Trường Đại học CMC tập trung nguồn lực để sớm biến “Mô hình Đại học Số” thành một Đại học Số thực sự

14:11, 04/01/2023

"Trong môi trường đào tạo đại học, điều then chốt nhất là cần đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng, liên ngành. Cả thầy và trò cần tôn trọng liêm chính học thuật, loại bỏ và lên án những gian lận trong giảng dạy, học tập và thi cử. Chúng ta cần một môi trường đào tạo tiên tiến và lành mạnh" - PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC chia sẻ.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học chính là nơi xuất phát của công cuộc đổi mới, sáng tạo cùng với phát triển một nền kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học - công nghệ.

Trường Đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; cũng là nơi sáng tạo tri thức khoa học - công nghệ cao, đóng vai trò chủ chốt phát triển khoa học - công nghệ đất nước. Mô hình đại học số là lời giải nhân lực cho chuyển đổi số, không chỉ chuyển đổi số ở Việt Nam mà còn tham gia trên toàn cầu.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC.

Có "nền móng" vững chắc là Tập đoàn Công nghệ CMC, Trường Đại học CMC đã định hướng phát triển ngay từ đầu là trở thành trường đại học thông minh, đại học số.

Hơn 40 năm công tác tại nhiều cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình đã kinh qua nhiều vị trí từ giảng dạy đến quản lý trước khi quyết định đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học CMC. Tạp chí Tin học và Đời sống có cuộc trò chuyện ngắn với PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng nhà trường.

Xin chào PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình! Thưa thầy, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và trong công tác quản lý đào tạo, thầy đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực ngành CNTT đang được các trường đại học của nước ta đào tạo ra?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình: Lời đầu tiên, tôi cảm ơn Tạp chí Tin học & Đời sống và Hội Tin học Việt Nam (VAIP) luôn đồng hành với các trường trong đào tạo và phổ biến tin học trong suốt thời gian qua.

Theo tôi, nguồn nhân lực CNTT-TT của nước ta hiện nay vừa thiếu và vừa yếu. Thiếu vì mỗi năm chúng ta cần 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư. Thực tế hiện nay có đến 70% nhân lực tốt nghiệp đại học nhưng chưa đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc ngay, mà phải đào tạo bổ sung từ 6 tháng đến 1 năm thì mới “dùng tạm” được. Số cử nhân, kỹ sư mới tốt nghiệp có thể sớm tiếp cận công việc tại các doanh nghiệp đa số là từ các trường đại học “tốp trên” như các trường đại học Bách khoa, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học CNTT - ĐHQG TpHCM, Đại học Huế, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, các trường có yếu tố nước ngoài như RMIT, USTH,… và các trường tư thục như FPT, Văn Lang, Thăng Long,… Số trường này là quá ít so với trên 150 trường đang đào tạo về CNTT ở nước ta… 

Trường Đại học CMC đang xây dựng.

Được biết, trước đó thầy đã đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Sau Đại học CNTT Kyoto (KCGI) - Học viện Máy tính Kyoto (KCG, Nhật Bản), và hiện tại đang là Hiệu trưởng trường Đại học CMC, thầy có những định hướng gì để đưa trường CMC nói riêng và nền giáo dục của Việt Nam nói chung phát triển như các trường ở Nhật Bản và các nước khác?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình: Tôi không dám định hướng để đưa cả nền giáo dục Việt Nam phát triển như các nước tiên tiến khác, mà chỉ từng bước góp phần đưa giáo dục đại học lên mức cao hơn, hiệu quả hơn và chất lượng hơn. Định hướng cơ bản ở đây đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Cần “Dạy thật, học thật, nhân tài thật”. Tôi xin cụ thể hóa tại Trường Đại học CMC: “Dạy thật, học thật và chất lượng thật” và “Lấy người học làm trung tâm” với “Giảng viên là chủ thể”. Chúng ta cần có những giảng viên giỏi, tâm huyết, thực hiện “Đào tạo tốt, nghiên cứu khoa học tốt và đóng góp tích cực cho cộng đồng”. Còn sinh viên cần chủ động hơn, tích cực hơn, ham học hỏi hơn và mạnh dạn hơn trong học tập và cuộc sống sinh viên. Cả thầy và trò cần tôn trọng liêm chính học thuật, loại bỏ và lên án những gian lận trong giảng dạy, học tập và thi cử. Chúng ta cần một môi trường đào tạo tiên tiến (như ở nước ngoài) và lành mạnh. 

Trường Đại học CMC là trường đại học trong lòng doanh nghiệp - là thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC với 30 năm phát triển và trưởng thành. CMC là tập đoàn công nghệ số 2 ở Việt Nam, có nhiều công ty công nghệ thành viên giàu kinh nghiệm, nhiều thành tựu và luôn tiên phong nắm bắt các công nghệ và giải pháp mới nhất trong CNTT-TT. Đây là mô hình rất tốt cho liên kết Nhà trường - Doanh nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu và tạo nghiệp cho sinh viên qua thực tập, thực tế tại các viện nghiên cứu và công ty công nghệ thành viên của tập đoàn. Lãnh đạo CMC là những người vừa có tâm, vừa có tầm, coi đầu tư vào giáo dục đại học như phụng sự đất nước, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đầu ra có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp… Là trường đa ngành đa lĩnh vực, nhưng Trường Đại học CMC lấy các ngành công nghệ kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin - truyền thông làm trọng tâm, từng bước phát triển thành trường đại học đẳng cấp thế giới theo lộ trình rõ ràng, khả thi, có chọn lọc và không bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường… Trường Đại học CMC có nhiều loại học bổng “CMC - vì bạn xứng đáng” là chính sách hỗ trợ, khuyến khích và đồng hành cùng sinh viên của Trường và Tập đoàn Công nghệ CMC.  

Trường Đại học CMC được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ xây dựng “Mô hình Đại học Số đầu tiên của Việt Nam”. Nhà trường đang tập trung nguồn lực và thế mạnh của Tập đoàn Công nghệ CMC để xây dựng và triển khai “Mô hình” đó. Trường Đại học CMC non trẻ, là em út, đi sau các trường anh chị, nên sẽ có cơ hội rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, tận dụng lợi thế công nghệ cho phép lựa chọn được con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để triển khai “Mô hình” thành một Đại học Số đích thực và tiên phong…

Trường Đại học CMC có thể phát triển nhanh vì có sự nhất quán trong tư duy, hành động của mỗi con người tại Trường và các đối tác của Trường, là cứ điều gì có lợi cho người học thì làm, thầy và trò cùng xây dựng môi trường đào tạo tiên tiến…

Hiện tại Trường Đại học CMC có đang áp dụng phương pháp giảng dạy, đào tạo nào giống với bên trường mà thầy đã từng công tác ở Nhật Bản hay không?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình: Có chứ, không chỉ Trường Đại học CMC, mà nhiều trường đại học khác ở Việt Nam đã và đang tiếp cận, triển khai những phương pháp giảng dạy tiên tiến. Đó là các phương pháp giảng dạy tích cực, “lấy người học làm trung tâm”, lấy việc gia tăng giá trị của người học, giúp người học trưởng thành nhanh, có trải nghiệm học ý nghĩa và cơ hội thành công sớm làm trung tâm. Tại Trường Đại học CMC, các vấn đề dù nhỏ của người học đều được quan tâm, coi trọng và tìm cách giải quyết…

Những phương pháp giảng dạy tiên tiến như Học kết hợp (Blended learning), Lớp học lai (Hybrid learning), Lớp học đảo ngược (Flipped classroom), Học dựa theo vấn đề (PBL)… đề cao sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, không chỉ trên lớp mà cả trên nền tảng quản lý học tập (LMS) hay thảo luận nhóm trong lớp… Đó là những phương pháp giảng dạy rất hiệu quả, nhưng yêu cầu cả giảng viên và sinh viên cần làm việc nhiều hơn, chuyên tâm hơn, chăm chỉ hơn để… “dạy thật, học thật và chất lượng thật”. Thầy và trò Trường Đại học CMC đang chủ động triển khai hiệu quả những phương pháp giảng dạy và học tập tích cực này.

Góc học tập trang bị nhiều thiết bị công nghệ cho sinh viên.

Thầy có thể chia sẻ và đưa ra những lời khuyên cho các sinh viên đặc biệt là các bạn sinh viên ngành CNTT để các bạn có định hướng rõ hơn về ngành nghề, công việc của mình sau khi ra trường?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình: Phương pháp học ở trường đại học khác với phương pháp học ở trường phổ thông. Sinh viên cần hiểu và sớm làm quen với cách học chủ động ở đại học, từ bỏ thói quen học thụ động ở phổ thông. Học và thi là thể hiện kiến thức thu được của mình, không gian lận để có điểm cao, vì đó là thể hiện chất lượng giả và vi phạm đạo đức học thuật. Trên lớp cần tương tác chủ động với giảng viên khi được phép hỏi. Chú ý học, nắm chắc các khái niệm và cách áp dụng thực tế. Riêng các bạn sinh viên ngành CNTT-TT thì không chỉ học “Sử dụng như thế nào?” (How to use?), mà cũng cần chú ý học “Làm/chế tạo như thế nào?” (How to make?). Kỹ hơn và hiệu quả hơn nữa nếu như sinh viên nào khi học luôn bám sát quy tắc 5W1H (What - When - Where - Why - Who - How: Là gì - Khi nào - Ở đâu - Tại sao - Ai - Thế nào). Các bạn sinh viên CNTT-TT cũng cần tiên phong và chủ động học và sử dụng những phần mềm nguồn mở (Open Source Software - OSS) là kho báu về lập trình và công nghệ. Lời khuyên tiếp theo với các bạn sinh viên: Hãy học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Trường Đại học CMC tuyển sinh viên có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 4.5 trở lên vào học chính khóa, khi ra trường sẽ sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc. Thực tế hiện nay, các sinh viên chính khóa của trường các ngành CNTT, Quản trị kinh doanh, Thiết kế đồ họa… đã chủ động đọc các tài liệu bài giảng và sách giáo khoa các môn cơ sở và ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, các bạn sinh viên biết tiếng Nhật hay tiếng Hàn Quốc đều là những lợi thế trong công việc sau này… Thêm nữa, các bạn nên chú ý học và thuần thục kỹ năng mềm, làm việc nhóm, tập viết các báo cáo, bài tập, bài luận, bài trình bày trong quá trình học cho cẩn thận sẽ tạo thành thói quen tốt sau này khi ra trường.

Xin cảm ơn những chia sẻ hết sức ý nghĩa của thầy, Xin kính chúc thầy mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Trường Đại học CMC ngày càng phát triển. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn thầy!

Thành lập năm 2011, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu (tiền thân của Trường Đại học CMC) là một trong hai trường đại học trong cả nước chuyên đào tạo cử nhân mỹ thuật công nghiệp hệ chính quy.

Năm 2022, Trường đã có bước phát triển đột phá khi tiếp nhận đầu tư chiến lược từ Tập đoàn Công nghệ CMC. Căn cứ Quyết định số 895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chính thức đổi tên thành Trường Đại học CMC kể từ ngày 26/07/2022.

Mục tiêu hàng đầu của Trường Đại học CMC là trở thành một trường đại học công nghệ với các lĩnh vực đào tạo thế mạnh là Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Điện tử - viễn thông, Tự động hóa và các lĩnh vực khác gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số của cả nước, với quy mô cỡ trung từ 20 đến 30 nghìn sinh viên vào năm 2039.

Thùy Dung