Tuyên Hóa dẫn đầu về chuyển đổi số

15:00, 20/05/2024

Tuyên Hóa dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhưng đã nỗ lực trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về chuyển đổi sổ.

Những con số đáng mừng về chuyển đổi số ở Tuyên Hóa

Với việc tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả nội dung chuyển đổi số (CĐS) ở nhiều lĩnh vực, UBND huyện Tuyên Hóa đạt được những kết quả nổi bật về xây dựng chính quyền số, nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, cải cách hành chính (CCHC)...

Kết quả đó có được là nhờ Ban chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong xã hội cũng như hệ thống chính trị về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số cũng như tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả 19 xã và thị trấn trong huyện đã phát hành kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn từ 2023 đến 2025, mục tiêu hướng tới năm 2030. Đồng thời kiện toàn các tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã và thôn. Hiện nay có tổng số 130 tổ công nghệ số cộng đồng tại 130 thôn, với tổng cộng 214 thành viên.

Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, ông Lê Nam Giang, đã chia sẻ: "Chúng tôi đã tạo điều kiện cho cán bộ, lãnh đạo, công chức cấp huyện và xã tham gia các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số; đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phần mềm công cộng và tập huấn về quy trình, nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trên cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử.

Để phụ trách riêng về Công nghệ Thông tin, Chuyển đổi Số, UBND huyện đã bố trí 1 công chức Phòng Văn hóa - Thông tin kiêm nhiệm, 1 viên chức Văn phòng HĐND -UBND huyện. Phía UBND cấp xã đã giao nhiệm vụ cho các công chức Văn phòng-Thống kê hoặc công chức Văn hóa-Xã hội kiêm nhiệm tham mưu về ứng dụng Công nghệ Thông tin, chuyển đổi số".

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm một cửa liên thông huyện Tuyên Hoá.

Chú trọng công tác xây dựng chính quyền số

Công tác xây dựng chính quyền số được chú trọng. Hàng năm, UBND huyện đều hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai, hoàn thiện và tận dụng hiệu quả hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; cùng với việc sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đặc biệt là việc gửi và nhận văn bản điện tử, ký số của lãnh đạo. Đến nay, 12 phòng chuyên môn, 9 đơn vị, 19 xã và thị trấn đã thực hiện nghiêm túc việc gửi và nhận văn bản điện tử, không sử dụng văn bản giấy, ngoại trừ các loại văn bản mật.

Ngoài ra, hệ thống dịch vụ công trực tuyến và "một cửa" điện tử từ huyện đến xã đã liên kết mạch lạc, giúp hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức và cá nhân được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả kịp thời, rút ngắn thời gian so với quy định. Các chỉ số liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ và kết quả thủ tục hành chính của huyện đều đạt tỷ lệ cao.

Trên địa bàn, nhiều mô hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến được triển khai một cách hiệu quả, như: "Ngày thứ Sáu không viết" tại xã Tiến Hóa, "Ngày thứ Tư trực tuyến" và "Ngày không hẹn" tại xã Đức Hóa, cùng với mô hình số hóa hình ảnh không gian xã bằng công nghệ VR360 tại xã Châu Hóa. Hệ thống trang thông tin điện tử cấp huyện và xã hoạt động một cách hiệu quả, đóng góp vào việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, ông Hoàng Trọng Tài cho hay, mô hình “Ngày thứ Sáu không viết” đã được triển khai từ năm 2022. Theo đó, vào mỗi ngày Thứ Sáu hàng tuần, cán bộ chuyên trách xã được huy động để hỗ trợ người cao tuổi, người không có trình độ học vấn cao, và những người chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin hay chuyển đổi số. Mô hình giúp giảm khối lượng, áp lực công việc cho công chức xã. Trong khi đó, hồ sơ người dân được giải quyết nhanh, hiệu quả hơn so với trước.

Anh Nguyễn Thành Chung, một người dân ở xã Tiến Hóa cho hay, giờ đây anh thường chọn ngày thứ 6 để giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ xã sẽ viết, hướng dẫn nên thủ tục được xử lý nhanh chóng.

Phía các tổ chức, doanh nghiệp cũng bước đầu đã nhận thức được vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động.

Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng

https://dientuungdung.vn/tuyen-hoa-dan-dau-ve-chuyen-doi-so