Tiến trình chuyển đổi số (kỳ 1): Nền tảng của chuyển đổi số
Cần phải hiểu một cách chính xác rằng, chuyển đổi số là một hệ quả của tiến trình phát triển công nghệ số và dữ liệu số, chứ không phải áp dụng công nghệ số và dữ liệu số nghĩa là chuyển đổi số.
Bởi vì là hệ quả, chuyển đổi số do vậy cần phải được hiểu chính xác là việc "chuyển đổi mô thức một cách toàn diện" do sự tích lũy về lượng (do ứng dụng công nghệ tạo ra) dẫn đến đòi hỏi một sự thay đổi về chất (thay đổi cách thức tư duy và mô hình tổ chức xã hội) phù hợp với chất lượng (môi trường) mới.
Vậy chuyển đổi số thực ra là chuyển đổi gì vậy?
VietTimes trân trọng gửi tới quý độc giả những kiến giải sâu sắc và toàn diện của tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI). Vệt bài sẽ phân tích những vấn đề căn cơ nhất của tiến trình chuyển đổi số trên cả 4 khía cạnh:
- Nền tảng của chuyển đổi số;
- Cơ chế của chuyển đổi số;
- Cách thức để chuyển đổi số;
- Phương tiện để chuyển đổi số.
KỲ 1: NỀN TẢNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ
Khi những sự thay đổi của môi trường bên ngoài hay bên trong đạt đến một mức độ làm chuyển hóa bản chất, nó sẽ thúc đẩy tổ chức phải thay đổi hình thái của mình cùng với mô hình kinh doanh tương ứng.
Cuộc cách mạng số (digital revolution) trong gần ba thập kỷ qua đã thực sự đưa đến một sự thay đổi về bản chất đồng lúc cả môi trường bên ngoài lẫn bên trong, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho mỗi tổ chức và đòi hỏi các tổ chức phải có những sự chuyển đổi (transformation) để có khả năng thích ứng hiệu quả với môi trường mới.
Sự chuyển đổi này được quy thành 3 trọng tâm chính liên quan đến môi trường bên ngoài và bên trong của mỗi tổ chức:
+ Sự chuyển đổi về bản chất các nguồn lực tạo thành giá trị;
+ Sự chuyển đổi về cách thức con người giao tiếp;
+ Sự chuyển đổi về phương thức phát triển.
Việc số hóa, khi tiến tới sự phổ cập toàn bộ, vô hình trung đã tạo ra “một thứ ngôn ngữ toàn cầu” (giống như tiếng Anh hiện nay), vượt qua mọi không gian – thời gian, vượt qua mọi đường biên giới, mọi rào cản văn hóa, mọi sự đặc thù, mọi đẳng cấp, mọi thế hệ... hình thành nên một mặc định số (digital default), cho phép kết nối toàn thể xã hội toàn cầu thành một đại đồng (cosmopolitan).
Việc số hóa (digitization), rồi ứng dụng công nghệ số (digitalization) là một tiến trình tích lũy về lượng đưa đến một sự chuyển đổi (transformation) về số (digital) tạo nên một điểm đột phá – chuyển đổi số (digital transformation).
Chuyển đổi số trước hết là về tư duy, để hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới do những chuyển biến mà số hóa đã tạo nên như nói trên.
Chúng ta đã và đang bước qua từng bước chuyển từ e-electronic (điện tử hóa) sang e-ecosystem (hệ sinh thái) và khi hoàn thành bước này sẽ tiến tới e-evolution (tiến hóa).
Nền tảng số do tiến trình số hóa được hình thành và phát triển dựa trên quá trình điện tử hóa (e-electronic), cho phép tin học hóa, phần mềm hóa để tiến tới mạng hóa toàn bộ (còn được gọi là quá trình số hóa vật chất) tiến trình này cho phép nâng cao năng lực tính toán, tự động hóa và tích hợp.
Khi sự tích lũy của tiến trình này đạt đến một mức độ phổ cập và bao trùm nhất định, nó đã tiếp tục thúc đẩy cấp độ thứ hai là quá trình ứng dụng công nghệ số (digitalization) dựa trên việc mạng lưới hóa, nền tảng hóa và thông minh hóa (có thể được gọi là quá trình số hóa tư duy) hay gọi là quá trình hình thành một hệ sinh thái xã hội số (e-ecosystem).
Tiến trình này cho phép vốn hóa dữ liệu, hình thành không gian số, và trí tuệ nhân tạo.
Và cuối cùng, là sự chuyển đổi (transformation) hình thái của xã hội theo hướng tiến hóa (e-evolution) sang một phương thức tổ chức mới với 3 đặc trưng tương ứng với 3 trọng tâm chuyển đổi:
(1) Tính di động cao của xã hội (mobility) về cấu trúc xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi về bản chất các nguồn lực tạo thành giá trị;
(2) Tình thế lưỡng nan giữa tập trung và phân tán về cách thức tổ chức xã hội hình thành nên các nền tảng (platform) đòi hỏi sự chuyển đổi về cách thức con người giao tiếp;
(3) Một hệ lai người-máy (H2M hybrid) về cách thức vận hành xã hội đòi hỏi sự chuyển đổi về phương thức phát triển.
Mô hình hóa nền tảng của chuyển đổi số.
Chính sự phát triển về công nghệ - khoa học - kỹ thuật với tốc độ nhanh, không thể đảo ngược và cho phép tạo nên một hiệu quả vượt bậc trong việc kết nối con người với nhau về chiều rộng và chiều sâu, đã trở thành động lực cho sự tích lũy về lượng đạt đến một độ, mà ở đó, đòi hỏi có một biến đổi về chất của tiến trình phát triển xã hội.
Tại điểm lượng thúc đẩy sự biến đổi về chất của tiến trình phát triển xã hội đó, tiến trình Chuyển đổi số góp phần tạo ra sự Chuyển đổi về tư duy để hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới (biến đổi về chất), hình thành nên một Xã hội số làm nền tảng dẫn động cho sự vận hành phát triển xã hội mới. Đồng thời, hình thành nên một khái niệm tài nguyên mới, có tính đột phá, làm năng lượng cho sự phát triển xã hội đó là Vốn dữ liệu (data-capital).
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng từ vốn tài chính (capital) sang vốn dữ liệu (data-capital).
Để tiến trình chuyển đổi số thực sự tạo ra được một sự tác động toàn diện, mạnh mẽ, đột phá, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi định hình một nền tảng mới (hình thái tổ chức mới), chúng ta cần hiểu rõ một khái niệm quan trọng, đó là sự sáng tạo đột phá (disruption).
Chúng ta cũng có thể thấy từ “đột phá” này rất quen thuộc trong nhiều văn bản, nhiều phát ngôn, nhiều bài phát biểu... nhưng đột phá đó là gì và như thế nào để thực sự tạo ra một sự đột phá (sáng tạo đột phá), đó là một điều, cần được làm rõ ràng, cụ thể để có thể hành động tuân theo.
Yếu tố quan trọng tạo nên sự đột phá, đó chính là giá trị, phải tạo ra sự đột phá về giá trị thì mới có được sự sáng tạo đột phá (disruption).
Vậy, tiến trình chuyển đổi số tạo nên sự sáng tạo đột phá này như thế nào?
Tiến trình Chuyển đổi số đưa đến một hệ quả quan trọng, đó là sự gia tốc mạnh mẽ của năng suất, thông qua: i) Sự hỗ trợ tối đa của các công nghệ và dữ liệu số; ii) Sự chuyển đổi của mô hình tổ chức; và iii) Sự thay đổi cấu trúc và bản chất của các hoạt động kinh tế.
Sự gia tăng hiệu của các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu số, do vậy, tạo nên một sự sáng tạo đột phá trong việc đưa ra các cách thức gia tăng năng suất và tạo nên những giá trị mới, đồng thời giúp cho kinh tế số trở thành một thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Một điểm quan trọng cần xác lập, đó là tiến trình Chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ kết thúc một “vòng tròn phát triển” theo hình xoắn ốc đi lên và sẽ đưa chúng ta bước vào một kỷ nguyên kinh tế mới, được gọi là Kinh tế 2.0.
Kinh tế 1.0 với trung tâm là sự khan hiếm (scarcity), là việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm cho các mục tiêu sản xuất cạnh tranh lẫn nhau. Còn Kinh tế 2.0 với trung tâm là sự dư dả, đủ đầy (abundance), phát sinh từ những tiến bộ kỹ thuật tạo nên sự đột phá về năng suất.
Động năng của sự đột phá về năng suất xuất phát từ 4 cấu thành quan trọng.
Thứ nhất, nền tảng của năng suất là việc tạo ra giá trị và do vậy được tạo ra sẽ quyết định đến các thước đo của năng suất.
Một người lao động cật lực trong 8 tiếng một ngày chỉ tạo ra được một giá 10 đồng, sẽ không thể có năng suất lao động cao bằng một người cũng làm 8 tiếng trong một ngày nhưng tạo ra được giá trị 50 đồng.
Do vậy, cần phải hiểu rằng, việc gia tăng năng suất không phải là nỗ lực lao động hơn, có kỹ năng tốt hơn, mà điều quan trọng nhất là phải nắm bắt được cách thức tạo ra được giá trị mới trong thời đại hiện tại là như thế nào để có thể bắt nhịp, thích nghi và tìm cách tạo ra được các giá trị đó.
Chuyển đổi số về căn bản không phải là việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu số để giúp “lao động được nhiều hơn” hay “lao động tốt hơn”, mà điều quan trọng nhất là việc hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới để tạo nên một nguồn vốn mới (vốn dữ liệu) giúp tạo ra sự đột phá về giá trị (các giá trị mặc định – value default) cho phép gia tăng giá trị lao động một cách đột phá.
Thứ hai, sự thay đổi của mô hình kinh doanh có một ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng năng suất.
Trong đổi mới sáng tạo, giá trị của đổi mới, tức là dựa trên nền tảng của các mô hình hiện có và đổi mới để gia tăng hiệu quả sẽ luôn có giá trị tới hạn và chỉ gia tăng được với một tốc độ hữu hạn và có xu hướng chậm dần.
Do vậy, việc gia tăng năng suất chỉ dựa trên nền tảng của mô hình cũ sẽ không cho phép mở rộng giá trị - nền tảng của năng suất, và do vậy cũng giới hạn khả năng tăng năng suất.
Chuyển đổi số bắt đầu bằng đòi hỏi phải có một sự sáng tạo đột phá (disruption). Trong đó, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh là một đòi hỏi tất yếu, đầu tiên và là cơ sở mang tính điều kiện để Chuyển đổi số thực sự diễn ra. Việc áp dụng các công nghệ và dữ liệu không bắt đầu trên nền tảng một chiến lược tạo nên sự đột phá về mô hình kinh doanh sẽ không tạo nên một sự chuyển đổi (transformation).
Thứ ba, định hướng giá trị và mô hình thay đổi dẫn đến cách thức các hoạt động kinh doanh có sự chuyển đổi về cách thức tổ chức, vận hành và cơ chế tạo ra giá trị.
Chuyển đổi số sẽ tạo nên những nền tảng (platform), các mạng lưới (network) và các cộng đồng/hệ sinh thái xã hội (community/social-ecosystem) như những cách thức mới để tổ chức các hoạt động kinh tế/kinh doanh, cách các tổ chức này kết nối với nhau, và cách các tổ chức này hội tụ vào.
Điều này sẽ cho phép thay đổi cách thức năng suất được hình thành, từ dựa chủ yếu trên năng lực mà một cá nhân/tổ chức đơn lẻ có thể tạo nên thông qua nỗ lực tạo ra hiệu quả của mình, sang sự cộng hưởng giữa các cá nhân/tổ chức thông qua sự kết nối với nhau thành một nền tảng, thành những mạng lưới và thành các cộng đồng/hệ sinh thái xã hội.
Điều này cho phép tạo nên những giá trị năng suất mới vượt ra khỏi năng lực cá nhân, gia tăng năng suất dựa trên độ lớn, mức độ lan tỏa và sức cộng hưởng của các kết nối mạng lưới mà các cá nhân/tổ chức này có thể kết nối được.
Thứ tư, công nghệ và dữ liệu số, trong đó phổ biến với những công nghệ AI, Bigdata, IoT và Clouds cho phép con người có khả năng gia tăng “công suất tính toán” và “hiệu quả tính toán” cho việc “ra các quyết định” “dựa trên cơ sở dữ liệu” tốt hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và đa diện hơn.
Chính điều đó đã cho phép con người có được những sự trợ giúp để vượt qua được những giới hạn sinh học, vật lý và không-thời gian để gia tăng được những kết quả của mình. Do vậy, việc gia tăng năng suất cũng được mở rộng theo khả năng ứng dụng và vận dụng hiệu quả các công nghệ vào các công việc và đời sống hàng ngày./,
(*) Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), Hội Truyền thông số Việt Nam
Theo Tạp chí điện tử VietTimes.