Trung Quốc mua thiết bị của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến bất chấp các quy định mới

09:09, 23/11/2023

Theo Reuters, các công ty Trung Quốc đang mua thiết bị sản xuất chip của Mỹ để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, bất chấp một loạt hạn chế xuất khẩu mới nhằm cản trở những tiến bộ trong ngành bán dẫn của nước này.

Vào tháng 10/2022, Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố các quy định mới, nhằm tìm cách ngăn chặn các nhà sản xuất chip Trung Quốc sử dụng các công cụ sản xuất chip của Mỹ nếu chúng được dùng để sản xuất công nghệ chip 14 nanomet hoặc thấp hơn.

Với việc Bộ Thương mại Mỹ sử dụng giới hạn kỹ thuật 14 nanomet, các nhà nhập khẩu thường có thể mua thiết bị nếu họ chứng minh chúng được sử dụng trên dây chuyền sản xuất cũ hơn nhưng cũng rất khó để xác minh thiết bị không được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến hơn.

Phát hiện này được đưa ra khi Mỹ đang cố gắng tìm ra cách mà Huawei - Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc có thể sản xuất chip 7 nanomet tiên tiến để cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh Mate 60 Pro của mình tại nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC, bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu được công bố vào năm ngoái.

Huawei và SMIC cũng được thêm vào danh sách hạn chế thương mại vào năm 2019 và 2020, nghĩa là các nhà cung cấp Mỹ bị cấm vận chuyển một số công nghệ nhất định cho các công ty này. Như vậy, giả thuyết được đưa ra rằng SMIC có thể sản xuất chip bằng thiết bị có được trước quy định tháng 10/2022.

Mỹ đã tìm cách khắc phục lỗ hổng quan trọng trong nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip tiên tiến bằng cách thuyết phục các đồng minh Nhật Bản và Hà Lan, với các ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chip mạnh mẽ tương tự, công bố những hạn chế của riêng họ đối với việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã tích trữ thiết bị bằng cách tận dụng khoảng thời gian trễ giữa các quy định tháng 10/2022 của Mỹ và các động thái tương tự của Nhật Bản và Hà Lan lần lượt vào tháng 7 và tháng 9/2023. Từ tháng 1 đến tháng 8/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 3,2 tỷ USD (23,5 tỷ RMB) từ Hà Lan, tăng 96,1% so với mức 1,7 tỷ USD (12 tỷ RMB) được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc từ tất cả các quốc gia đạt tổng cộng 13,8 tỷ USD (100 tỷ RMB) trong 8 tháng đầu năm 2023.

Theo Tạp chí An toàn thông tin

(https://antoanthongtin.vn/cong-nghe-thong-tin/trung-quoc-mua-thiet-bi-cua-my-de-san-xuat-chip-tien-tien-bat-chap-cac-quy-dinh-moi-109509)