Tràn lan "rác mạng" trên các nền tảng chia sẻ video

10:06, 02/04/2021

Nhiều video phản cảm, được xem là "rác mạng", xuất hiện tràn lan trên Internet. Và điều kỳ lạ là càng bị lên án thì những video này lại càng dễ kiếm tiền.

Video chế từ bộ phim hoạt hình Doraemon núp bóng "dành cho trẻ em".

Trong thời đại 4.0, sau bước phát triển thần kỳ của mạng xã hội, chúng ta đang chứng kiến tiếp sự đột phá của thị trường video trực tuyến. Lần đầu tiên, thị trường video trực tuyến châu Á đã cán mốc 30 tỷ USD vào năm 2020, vượt qua cả doanh thu quảng cáo. Trong số đó, Việt nam là một trong những nước đứng đầu về lượng người xem.

Tuy nhiên, khi thị trường phát triển nóng, nhu cầu cao và số người tham gia tạo video cũng tăng đột biến đã khiến cho chất lượng video trực tuyến trên các nền tảng chia sẻ chưa được ổn định. Nhiều video phản cảm, được xem là "rác mạng", xuất hiện tràn lan. Thị trường phát triển trong thời gian ngắn cũng dẫn đến việc kiểm soát chưa có chế tài và phương tiện hiệu quả.

Những kênh video núp bóng "dành cho trẻ em" nhưng ngôn từ tục tĩu, nội dung phản cảm; những kênh video chuyên theo chân kẻ giả danh thầy chùa, phát ngôn xằng bậy, hành động ngông cuồng; những kênh video chuyên giới thiệu về văn hóa, ẩm thực nhưng lại không hiểu về văn hóa hay ẩm thực của địa phương; thậm chí cả những video công khai đang là "người thứ ba", là cặp bồ, bất chấp xã hội lên án để tăng lượt xem..., đó chỉ là một vài trong số hàng trăm loại "rác mạng" đang tràn lan trên những nền tảng chia sẻ video. Một vài trong số đó là vô tình nhưng cũng không thiếu những kẻ hữu ý, dùng đủ chiêu trò độc - dị, bất chấp giá trị sống, đi ngược lại những điều hay, lẽ phải để "câu view". Và điều kỳ lạ là càng bị lên án thì những video đó lại càng dễ kiếm tiền.

Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận, ngày càng nhiều người làm video, tìm mọi cách, bất chấp tất cả để thu hút lượt xem, thậm chí, coi rẻ cả mạng sống của chính mình… Đáng sợ nhất là trong cơn sốt đó, "món hàng được giá nhất" lại chính là trẻ em.

Nỗi lo chung của hàng nghìn bậc cha mẹ hiện nay là làm sao để luôn đồng hành với con, làm sao để giúp con tránh khỏi đủ kiểu cạm bẫy trên Internet. Và họ cũng rất mong nhanh chóng có quy định chặt chẽ, có hàng rào kỹ thuật hiệu quả để có thể an tâm mỗi khi con em mình chạm tay vào màn hình điện thoại, máy tính bảng...

Theo vtv.vn