TP.HCM: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đòi hỏi một lực lượng nhân lực rất lớn, có chuyên môn sâu về công nghệ số và kỹ năng số.
- Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 lần thứ 2 được tổ chức trực tuyến
- Viettel đoạt giải thưởng ASOCIO Awards 2021 nhờ có hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số toàn diện nhất
- Thúc đẩy phát triển khoa học, chuyển đổi số thực hiện "Giấc mơ miền Trung"
- Bến Tre hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp chuyển đổi số
- Sắp diễn ra Hội thảo khoa học “Bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số”
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại
Trong khi nhu cầu về nhân lực công nghệ số đang thật sự cấp bách thì năng lực đào tạo về công nghệ số của các cơ sở đào tạo tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều hạn chế.
Mặc dù thành phố đã có nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhiều năm qua, nhiều trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đào tạo về công nghệ thông tin, nhưng lực lượng nhân lực công nghệ thông tin vẫn thiếu hụt rất nhiều. Mặt khác, công cuộc chuyển đổi số cần rất nhiều nhân lực được đào tạo về các chuyên ngành mới, chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI); khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data); điện toán đám mây (Cloud Computing); internet vạn vật (IoT); thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR); chuỗi khối (Blockchain); in ba chiều (3D Printing)… nhưng hiện nay rất ít cơ sở đào tạo có các chuyên ngành mới này.
Các chuyên ngành kinh tế, xã hội như quản trị số, kinh doanh số, marketing số, phân tích dữ liệu số, quản trị trên môi trường mạng, logistics… cũng chưa có nhiều trường đào tạo. Nhìn chung, hầu hết các cơ sở đào tạo đại học về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số nói trên đều đang đối diện thách thức do đội ngũ giảng viên còn thiếu; chương trình, nội dung đào tạo chưa được chuẩn hóa, cơ sở vật chất, phòng thực hành phục vụ đào tạo nghiên cứu còn thiếu và yếu.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "TP.HCM là địa phương năng động, nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới, có lực lượng lao động đông đảo, trẻ, thu hút từ nhiều địa phương, nhất là từ các tỉnh phía nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại thành phố cũng bộc lộ những hạn chế như nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số chưa đầy đủ; thiếu hụt nguồn nhân lực chuyển đổi số từ nhà quản lý đến chuyên gia, kỹ sư, công nhân công nghệ số; người dân chưa có đủ kỹ năng số cần thiết".
Trung tâm điều hành thông minh Công viên phần mềm Quang Trung, thành phố Hồ Chí Minh.
Để bảo đảm thực thi công cuộc chuyển đổi số trong ba trụ cột nêu trên, ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến thì việc đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Duy Vĩnh, Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Do đó, rất cần thành phố nghiên cứu xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện và tập trung nguồn lực triển khai nhằm sớm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho các đối tượng liên quan.
Đồng thời, xây dựng, phát triển được lực lượng nhân lực chuyển đổi số, đội ngũ chuyên gia công nghệ số đáp ứng yêu cầu cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần bảo đảm tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhanh, hiệu quả và bền vững.
Thành phố cần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, quản trị số cho đội ngũ lãnh đạo và toàn thể giảng viên, viên chức và người lao động trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nghề trọng điểm của thành phố. Chú trọng đào tạo cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, nền tảng số cho đội ngũ giảng viên. Chuẩn hóa các chuyên ngành đào tạo gắn với nghề nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số tổng thể và toàn diện, quyết liệt thay đổi quy trình, phương thức hoạt động, ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số, nhất là các nền tảng mở, công nghệ mở để chuyển đổi số nhanh và toàn diện…
Ngoài việc đẩy nhanh các chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng số cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp…, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần có chiến lược đưa giáo dục kiến thức, kỹ năng số vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục thành phố cần đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.
PV (T/h)