Tin học hóa xét xử ở Tòa Phá án của Cộng hòa Pháp

08:37, 15/10/2024

Tòa Phá án Cộng hòa Pháp là tòa án đầu tiên ở châu Âu và thế giới áp dụng tin học quản lý tố tụng và hồ sơ vụ án. Việc này đã giúp cho các Thẩm phán nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn nhiều thời gian giải quyết vụ án. Kinh nghiệm của họ rất đáng được tham khảo trong việc tin học hóa xét xử.

1.Giới thiệu sơ lược về Tòa Phá án

Tòa Phá án là tòa án cao nhất trong ngạch tòa án Tư pháp: xét xử các vụ án hình sự, dân sự, thương mại, lao động (các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của tòa án  hành chính). Tòa Phá án có 6 tòa chuyên trách (1 tòa Hình sự, 3 tòa Dân sự, 1 tòa Thương mại, 1 tòa Lao động ), với 190 Thẩm phán (120 Thẩm phán có nhiệm kỳ đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi), 70 Thẩm phán trẻ thẩm định hồ sơ (làm nhiệm vụ như Thẩm tra viên ở Tòa án Việt Nam) có nhiệm kỳ 10 năm, sau đó về làm Thẩm phán ở các tòa án cấp dưới, 15 Thẩm phán thực tập, rất trẻ. Tòa Phá án không phải là cấp xét xử thứ ba mà là cấp giám đốc thẩm, các tòa án cấp dưới không có thẩm quyền này.

Viện Công tố bên cạnh Tòa Phá án có Viện trưởng viện Công tố, 6 Công tố viên cao cấp ở 6 tòa, 40 công tố viên cao cấp khác và 6 Công tố viên thẩm định hồ sơ. Công tố viên chỉ đưa ra ý kiến pháp luật vì lợi ích chung mà không đứng về bên nào trong vụ án. Viện trưởng viện Công tố bên cạnh Tòa Phá án là thành viên quan trọng của Hội đồng Thẩm phán trong việc xem xét kỷ luật Thẩm phán, nhưng không nghiên cứu hồ sơ, không tham gia xét xử  (chỉ có nhiệm vụ bổ nhiệm và điều chuyển Công tố viên (toàn nước Pháp có 2.000 Công tố viên ) .

2.Thủ tục giải quyết vụ án ở Tòa Phá án  

Tất cả các bản án đều có thể kháng cáo lên Tòa Phá án. Đối với những bản án giải quyết tranh chấp dưới 3.800 euro, đương sự không có quyền kháng cáo phúc thẩm, nhưng lại có quyền kháng cáo phá án. Khi một bên kháng cáo phá án (kháng cáo chính) thì phải báo cho bên kia biết, trong vòng hai tháng kể từ ngày được thông báo, họ có quyền kháng cáo phá án (được gọi là kháng cáo phụ). Các bên nộp đơn kháng cáo tại phòng lục sự của Tòa Phá án, đơn này phải thông qua luật sư tư vấn tại tòa Phá án, (có 280 luật sư độc quyền ở Tòa Phá án). Luật sư phải chịu trách nhiệm làm bản luận cứ bảo vệ cho kháng cáo trong hạn bốn tháng kể từ ngày nộp đơn tại tòa, nếu quá hạn này đơn kháng cáo coi như không được chấp nhận. Bản luận cứ phải nói rõ được bản án bị kháng cáo mắc phải sai lầm gì. Vì tòa Phá án chỉ xem xét lại vụ án bị kháng cáo về hai vấn đề: (i) Áp dụng thủ tục tố tụng không đúng và (ii) Áp dụng sai pháp luật. Thực tế luật sư thường đưa ra luận cứ kháng cáo về vấn đề (i). Khi luật sư gửi bản luận cứ cho Tòa Phá án thì cũng gửi cho đương sự và những người liên quan ,họ có hai tháng để có ý kiến về bản luận cứ này.

Phòng xét xử lớn Toà Phá án Pháp

Sau sáu tháng này, hồ sơ được gửi cho Thẩm phán được giao báo cáo về vụ án. Thẩm phán  phải hoàn thành bản báo cáo trong  khoảng một tháng đến một tháng rưỡi. Báo cáo này được gửi cho đương sự (luật sư), công tố viên và ấn định ngày xét xử sau đó một tháng hay một tháng rưỡi. Báo cáo của Thẩm phán về vụ án gồm hai phần: (i) Nêu ý kiến về vụ án: tóm tắt vụ án, quyết định của Tòa án đã xét xử, những lý do (căn cứ) mà các bên cho rằng Tòa án đã xét xử không đúng, những điều luật cần được áp dụng. (ii) Nêu giải pháp giải quyết vụ án. Phần (ii) này của báo cáo không được gửi cho đương sự và công tố viên mà chỉ được gửi cho những Thẩm phán cùng tham gia xét xử vụ án.

Với 30.000 vụ án phải xét xử hàng năm theo trình tự thủ tục như trên, Tòa Phá án không thể giải quyết hết các kháng cáo, dẫn đến làm giảm vai trò và uy tín của mình. Để khắc phục tình trạng này ,tòa Phá án đã đề ra biện pháp tin học hóa xét xử.

3. Tòa Phá án áp dụng tin học hóa xét xử

Từ năm 2002, Tòa Phá án bắt đầu áp dụng biện pháp tin học hóa toàn bộ quá trình giải quyết vụ án nêu ở mục 2 nói trên. Phần lớn hồ sơ vụ án được tin học hóa, những lĩnh vực vẫn còn xử lý hồ sơ trên giấy chủ yếu thuộc về các vụ án hình sự. Để thực hiện, Tòa Phá án đã phải đầu tư nhiều:

Mỗi Thẩm phán được trang bị hai máy tính (ở cơ quan và ở nhà), được bảo mật, bên ngoài không xâm nhập được. Thẩm phán phải có hai kỹ năng: sử dụng máy tính thành thạo và nắm rõ biện pháp bảo mật. Trung tâm tin học của Tòa Phá án thiết kế một “văn phòng ảo”, gồm 3 phần: Phần (1)  gửi hồ sơ vụ án cho Thẩm phán được giao nghiên cứu và viết báo cáo về vụ án (công việc như đã nêu ở mục 2), Thẩm phán liên lạc với Thẩm phán khác và với luật sư cũng qua phần này. Khi hồ sơ vụ án đã đưa vào mạng thì luật sư sẽ vào xem được, đương sự muốn xem thì qua luật sư, nếu không gặp luật sư thì có thể yêu cầu thư ký tòa án cấp cho một mật mã và chỉ vào xem được đúng vụ án của mình.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, các Thẩm phán sẽ đọc và nghiên cứu hồ sơ trước khi xét xử. Sau đó, các Thẩm phán sẽ vào phần 2, dự thảo bản án, chỉ những Thẩm phán trực tiếp tham gia xét xử vụ án mới vào được phần này. Khi nghị án, các Thẩm phán sẽ thảo luận và cùng nhau hoàn thiện bản án trên màn hình máy tính ở phòng xét xử. Bản án được thông qua ngay khi kết thúc phiên xét xử. Phần 3 là các văn bản luật mà các Thẩm phán cần nghiên cứu để soạn thảo bản án .

Qua văn phòng ảo, Thẩm phán có thể truy cập vào hồ sơ từ nhà, từ cơ quan và khi đi công tác xa. Để tin học hóa xét xử, ngoài việc phải đầu tư nhiều thì cũng phải sửa đổi, bổ sung pháp luật, thí dụ phải cho phép cung cấp tài liệu (chứng cứ) qua đường điện tử. Việc tin học hóa xét xử đã đem lại lợi ích rõ rệt: trước đó giải quyết một vụ án mất 18 tháng thì nay chỉ mất 12 tháng. Đơn kháng cáo phá án không đủ điều kiện cũng được thông báo ngay trên mạng. Không còn án tồn đọng nữa.

Ngoài văn phòng ảo, Tòa Phá án còn có các trang các trang về thư viện, liên hệ với các học giả trên thế giới. Trung tâm nghiên cứu, tư liệu và báo cáo sẽ đọc (tìm) những bài viết, tài liệu học thuyết về luật pháp và soạn báo cáo cho Tòa Phá án. Giúp cho các Thẩm phán luôn cập nhật những thông tin mới nhất về pháp luật.

Có trang tra cứu những bản án từ 1960 trở về đây và các bản án của các tòa Phúc thẩm; Có trang cho Thẩm phán trong toàn quốc có thể vào tra cứu những tài liệu cần thiết ; Có mục hướng dẫn các Thẩm phán cách thức soạn thảo bản án, với bản án mẫu cho từng loại án. Mục hướng dẫn, trả lời những vấn đề vướng mắc về nghiệp vụ; Trang cho mọi người dân muốn tìm hiểu hoạt động của Tòa Phá án, trang này có mục đăng những bản án mà đương sự, bị cáo được ẩn danh.

(Ghi chép trong chuyến công tác tại Cộng hòa Pháp, tháng 3/2013 )