Vì vậy, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thực hiện chuyển đổi số, tạo động lực cho họ vì mục tiêu phát triển kinh tế chung. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung chuyển đổi số, thì chính quyền cần nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Cùng với đó, an toàn, an ninh mạng cần được bảo đảm để bảo vệ thành quả của chuyển đổi số.
Với lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo/nhandan.vn