THUẾ QUAN HOA KỲ: Hơn 150 nước sẽ nhận thư thông báo mức thuế mới

07:22, 17/07/2025

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/7 cho biết ông sẽ tiếp tục gửi thư thông báo mức thuế mới đến hơn 150 quốc gia, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại khiến các đối tác phải chạy đua để tránh các mức thuế cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Washington D.C. Ảnh: THX/TTXVN.

Trả lời báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh rằng các quốc gia này không phải là những nước lớn và cũng không có nhiều giao dịch thương mại với Mỹ. Trong thư, chính quyền Mỹ sẽ nói rõ mức thuế là bao nhiêu.

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra các yêu cầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, thông báo cho nhiều nền kinh tế về các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới nếu không thể đàm phán được các điều khoản tốt hơn với Mỹ, khiến các đối tác thương mại phải gấp rút hành động để tránh các mức thuế cao hơn. Trước đó, thời hạn mà chính quyền Mỹ đưa ra là ngày 9/7.

Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế hơn 10% đối với ít nhất 100 nước

Hãng AP ngày 16/7 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông dự định áp thuế hơn 10% đối với hàng hóa từ ít nhất 100 nước, trong đó có nhiều nước tại châu Phi và vùng Caribe.

"Chúng tôi có lẽ sẽ áp một mức thuế quan chung cho tất cả họ", ông Trump phát biểu với báo giới, đồng thời cho biết mức thuế này có thể là "hơn 10% một chút" đối với hàng hóa từ các nước này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói thêm rằng các quốc gia có hàng hóa bị đánh thuế theo mức này sẽ nằm ở châu Phi và vùng Caribe. Những nước này nhìn chung có mức độ thương mại tương đối khiêm tốn với Mỹ và sẽ giúp ích nhiều trong việc đạt mục tiêu của ông Trump là giảm mất cân bằng thương mại với nước ngoài.

Tổng thống Trump trong tháng 7 đã gửi thư đến hơn 20 nước và Liên minh châu Âu (EU), thông báo mức thuế quan sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/8. Ông cũng cho biết có thể sẽ công bố mức thuế đối với dược phẩm vào cuối tháng 7.

Trong diễn biến khác về thuế quan, Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế 19% đối với hàng hóa từ Indonesia, theo thỏa thuận mới đối với quốc gia Đông Nam Á này.

Đức, Pháp kêu gọi đàm phán nghiêm túc

Ngày 16/7, các Bộ trưởng Tài chính Pháp và Đức đã kêu gọi Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán "nghiêm túc và có mục tiêu" để đạt được một thỏa thuận công bằng trong tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và EU.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp, Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil nhấn mạnh rằng "những lời đe dọa hay khiêu khích" sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của châu Âu.

Trong khi đó, một khảo sát công bố cùng ngày cho thấy 45% người dân các nước Baltic bày tỏ lo ngại về quyết định áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa của EU. Theo khảo sát của Ngân hàng Citadele, tại Latvia, gần 10% người được hỏi tin rằng thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đáng kể đến công việc hoặc thu nhập của họ. Gần một nửa người tham gia khảo sát thừa nhận có phần lo ngại về tác động tiêu cực.

Tại Estonia, 12% người dân dự đoán thuế quan sẽ tác động lớn đến công việc hoặc thu nhập của họ. Đây là tỉ lệ cao nhất trong số các quốc gia Baltic. Trong khi con số này tại Lithuania là 7%.

Ông Karlis Purgailis, chuyên gia Kinh tế của Ngân hàng Citadele nhận định dữ liệu khảo sát nêu bật những rủi ro liên quan đến thuế quan. Bên cạnh tác động trực tiếp, khảo sát cho thấy sự bất ổn gia tăng có thể làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và ngăn cản việc mua sắm các hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu, làm chậm nhu cầu ở các nước Baltic.

Theo dự báo mới nhất của ngân hàng, cả ba quốc gia Baltic này đều sẽ ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và 2026 ở mức từ 1,4-2,5%.

Đức cảnh báo ảnh hưởng tăng trưởng GDP

Ngày 16/7, Viện Chính sách kinh tế vĩ mô Đức (IMK) cảnh báo mức thuế 30% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đối với hàng nhập khẩu từ EU có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế của Đức khoảng 0,25 điểm phần trăm trong cả năm 2025 và 2026.

Theo IMK, mức thuế này có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng GDP của Đức vào năm 2025 và giới hạn tăng trưởng GDP năm tiếp theo ở mức 1,2%. Con số này trái ngược với dự báo trước đó của viện này về mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% trong năm nay và 1,5% vào năm tới, được hỗ trợ bởi sự phục hồi vào cuối năm 2025 cũng như tăng đầu tư công và chi tiêu quốc phòng.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức cho đến năm 2024, chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. IMK cũng cảnh báo rằng nhu cầu tại Mỹ chậm lại và các hiệu ứng lan tỏa từ các nền kinh tế khác có thể tiếp tục gây áp lực lên xuất khẩu. Trước những rủi ro gia tăng, viện này cho biết điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với Chính phủ Đức là thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế đã đưa ra.

Không chỉ Đức, IMK cho biết tác động của thuế quan đối với Mỹ có thể còn nghiêm trọng hơn. Thuế quan dự kiến sẽ làm tăng giá tiêu dùng, làm xói mòn thu nhập thực tế và làm giảm tiêu dùng hộ gia đình của Mỹ. Viện này cho biết, với áp lực lạm phát có thể khiến chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tăng trưởng chung của Mỹ có thể giảm khoảng 0,7 điểm phần trăm.