TP. Hồ Chí Minh: Thí điểm đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy trong trường học
UBND TP. HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP. HCM giai đoạn 2020-2030" năm 2022.
Trước đó, AI (trí tuệ nhân tạo), Edtech (công nghệ giáo dục), nông nghiệp công nghệ cao, y tế, tác động xã hội từng được công bố là những lĩnh vực sẽ được TP. HCM hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong năm 2022.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực canh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, TP. HCM sẽ triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh những nội dung về việc triển khai đề án xây dựng hạ tầng số với mạng di động 5G và kết nối mạng internet vạn vật (loT), xây dựng bộ dữ liệu dùng chung thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông..., UBND TP. HCM còn chú trọng đến việc xây dựng mạng lưới nghiên cứu, phát triển AI tại các trường ĐH, THPT.
Đối với khối trung học cơ sở, nội dung này có thể đưa vào chương trình nhà trường, hoạt động của các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khoá... Đối với trường trung học phổ thông, trí tuệ nhân tạo - AI sẽ đưa vào chương trình chính khoá ở lớp 11 và các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ.
Cụ thể, bản kế hoạch này nêu nhiệm vụ thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo và Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ đối tác, hợp tác với các trường ĐH, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, quảng bá sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm đào tạo về AI của các trường ĐH…
UBND TP. HCM giao ĐH Quốc gia TP. HCM chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khảo sát hiện trạng, mô hình hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI ở các cơ sở nghiên cứu đào tạo tại thành phố.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, lập đề án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo. Từ đó, thúc đẩy phát triển nghiên cứu AI thông qua mạng lưới này.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, thực tế tại một số đơn vị trường học đã triển khai các nội dung liên quan trí tuệ nhân tạo, hoạt động tự động hoá từ mấy năm gần đây.
Một số đơn vị đã chủ động đưa các tài liệu vào giáo dục AI như ở Thành phố Thủ Đức. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chủ động liên hệ các sở ngành, các trường đại học để đặt hàng các tài liệu giáo dục AI - trí tuệ nhân tạo.
Để triển khai Đề án Đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, UBND TP. HCM chỉ đạo trong quý 4 năm nay đưa nội dung về AI vào giảng dạy thí điểm tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Đồng thời, triển khai dự án Xây dựng hệ thống trường học thông minh cho các trường THPT gồm chuyên Lê Hồng phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du. Mục tiêu lâu dài là sẽ đưa đào tạo về AI vào các cấp học để từng bước phổ cập kiến thức này.
Thuỳ Chi (T/h)