Tin tặc đánh cắp 994TB dữ liệu người dùng trong năm 2024

15:29, 05/01/2025

Năm 2024, theo báo cáo của Công ty an ninh mạng CloudSEK (Ấn Độ), tin tặc đã lấy cắp 994TB dữ liệu.

Cụ thể, 534.833GB (tương đương 534TB) dữ liệu trong số đó đã được mang ra mua bán, trao đổi trên các "trang web đen" dành riêng cho tin tặc.

CloudSEK cho biết đây là những dữ liệu được tin tặc lấy cắp từ những vụ tấn công riêng lẻ vào máy tính cá nhân của người dùng thông qua các loại mã độc do chúng phát tán, hoặc lấy cắp từ những cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các doanh nghiệp.

Để dễ hình dung, nếu một chiếc smartphone có dung lượng lưu trữ 128GB thì trong năm 2024, tin tặc đã lấy cắp dữ liệu tương đương với khả năng lưu trữ của 7.765 chiếc smartphone. Các chuyên gia bảo mật cho biết đây là kỷ lục về lượng dữ liệu bị tin tặc chiếm đoạt trong một năm.

Theo CloudSEK, người dùng sống tại Mỹ, Ấn Độ và Israel là những quốc gia bị tin tặc nhắm đến và chiếm đoạt dữ liệu nhiều nhất. Vì trong năm qua, cả Mỹ và Ấn Độ đều diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng, khiến tin tặc tăng cường thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào người dùng tại 2 quốc gia này vì mục đích chính trị.

Bên cạnh đó, người dùng tại Israel cũng bị tin tặc nhắm đến do quốc gia này xảy ra các cuộc xung đột vũ trang với các nước láng giềng, dẫn đến những cuộc trả đũa của tin tặc tại các quốc gia đối địch.

Mỹ, Anh, Canada, Đức là những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi các loại mã độc tống tiền, khi tin tặc nhắm đến các doanh nghiệp lớn của những quốc gia này để phát tán mã độc và đòi tiền chuộc.

Các chuyên gia của CloudSEK chia sẻ, người dùng có thể bị tin tặc lấy cắp dữ liệu theo nhiều cách khác nhau, bao gồm vô tình tự cài đặt mã độc lên máy tính hoặc smartphone của họ, bị lừa khai báo thông tin vào các trang web giả mạo hoặc bị mất thông tin thông qua những vụ tấn công mạng quy mô lớn,…

Để hạn chế tin tặc, CloudSEK khuyến cáo người dùng, tuyệt đối không mở file đính kèm được gửi đến từ email hoặc tin nhắn của người lạ; không khai báo các thông tin cá nhân, tài chính vào các trang web không quen thuộc, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại hoặc Internet dù họ tự nhận mình là nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc người của cơ quan chức năng,…

Theo ước tính của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tại Việt Nam cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo; thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng; hình thức lừa đảo phổ biến nhất là mời gọi đầu tư; lộ lọt dữ liệu cá nhân vẫn ở mức báo động,…